Thứ ba 05/11/2024 01:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Nghề môi giới bất động sản nhìn từ Hoa Kỳ

16:01 | 08/07/2020

(Xây dựng) - Ở Việt Nam, “người giới thiệu”, “người dắt mối”, hay “người bán hàng bất động sản dự án” nói chung đều được hiểu là “môi giới” bất động sản. Còn tại Hoa Kỳ, các khái niệm trên được phân biệt rất rõ.

Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Duyên - Giảng viên Học viện Adureal gửi đến Hội thảo “Vai trò hoạt động môi giới trong quản lý phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam” được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo bà Duyên, cách thức giao dịch bất động sản tại Hoa Kỳ khác với nhiều quốc gia. Mỗi tiểu bang tại Hoa Kỳ có bộ quy tắc, Luật lệ riêng về việc mua bất động sản, bao gồm loại hợp đồng mua bán được sử dụng, phương thức hoàn tất thủ tục mua bán và đôi khi cả nhiệm vụ và chức danh của các cá nhân liên quan tới quá trình này.

nghe moi gioi bat dong san nhin tu hoa ky
Tại Hoa Kỳ, thông tin về bất động sản phải được đảm bảo giống nhau và rõ ràng, dù được chia sẻ bởi các Công ty môi giới khác nhau.

“Không giống tại Việt Nam khi thông tin về thị trường bất động sản rất nhiễu loạn và người mua phải đi tham khảo nhiều đại lý để mua bất động sản; tại Hoa Kỳ, thông tin về bất động sản phải được đảm bảo giống nhau và rõ ràng, dù được chia sẻ bởi các Công ty môi giới khác nhau. Do đó, người tiêu dùng khi có nhu cầu có thể tự tìm hiểu thông tin qua các trang web về bất động sản như zillow.com”, bà Duyên cho biết.

Không dừng lại ở đó, tại Hoa Kỳ, tất cả các thành phần tham gia vào một giao dịch bất động sản đều phải có giấy phép hoạt động. Giấy phép hoạt động môi giới của mỗi tiểu bang có sự khác nhau về yêu cầu trình độ học thức, mức độ khó của các kỳ thi cấp phép. Hệ thống cấp phép được thiết kế để đảm bảo các cá nhân hay tổ chức môi giới bất động sản có đủ điều kiện để hướng dẫn người mua tìm kiếm, đánh giá và đảm bảo đủ khả năng tài chính để giao dịch bất động sản.

Phân tích kỹ hơn những khác nhau trong hoạt động môi giới bất động sản tại Việt Nam và Hoa Kỳ, bà Duyên cho biết: Ở Việt Nam, “người giới thiệu”, “người dắt mối”, hay “người bán hàng bất động sản dự án” nói chung đều được hiểu là “môi giới” bất động sản. Còn tại Hoa Kỳ, các khái niệm trên được phân biệt rất rõ. Theo đó, “người bán bất động sản dự án” được gọi là “saleperson”, “saleperson” không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề tuy nhiên cũng được đào tạo qua các khóa học bài bản.

Ở cấp độ cao hơn là “real estate agent”, “real estate agent” bắt buộc phải có giấy phép, chứng chỉ mới được tham gia hành nghề. Ở Hoa Kỳ, “môi giới” được hiểu chính xác là “broker”, là người được đào tạo một cách khắt khe và bài bản, tham gia xử lý các vấn đề mang tính kỹ thuật cao hơn của một giao dịch. “Môi giới” khi được cấp phép có thể làm việc độc lập hoặc mở Công ty môi giới và thuê các “real estate agent” làm việc cho mình.

nghe moi gioi bat dong san nhin tu hoa ky
Ở Hoa Kỳ, “môi giới” là người được đào tạo một cách khắt khe và bài bản, tham gia xử lý các vấn đề mang tính kỹ thuật cao hơn của một giao dịch.

Bên cạnh đó, mỗi bang ở Hoa Kỳ có những quy định riêng về việc cấp chứng chỉ hành nghề, không phải quy định chung từ Chính phủ liên bang, nhưng nhìn chung để trở thành một người môi giới bất động sản ở Hoa Kỳ cần các điều kiện sau: Trước hết, phải là một “real estate agent” làm việc cho Công ty môi giới bất động sản ít nhất 2 năm tùy từng bang. Các môn học mà một “real estate agent” phải học để được cấp chứng chỉ gồm: pháp lý, đạo đức nghè nghiệp, tài chính, hợp đồng, các vấn đề về thuế và bảo hiểm.

Sau khi “real estate agent” làm việc cho các Công ty môi giới mà muốn trở thành “broker” (môi giới bất động sản) thì họ phải tiếp tục tham gia các khóa học về tài chính, thuế, Luật áp dụng cho các Công ty bất động sản, đầu tư bất động sản, xây dựng, luật kinh doanh bất động sản, quản lý tài sản… Sau khi đậu kỳ thi sát hạch và để chứng chỉ hành nghề có hiệu lực thì “broker” còn phải làm việc cho các Công ty môi giới bất động sản ít nhất 1 đến 3 năm tùy theo quy định của từng bang.

“Mỗi “môi giới” đều có một mã số hành nghề đi kèm. Trong mỗi giao dịch bất động sản đều có mã số hành nghề của người môi giới trong hợp đồng thể hiện trách nhiệm của người môi giới trong giao dịch bất động sản. Nếu vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, “môi giới” sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề vĩnh viễn”, bà Duyên nhấn mạnh.

Để tăng sự chuyên nghiệp và sự tin tưởng của khách hàng, các môi giới có thể gia nhập “Hiệp hội các nhà môi giới bất động sản Hoa Kỳ” để trở thành đơn vị môi giới chuyên nghiệp. Tính đến năm 2017, thành viên của Hiệp hội này đã lên tới 1,3 triệu người. Đây là hiệp hội thương mại lớn nhất Hoa Kỳ, bao gồm các thẩm định viên, nhà môi giới, tư vấn viên… trong ngành Bất động sản.

Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người tham gia hoạt động môi giới bất động sản nhưng chỉ có khoảng 30.000-35.000 người đủ điều kiện hành nghề (chiếm 10-12%).

Đoàn Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load