Thứ hai 13/01/2025 02:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Ngành Xây dựng - hành trình 60 năm phát triển

07:00 | 27/04/2018

(Xây dựng) - Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Xây dựng luôn giữ vững và khẳng định được vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có những đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại công trình Thủy điện Sơn La (năm 2016).

Ngày 29/4/1958, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa I đã ra Nghị quyết tách Bộ Thủy lợi - Kiến trúc để thành lập 2 bộ: Bộ Thủy lợi và Bộ Kiến trúc. Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, kiến thiết cơ bản, nhà đất và sản xuất VLXD.

Từ đó đến nay, ngành Xây dựng luôn giữ vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là lực lượng chủ yếu tạo ra tài sản cố định, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong suốt 60 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua các giai đoạn phát triển với những tên gọi khác nhau gắn với những nhiệm vụ cụ thể của từng thời kỳ lịch sử, ngành Xây dựng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, luôn giữ vững và khẳng định được vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có những đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, tuy còn non trẻ nhưng lực lượng xây dựng của Ngành đã nhanh chóng phát triển, tích cực tham gia thực hiện thành công các nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn phát triển và cải tạo kinh tế cũng như tham gia vào cuộc chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ đối với miền Bắc, dốc sức chi viện cho miền Nam. Lực lượng lao động của Ngành đã trực tiếp thi công hàng trăm công trình lớn nhỏ như: Nhà máy Thủy điện Lào Cai, Uông Bí, Thác Bà, các công trình hóa chất ở các KCN Việt Trì, gang thép Thái Nguyên... xây dựng các trường đại học, bệnh viện, khách sạn, các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình phúc lợi, nhà ở, sân bay Đa Phúc, Kép, Hòa Lạc, Gia Lâm, Cát Bi, Sao Vàng, các công trình dẫn dầu, các công trình phòng không... Hầu hết các công trình này đều hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ an ninh, quốc phòng.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; cùng với cả nước, ngành Xây dựng bước sang thời kỳ mới, thời kỳ khôi phục sau chiến tranh và xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Lực lượng của Ngành đã nhanh chóng được tổ chức, tập hợp, sắp xếp và điều tiết lại trong cả nước, hình thành bộ máy quản lý và các tổ chức xây dựng ở miền Nam, tăng cường các tổ chức xây dựng ở miền Bắc để thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thăm khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) do VIGLACERA đầu tư xây dựng.

Nhiều công trình quan trọng đã được khởi công xây dựng và hoàn thành đúng tiến độ, tiêu biểu như: Thủy điện Hòa Bình, Trị An, Nhiệt điện Phả Lại, Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Nhà máy super phốt phát Lâm Thao, Giấy Bãi Bằng, Apatit Lào Cai, Nhà máy Kính Đáp Cầu, Giấy Tân Mai, Xi măng Hà Tiên, công trình dầu khí Vũng Tàu, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Bảo tàng Hồ Chí Minh... thể hiện bước tiến nhảy vọt và cống hiến đáng ghi nhận của Ngành đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thời kỳ đầu đổi mới đất nước (1986 - 1990), các đơn vị kinh tế cơ cở thuộc Ngành đã nâng cao ý thức tự chủ, năng động mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm gắn với thị trường, tận dụng năng lực sẵn có, từng bước thoát ra khỏi lối làm ăn theo cơ chế bao cấp trong sản xuất kinh doanh và coi trọng hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường. Hình thức đấu thầu đã được áp dụng trong xây lắp. Nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành như tổ máy số 3-4 của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, 4 tổ máy của thủy điện Trị An, 2 tổ máy của thủy điện Hòa  Bình, 3 tổ máy của thủy điện Đrây Linh, Nhà máy Kính Đáp Cầu, dây chuyền xi măng Kiến Lương, Nhà máy Giấy Tân Mai, các công trình phục vụ khai thác dầu khí... đã góp phần làm tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế quốc dân. Hàng triệu mét vuông nhà ở đã được xây dựng lại, xây dựng mới. Bộ mặt đô thị, cơ sở hạ tầng đô thị đã có sự chuyển biến, đời sống nhân dân được cải thiện một bước.

Trong những năm tiếp theo (1991 - 1996), ngành Xây dựng đã có nhiều nỗ lực, tạo bước ngoặt quan trọng, đúng hướng trong nhiệm vụ phát triển ngành, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Các đơn vị của Ngành đã được tổ chức sắp xếp lại để hình thành các DNNN mạnh. Các công trình trọng điểm và quan trọng của đất nước như: Thủy điện Hòa  Bình, Vĩnh Sơn Yaly, Thác Mơ, đường dây 500KV Bắc - Nam, các nhà máy xi măng Hà Tiên, Hoàng Thạch, Apatit Lào Cai... được tập trung thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng. Hầu hết các đô thị từ tỉnh lỵ trở lên đã được điều chỉnh lại quy hoạch. Việc đầu tư xây dựng ở các đô thị tăng nhanh, trật tự, kỷ cương được lập lại. Bộ mặt kiến trúc đô thị, đường phố đô thị, vệ sinh môi trường đô thị được khang trang, sạch đẹp hơn. Nhà ở, nước sạch và các dịch vụ ở các đô thị bước đầu được cải thiện, nâng cấp.

Giai đoạn 1996 - 2000 là giai đoạn có nhiều chuyển biến về chất trong sự phát triển của ngành. Nhiều cơ chế chính sách được Bộ tập trung xây dựng đã tạo nên khung pháp lý khá đồng bộ. Việc triển khai mạnh mẽ công tác quy hoạch, chiến lược, định hướng phát triển đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngành ở cấp vĩ mô. Nhiều TCty, Cty mạnh đã được thành lập và củng cố, tiếp tục đầu tư chiều sâu để đổi mới công nghệ, tăng năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thuộc ngành, chuẩn bị tiền đề tiến tới hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế giai đoạn sau. Những công trình tiêu biểu giai đoạn này là công trình Nhà máy điện Yaly, Sông Hinh, Phú Mỹ, Phả Lại II; xi măng Bút Sơn, Nghi Sơn, Hoàng Mai...

Bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, từ năm 2001 - 2010, cùng với nền kinh tế cả nước đang trên đà phát triển mạnh và hội nhập sâu hơn, rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và trên thế giới, ngành Xây dựng triển khai thực hiện nhiệm vụ theo định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã đề ra cho ngành Xây dựng là: “Tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng... Phát triển ngành Xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và có năng lực đấu thầu công trình xây dựng ở nước ngoài. Ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng và hiệu lực quy hoạch, năng lực thiết kế, xây dựng và thẩm mỹ kiến trúc. Phát triển các hoạt động tư vấn và các DN xây dựng, trong đó chú trọng các DN mạnh theo từng lĩnh vực”.

Các chiến lược, chương trình, định hướng phát triển lớn của Ngành giai đoạn 2001 - 2010 được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế cả nước đang trong tiến trình đẩy nhanh hội nhập sâu hơn, rộng hơn vào nền kinh tế thế giới; tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nền kinh tế trong nước bị suy thoái năm 2008. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cố gắng của toàn Ngành, từ Bộ đến các Sở và đơn vị trực thuộc, trong giai đoạn này, ngành Xây dựng đã có những bước tiến đáng kể theo hướng hiện đại, cả trong lĩnh vực xây dựng công trình, VLXD, kiến trúc và quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở; năng lực xây dựng công trình có nhiều tiến bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về xây dựng, kể cả những công trình quy mô lớn, đòi hỏi chất lượng cao, công nghệ hiện đại, ở trong và ngoài nước. Hệ thống các văn bản pháp luật ngày càng được hoàn chỉnh, trong đó nổi bật nhất là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Quy hoạch đô thị lần đầu tiên đã được ban hành cùng với các Nghị định, Thông tư hướng dẫn và hệ thống các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn đã cơ bản bao trùm, phủ kín các lĩnh vực hoạt động của Ngành, là công cụ hữu hiệu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Xây dựng.

Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, thực hiện định hướng Đại hội XI của Đảng: “Phát triển ngành Xây dựng đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Nhanh chóng tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh trong đấu thầu quốc tế. Phát triển mạnh công nghiệp VLXD, nhất là vật liệu chất lượng cao, áp dụng công nghệ mới”, ngành Xây dựng bước vào thời kỳ chiến lược mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh, toàn diện, phức tạp. Xu thế toàn cầu hóa tiếp tục gia tăng về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện, có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế cả nước nói chung và ngành Xây dựng nói riêng.

Trong bối cảnh trên, ngành Xây dựng đã rà soát, xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, định hướng phát triển phù hợp với từng lĩnh vực. Những định hướng, chiến lược, chương trình phát triển chủ yếu trong các lĩnh vực của ngành giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2020 đã được Bộ Xây dựng và các địa phương tích cực triển khai thực hiện gồm: Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, các chương trình, đề án về phát triển nhà ở và thị trường BĐS; Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020; Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch, Chương trình xử lý chất thải rắn đến năm 2020; Chương trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Đề án điều chỉnh định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2025; Đề án đổi mới cơ chế quản lý đầu tư xây dựng công trình; Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến 2025... trong đó nổi bật là Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 - lần đầu tiên ngành Xây dựng có được Chiến lược phát triển nhà ở với nhiều quan điểm và cách tiếp cận mới, tạo ra tầm nhìn dài hạn với nhiều nội dung định hướng cụ thể cho các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội đó là: "Giải quyết vấn đề nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân”; “Các chỉ tiêu phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cho từng nhóm đối tượng phải được xác định cụ thể trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm và từng giai đoạn để tổ chức triển khai; đồng thời là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền giám sát, đánh giá kết quả thực hiện”. Đây cũng là hiện thực hóa quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, với mục tiêu xây dựng xã hội vì con người.

Bộ Xây dựng đã tập trung rà soát, xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, định hướng phát triển phù hợp với từng lĩnh vực; tập trung rà soát, nghiên cứu hoàn thiện, đổi mới hệ thống pháp luật ngành Xây dựng; tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng phát triển đô thị; nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư xây dựng; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và các chương trình phát triển nhà ở quốc gia, góp phần thực hiện tốt chính sách xã hội và an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, rà roát, bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, phát triển VLXD theo quy hoạch; thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN trực thuộc.

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng cùng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể cán bộ, CNVC-LĐ và cộng đồng DN trong toàn Ngành, ngành Xây dựng đã vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết, thống nhất với quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo, triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2007 - 2017, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của Ngành tăng trưởng khá hàng năm, có những bước phát triển đột phá, tạo bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Những thành tích nổi bật đó là: Quản lý nhà nước rõ ràng, minh bạch; sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng tăng trưởng cao và bền vững; diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại; khoa học công nghệ xây dựng tiên tiến, trên một số lĩnh vực đã đạt trình độ quốc tế và khu vực.

Một số chỉ tiêu chủ yếu đạt được đến năm 2017

- Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 77%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 38% (tăng 13% so với năm 2007); quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 99,4% (tăng 71,8% so với năm 2007).

-  Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 35,7% đạt xấp xỉ cận dưới của các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII (38 - 40%). Hiện cả nước có 813 đô thị (tăng 9,4% so với năm 2007);

- Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 84,5% (tăng 14,5 % so với năm 2007);

- Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 85,5%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 23% (giảm 9% so với năm 2007);

- Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4m2 sàn/người, (tăng 2,2 lần so với năm 2007);

- Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 81 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2016, đạt 100% kế hoạch năm; (tăng 2,25 lần so với năm 2007);

- Giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành (tính theo giá so sánh 2010) năm 2017: đạt khoảng 952,3 nghìn tỷ đồng (tăng 8,9 lần so với năm 2007) (tăng 2,5 lần so với năm 2007).

Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển; các DN ngành Xây dựng đã chủ động khắc phục khó khăn vượt qua thách thức; tập trung thực hiện tái cơ cấu, từng bước ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động. Mức tăng trưởng bình quân trung bình hàng năm đạt khoảng 8,4%, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng chung của cả nước.

 

Phong Thư

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load