Thứ sáu 19/04/2024 21:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngành Xi măng Việt Nam: Thách thức và tương lai

13:21 | 18/08/2022

(Xây dựng) - “Sự phát triển của ngành Xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” - là chủ đề của Hội thảo khoa học do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) tổ chức tại thành phố Hải Phòng, ngày 18/8. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đồng chí Trần Lưu Quang - Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Đồng chí Bùi Hồng Minh Thứ trưởng Bộ Xây dựng dự Hội thảo.

nganh xi mang viet nam thach thuc va tuong lai
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Đóng góp lớn vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Đức - Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ Tổng Công ty Xi măng Việt Nam ôn lại truyền thống lịch sử 123 năm hào hùng, vẻ vang của ngành Xi măng Việt Nam, từ ngày 25/12/1899 Nhà máy Xi măng Hải Phòng được người Pháp khởi công xây dựng, đến nay.

Đặc biệt, ngày 30/5/1957, những người thợ xi măng Hải Phòng vô cùng vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Bác đi thăm các khu vực sản xuất và nói chuyện với cán bộ, công nhân tại Xưởng đóng bao, Người ân cần căn dặn: “Nhà máy Xi măng Hải Phòng trước đây là của thực dân; bây giờ là của các cô, các chú. Người công nhân trước đây là người làm thuê cho tư bản, bây giờ là người làm chủ đất nước, phải xứng đáng với vai trò của mình”.

Đồng chí Phạm Minh Đức nhấn mạnh: Đất nước ta trải qua hơn 35 năm đổi mới, đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Góp phần xây dựng nên cơ đồ của đất nước như hiện nay có sự đóng góp không nhỏ của ngành Xi măng Việt Nam.

Thực hiện theo lời dạy của Bác, hơn 65 năm qua cán bộ, đảng viên và công nhân lao động ngành Xi măng Việt Nam nói chung và Tổng công ty Xi măng Việt Nam nói riêng, đã phát huy vai trò làm chủ, đoàn kết thống nhất, nỗ lực lao động, học tập, giữ vững kỷ cương kỷ luật lao động, rèn luyện phấn đấu vươn lên, tiếp cận khoa học kỹ thuật, từng bước làm chủ công nghệ sản xuất xi măng, đầu tư mở rộng quy mô, nâng công suất sản xuất xi măng toàn quốc từ gần 300.000 tấn xi măng/ năm (công suất Nhà máy Xi măng Hải Phòng cũ), đến nay, toàn ngành có tổng công suất trên 107 triệu tấn xi măng/năm. Trong đó, Tổng Công ty có công suất đạt 32 triệu tấn xi măng/năm, chiếm 35% thị phần xi măng cả nước, tiếp tục khẳng định là đơn vị chủ đạo dẫn dắt ngành Xi măng Việt Nam.

Đánh giá cao đóng góp của ngành Xi măng, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Hơn 35 năm đổi mới, phát huy truyền thống vẻ vang, khát vọng phát triển vươn lên mạnh mẽ, tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tích cực đề ra nhiều sáng kiến, tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật, các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, ngành Xi măng Việt Nam đã có những bước chuyển to lớn đồng hành với tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

VICEM dẫn dắt, bình ổn thị trường; đi đầu trong khoa học công nghệ

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Đạt những thành tựu to lớn là nhờ các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ công nhân lao động toàn ngành Xi măng đã kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt khó, đột phá và sáng tạo. Đó là nhờ những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã được toàn ngành Xi măng quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện hiệu quả; phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua thiết thực, chăm lo cuộc sống cho người lao động.

Theo TS.Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành Xi măng có bề dày lịch sử và nhiều thành tựu là nhờ sự phấn đấu bền bỉ, vượt khó, vươn lên, trí tuệ, sáng tạo của tập thể cán bộ công nhân ngành Xi măng rất lớn; nhờ cơ chế chính sách của Nhà nước tạo điều kiện để ngành Xi măng phát triển.

Dẫn chứng, TS.Cung khẳng định: Ngành Xi măng “sơ sinh” đã có khí phách, làm điều kỳ diệu. Ban đầu, Nhà máy Xi măng Hải Phòng từ tay thực dân Pháp là xi măng lò đứng, sản phẩm xi măng dùng xây dựng công trình bình thường, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng sản xuất được xi măng tương đương tiêu chuẩn bên Pháp, sản phẩm xuất khẩu một số nước trên thế giới... Đến nay, nhờ đổi mới công nghệ, chạy vượt công suất thiết kế, ngành Xi măng đạt 123 triệu tấn, trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trong đó, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam có vai trò quan trọng trong bình ổn, dẫn dắt thị trường; đi đầu trong khoa học công nghệ; là “cái nôi” đào tạo hàng loạt cán bộ công nhân giỏi của ngành Xi măng...

3 thách thức ngành Xi măng phải giải quyết

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhu cầu xi măng để đáp ứng cho an ninh quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm của đất nước và phục vụ dân sinh còn cao, trước mắt, chưa có vật liệu khác thay thế. Đây là điều kiện cho ngành Xi măng phát triển. Tuy nhiên, vấn đề về thị trường cạnh tranh trong nước, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, yêu cầu cao về bảo vệ môi trường là những thách thức ngành Xi măng phải đối mặt, giải quyết.

Nói về khó khăn ngành Xi măng, TS.Cung kiến nghị: Cần có cơ chế, tạo điều kiện để giải quyết nhanh các thủ tục đấu thầu của doanh nghiệp Nhà nước.

Theo TS.Cung, ngành Xi măng gặp 3 thách thức lớn về nguyên nhiên liệu, cân đối cung cầu và thách thức về môi trường. Hiện nay, các nhà máy có năng lực vượt công suất thiết kế nên nhu cầu đá vôi đất sét tăng nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường không chấp nhận điều này. Các thủ tục liên quan đến khai thác đá vôi rất khó khăn, cần giải quyết sớm. Cần khai thác âm nhưng thủ tục khó khăn. Ngoài thủ tục Nhà nước, còn vấn đề môi trường. Chúng ta đưa rác nhưng lấy được rác rất khó khăn, ách tắc.

Thách thức nguyên nhiên liệu. Hiện giá than nhập khẩu 210 -220 USD, than chiếm 50-60%, giá than tăng nhiều dây chuyền dừng và thiếu xi măng; giá than tăng nhà thầu xây dựng kêu khó. Giải pháp giảm lượng clinker trong xi măng, sử dụng thêm phế thải để thay thế.

Thách thức thứ hai, mất cân đối cung cầu. Tổng công suất thiết kế 107 triệu tấn, nhưng ứng dụng công nghệ công suất lên đến 123 triệu tấn; hiện đang đầu tư 29 triệu tấn, nâng lên tổng công suất gần 150 triệu tấn; trong khi tiêu thụ 57 - 60 triệu tấn, xuất khẩu giảm. Mất cân đối cung cầu nhưng nếu bỏ quy hoạch xi măng, chỉ xét duyệt dự án đầu tư; Bộ Xây dựng không còn vai trò. Điều này, cần xem lại, nếu không có quy hoạch xi măng sẽ “nguy hiểm”, thị trường tiếp tục mất cân đối trầm trọng.

Thách thức môi trường, đầu tư vào môi trường ngành Xi măng mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, nhưng gặp khó khăn về thủ tục. Giảm clinker trong xi măng sẽ giảm phát thải tốt nhất.

nganh xi mang viet nam thach thuc va tuong lai
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Chuyển từ tăng trưởng quy mô sang tái cấu trúc ngành

Theo các chuyên gia, để tiếp tục phát triển, lớn mạnh; ngành Xi măng Việt Nam nói chung và Tổng Công ty xi măng Việt Nam nói riêng tập trung chuyển trọng tâm từ tăng trưởng quy mô sang tái cấu trúc ngành, đổi mới công nghệ và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng ưu tiên phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Nâng cao năng lực sản xuất thông qua tối ưu hóa sản xuất, áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, giảm định mức tiêu hao, khai thác và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường. Triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn, xử lý đốt rác thải, sử dụng bùn thải thay thế nguyên, nhiên liệu trong sản xuất xi măng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế, đồng thời chung tay góp phần giải quyết vấn đề môi trường cho đất nước; Nghiên cứu đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, than phẩm cấp thấp trong sản xuất clinker, xi măng.

Thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa; ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trong việc số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động, năng lực quản trị.

Vũ Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load