Thứ hai 13/01/2025 11:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Ngành Xi măng sau 1 năm áp thuế suất

22:58 | 20/09/2017

(Xây dựng) - Xuất khẩu lao đao, áp lực cạnh tranh ở thị trường nội địa đang ở mức cao và “cơn sóng ngầm” chấp nhận bán dù lỗ đã bắt đầu xảy ra... Là nét phác họa chung về bức tranh ngành Xi măng (XM) hiện nay. Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn để thị trường không hỗn loạn? Bài viết sẽ được Báo Xây dựng truyền tải tới bạn đọc qua 2 kỳ.


Ảnh minh họa.

Kỳ 1: Xuất khẩu XM lao đao, sóng ngầm trong nước gia tăng

Lao đao xuất khẩu xi măng

Nói một cách công bằng ngành công nghiệp XM đã rất nỗ lực, đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, dân sinh trong nước và một phần xuất khẩu. Nhưng quy luật của kinh tế thị trường là cạnh tranh và với ngành XM thì cạnh tranh càng khốc liệt khi thị trường trong nước cung vượt cầu và gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ XM các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan…

Được triển khai từ tháng 9/2016 và đến nay tròn 1 năm có lẻ, kể từ khi Nghị định số 100/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng, Luật Quản lý thuế và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan được áp dụng trong đó có xuất khẩu XM. Đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu XM vẫn chịu mức thuế xuất ấy và giá xuất khẩu xuống mức thấp trong lịch sử. Nhưng thấp và lỗ thì vẫn phải xuất vì đơn hàng đã ký, không tiêu thụ nội địa, không xuất khẩu để tồn kho thì chỉ có hỏng?

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn The Vissai cho biết: Tròn 1 năm đóng thuế xuất khẩu với mức 5% thuế suất và 10% không hoàn thuế VAT, đến nay thì một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, có thị trường, có thương hiệu, sản phẩm đạt chuẩn chất lượng để xuất khẩu như The Vissai cũng lao đao vì xuất khẩu.

“Chúng tôi phải nộp 15% và nếu thuế không trả thì tàu sẽ không chạy được. Ngay cả khi chưa nhận được đồng thanh toán nào từ đối tác thì chúng tôi phải nộp 15% ấy rồi mới được cấp giấy chứng nhận rời cảng” – Phó Tổng Giám đốc The Vissai nhấn mạnh.

Là nhà sản xuất xi măng tư nhân lớn nhất cả nước, sở hữu 5 nhà máy xi măng với tổng công suất 6 triệu tấn/năm, The Vissai là nhà đầu tư có tiềm lực, chiếm lĩnh tốt thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhưng đến nay, xuất khẩu khó khăn trăm bề vì vừa phải chịu thuế cao lại vừa gặp phải cạnh tranh với XM giá rẻ từ các nước láng giềng, đang dư thừa lớn thì chính The Vissai cũng đang gặp khó khăn và chấp nhận lỗ trong xuất khẩu.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp làm ăn uy tín, hợp đồng đã ký thì lỗ cũng phải xuất để đảm bảo đơn hàng cho đối tác. Thực tế, giá xuất khẩu xi măng, clinker đã và đang xuống rất thấp, cùng với sự dư thừa công suất của xi măng Trung Quốc đã lên đến 600 - 700 triệu tấn, số dư thừa gấp 7 - 8 lần tổng công suất của Việt Nam hiện nay và các nước xuất khẩu XM thi nhau hạ giá xuất khẩu, chiếm lĩnh thị phần làm cho giá xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm và thị trường xuất khẩu cũng ai mạnh người đó thắng.

Không chỉ  có The Vissai mà tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu XM đều lao đao, khó khăn bủa vây trăm bề.

“Cơn sóng ngầm” trong nước

Xuất khẩu khó khăn, giảm xuất khẩu để tiêu thụ trong nước nhưng theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay, cả nước có gần 80 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 88 triệu tấn/năm. Nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, tổng công suất thiết kế toàn ngành sẽ lên đến 108 triệu tấn/năm. Những nhà máy XM đã đi vào sản xuất cũng không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ nên năng lực sản xuất thực tế đến năm 2020 có thể lên đến 120 - 130 triệu tấn.

Hiện năng lực sản xuất thực tế của các nhà máy đều cao hơn công suất thiết kế và nếu không xuất khẩu được thì XM sẽ dư thừa 30 triệu tấn trong năm nay và tới năm 2020, Việt Nam sẽ thừa 36 - 47 triệu tấn XM - một con số không nhỏ.

Trong nước nguồn cung tăng mạnh nhưng tiêu thụ nội địa tăng rất chậm. Đơn cử như trong 8 tháng năm 2017, cả nước tiêu thụ 51,81 triệu tấn xi măng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 64,8% kế hoạch năm 2017. Trong đó tiêu thụ XM nội địa trong 8 tháng của năm 2017 đạt 39,17 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ; xuất khẩu khoảng 12,64 triệu tấn. Riêng tháng 8, lượng XM tiêu thụ đạt khoảng 6,08 triệu tấn, tăng 4% so với tháng 8/2016 và lượng XM tiêu thụ nội địa đạt 4,58 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ.

XM là mặt hàng đặc thù bởi không thể để tồn kho quá lâu, sản xuất ra là phải bán, phải tiêu thụ. Tiêu thụ nội địa tăng chậm, xuất khẩu gặp khó khăn và trên thực tế đã có những doanh nghiệp cạnh tranh bằng cách giảm giá bán.

Lãnh đạo một nhà máy XM thừa nhận, tiêu thụ nội địa vẫn là đích nhắm của nhiều doanh nghiệp sản xuất XM trong nước. Nhiều nhà máy có chiến lược tăng công suất sản xuất để giảm khấu hao thiết bị trên đầu tấn XM, sản phẩm bán ra lãi ít hoặc chấp nhận hòa vốn, thậm chí lỗ vẫn phải bán.

Ngành XM đang có “cơn sóng ngầm” giảm giá bán dù không phải doanh nghiệp nào cũng chọn phương án giảm giá bán để cạnh tranh. Nhưng nếu tất cả đều giảm giá bán để cạnh tranh thì ngành XM buộc phải thiết lập mặt bằng giá mới. Thực tế, nhiều mặt hàng tăng giá nhưng giá bán XM gần 2 năm nay tương đối ổn định, dù giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất XM cũng có biến động tăng.

Hiện Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về sản lượng sản xuất XM. Nếu giảm hoàn toàn xuất khẩu XM và tập trung cho tiêu thụ nội địa thì thị trường XM nội địa sẽ hỗn loạn và một số doanh nghiệp sẽ phá sản, các doanh nghiệp khác sản xuất cầm chừng. Ngành xi măng Việt Nam đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Kỳ 2: Giải pháp nào cho ngành Xi măng trong cơn bĩ cực

Vũ Huyền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load