(Xây dựng) - Sau khi có thông tin được quy hoạch lên thành phố, giá bất động sản tại các khu vực ngoại thành Thủ đô Hà Nội bỗng chốc tăng mạnh, tạo ra cơn sốt đất mới.
Giá đất tại Đông Anh lại rục rịch tăng giá cao trước thông tin sẽ quy hoạch lên thành phố. |
Có dấu hiệu “thổi giá” lên cao
Theo nội dung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh nằm ở phía Bắc Thủ đô lên thành phố. Bên cạnh đó, chính quyền Thủ đô cũng sẽ nghiên cứu phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" thêm tại phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc).
Chính thông tin nóng sốt về quy hoạch này đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là những người muốn đầu tư, kinh doanh bất động sản. Theo khảo sát, thị trường nhà đất tại các huyện ngoại thành và khu vực lân cận có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại.
Tại Đông Anh, văn phòng nhà đất xuất hiện dày đặc sau khi có thông tin quy hoạch mới. Theo lời quảng cáo của một số môi giới, số lượng người đổ về để tìm mua, khảo giá đất, tìm hiểu các dự án ngày một nhiều. Đây vốn là khu vực có hạ tầng giao thông hiện đại, đang có nhiều tiềm năng để đầu tư và phát triển mạnh, do vậy mức giá để mua bất động sản luôn cao hơn các khu vực ngoại thành khác.
Tại khu vực trung tâm huyện, giá đất có thể lên tới 80-100 triệu đồng/m2 cho nhà mặt đường, 35-40 triệu đồng/m2 đối với nhà trong ngõ. Những mảnh đất đẹp ngày trước được rao bán 70 triệu đồng/m2 nay đã được đẩy lên hơn 130 triệu đồng/m2 và có thể cao hơn nữa.
Hay tại Mê Linh, thời gian gần đây bất động sản tại khu vực này bỗng dưng “sốt” trở lại khi có thông tin phê duyệt đầu tư nhiều dự án mới và huyện sẽ được quy hoạch lên thành phố. Giá nhà đất được quảng cáo tăng thêm từ 15-30 triệu đồng/m2, cao hơn gấp hai, gấp ba lần so với những năm trước. Thậm chí tại các dự án bỏ hoang, cỏ mọc um tùm cũng được môi giới quảng cáo, thổi phồng giá đất lên 40-60%.
Bên cạnh đó, lượng tin rao bán, nhà đất khu vực ngoại thành trên các website mua bán nhà đất và mạng xã hội xuất hiện ngày một nhiều. Người mua sẽ được môi giới giới thiệu thêm các lô đất có vị trí đẹp kèm mức giá hời và còn khẳng định nếu không nhanh tay đón sóng quy hoạch ngay thì vài năm tới sẽ không còn đất mà mua đầu tư.
Tăng cường giải pháp chặn đứng sốt đất
Những cơn sốt đất xuất hiện khiến thị trường bất động sản tại Hà Nội tăng nhiệt không còn là vấn đề mới mà đã xảy ra nhiều lần trong thời gian qua, đặc biệt khi Thủ đô có các thông tin quy hoạch lớn như xây mới công trình hạ tầng giao thông, khu đô thị, dự án lớn…
Ngay đầu năm 2021, giá nhà đất tại các quận, huyện ven sông Hồng rục rịch tăng gấp nhiều lần khi có thông tin quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Hay mới đây, khi thành phố dự kiến sẽ có dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, môi giới, cò mồi bất động sản tại các khu vực liên quan nhanh chóng “ăn theo” thông tin quy hoạch.
Trong khi đó, chính quyền địa phương khẳng định trên thực tế giá bất động sản tại các khu vực có tăng nhưng vẫn trong mức ổn định, không có dấu hiệu tăng mạnh như lời các môi giới quảng cáo hay thông tin đăng tải trên mạng internet.
Theo các chuyên gia về bất động sản, nhiều thông tin về quy hoạch hiện nay vẫn còn chưa được công bố cụ thể. Tiêu biểu như quy hoạch ba huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh và khu vực Hòa Lạc lên thành phố, đây mới chỉ là đề xuất, chủ trương mới đang được thành phố xem xét, nghiên cứu, còn cần phải có lộ trình, căn cứ vào các tiêu chí theo quy định và cần có quy hoạch cụ thể.
Bên cạnh đó, khu vực nhiều huyện chưa được phát triển toàn diện về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bất động sản chưa được sinh lời, một số vẫn còn “đóng băng”, chưa thể tương ứng với giá đất cao như môi giới quảng cáo.
Chính cò đất, môi giới đang tìm cách lợi dụng các thông tin nóng sốt để thu hút, mời chào những người muốn đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mới; thổi giá bất động sản lên cao, tạo cơn sốt đất ảo làm nhiễu loạn và biến động mạnh đối với thị trường bất động sản.
Do đó, các chuyên gia cảnh báo, những nhà đầu tư có ý định mua bán, đầu tư bất động sản tại các khu vực này cần cẩn trọng với những thông tin đồn thổi, nắm rõ về quy hoạch để tránh gặp rủi ro liên quan đến pháp lý. Mặt khác, phải tiếp cận chính quyền địa phương để tham khảo thông tin chính xác về thửa đất, nguồn gốc đất, các vấn đề về quy hoạch mới được phê duyệt nếu có.
Đồng thời, để ngăn chặn sốt đất, ổn định thị trường bất động sản trong khu vực, chính quyền các nơi đang có hiện tượng đẩy giá đất cũng đang tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nắm chắc thị trường bất động sản và hoạt động của đội ngũ môi giới, thực hiện các biện pháp kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, tung tin đồn thổi, đầu cơ, đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Mặt khác, chính quyền phải công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là những dự án lớn hay sáp nhập, nâng cấp đơn vị hành chính… để người dân, doanh nghiệp nắm rõ. Tăng cường giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch hạ tầng và phát triển dự án để đẩy giá bất động sản nhằm thu lợi bất chính, không để xảy ra tình trạng sốt đất trên địa bàn.
Yến Mai
Theo