Thứ năm 18/04/2024 13:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nghị quyết số 33/NQ-CP: Quyết sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển

14:54 | 15/03/2023

(Xây dựng) - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 (viết tắt là Nghị quyết số 33) đưa ra một số giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, tổ chức thực hiện, nguồn vốn cho thị trường bất động sản và thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Nghị quyết số 33/NQ-CP: Quyết sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng).

Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) về những giải pháp, nhiệm vụ của Chính phủ, cũng như Bộ Xây dựng trong thời gian tới để đưa thị trường bất động sản phát triển bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

PV: Xin Cục trưởng cho biết vai trò của Nghị quyết số 33 trong thời điểm thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay?

Cục trưởng Hoàng Hải: Thị trường bất động sản thời gian qua còn thiếu nguồn cung, cơ cấu sản phẩm nhà ở chưa phù hợp, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vốn và phải dừng triển khai các dự án bất động sản, cũng như cắt giảm lao động… Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp ngắn hạn cũng như lâu dài để tháo gỡ cho thị trường.

Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc căn cơ về thể chế, hay bất cập từ nguồn vốn tín dụng, trái phiếu… và cách thức tổ chức thực thi tại nhiều địa phương chưa đồng bộ, thống nhất làm thị trường chuyển biến chưa thực sự rõ nét, những khó khăn vẫn còn hiện hữu.

Tại thời điểm này, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn hiệu quả hơn nữa, đồng thời cụ thể hóa kịp thời các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy thị trường bất động sản, thì việc ban hành Nghị quyết số 33 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây được ví như “liều thuốc” tăng cường “sức đề kháng” cho thị trường bất động sản tự hồi phục, tự khơi thông các điểm nghẽn. Nhiều quyết sách toàn diện, giải pháp căn cơ được đưa ra hướng đến mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

PV: Cục trưởng cho biết thêm về định hướng, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33 để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững?

Cục trưởng Hoàng Hải: Ngay từ giai đoạn đề xuất, xây dựng dự thảo Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt quan điểm việc chỉ đạo điều hành tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản luôn phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và với yêu cầu, tình hình thực tiễn.

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến phát triển thị trường bất động sản đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và phải có tính khả thi cao. Bên cạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục thị trường thì cũng coi trọng công tác giám sát, điều tiết thị trường. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; bảo vệ cán bộ, những người làm đúng.

Những chính sách thúc đẩy thị trường thời gian tới sẽ tập trung mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập thấp tại các đô thị, khu công nghiệp. Ngoài ra, không siết chặt các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán… dành cho bất động sản một cách bất hợp lý, nhưng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát.

Việc phát triển thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội sẽ huy động nguồn lực của cả xã hội, đặc biệt là từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bất động sản lớn; tạo cơ chế, thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.

Trong Nghị quyết số 33, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh quan điểm phải coi lĩnh vực bất động sản bình đẳng với các ngành nghề, lĩnh vực khác. Tôn trọng và để thị trường bất động sản tuân theo những quy luật thị trường, quy luật cung - cầu, cạnh tranh, từ đó tạo động lực để thúc đẩy phát triển.

PV: Nghị quyết số 33 đưa ra 06 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Xin Cục trưởng cho biết Bộ Xây dựng sẽ tham mưu cho Chính phủ triển khai nhiệm vụ, giải pháp này như thế nào?

Cục trưởng Hoàng Hải: Tại Nghị quyết lần này Chính phủ đưa ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Đó là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; nguồn vốn tín dụng; nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp; việc tổ chức thực hiện của các địa phương; truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản.

Về nhóm nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trước mắt, trong khi chờ Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực để tháo gỡ tổng thể những khó khăn hiện nay thì Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng, trình, đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tháo gỡ ngay một số vướng mắc lớn thời gian qua.

Những chính sách thí điểm này sẽ tập trung vào các vướng mắc về giao đất để đầu tư xây dựng dự án; về quy hoạch, bố trí quỹ đất; lựa chọn chủ đầu tư; quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội; về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội... Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tích cực, chủ động chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp tập trung nghiên cứu, xây dựng dự thảo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết này vào kỳ họp tháng 5/2023 tới đây.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang chủ trì, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" để tăng nguồn cung cho thị trường và người có nhu nhập thấp sẽ sớm tiếp cận được nhà ở với giá phù hợp.

Đặc biệt, để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ cũng đề xuất triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030).

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình tín dụng này và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi hơn lãi suất thị trường. Danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình này cũng sẽ được Bộ Xây dựng chủ trì xác định.

Nghị quyết số 33/NQ-CP: Quyết sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển
Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ đưa ra 06 nhóm giải pháp trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (Ảnh minh họa).

PV: Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ chuẩn bị, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết như thế nào để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33?

Cục trưởng Hoàng Hải: Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản dự thảo chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện Nghị quyết số 33 của Chính phủ và sẽ sớm ban hành để triển khai.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xây dựng 02 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Cũng vừa mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự kiến quá trình Quốc hội thẩm tra, xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Hai dự án luật quan trọng này khi được thông qua, có hiệu lực sẽ đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ và Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Cùng phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng theo dõi sát diễn biến, xu thế tình hình và nhu cầu của thị trường về các loại hình, phân khúc bất động sản để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chủ động tuyên truyền, phổ biến các chính sách, giải pháp và kết quả tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Hà Khánh (thực hiện)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load