(Xây dựng) – Đây là nội dung được đề cập tại Hội thảo khoa học “Thủ đô Hà Nội: 70 năm sự nghiệp quy hoạch - kiến trúc và phát triển đô thị, 1954 – 2024”, do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội tổ chức ngày 1/10.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại Hội thảo. |
Nhiều yếu tố mới xuất hiện tác động đến sự phát triển của Hà Nội
Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết: Hội thảo tập trung nhìn nhận lại thành tựu của công tác quy hoạch Thủ đô sau 70 năm xây dựng và phát triển; Nhận diện các cơ hội và thách thức; Tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện quản lý theo quy hoạch, trọng tâm là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050…
Chủ tịch Trần Ngọc Chính nhận định, chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, công tác quy hoạch Hà Nội đã có sự chuyển mình đáng kể. Hà Nội đã 7 lần xây dựng, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô; 4 lần mở rộng địa giới hành chính. Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế, Hà Nội đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ, nâng tầm vị thế của một đô thị trung tâm, một đại đô thị hướng tới sự phát triển bền vững, Thủ đô “Xanh - văn hiến - thông minh - hiện đại"…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Hà Nội vẫn đang gặp nhiều khó khăn về thể chế, hạ tầng, môi trường, hạn chế trong quy hoạch, năng lực và công tác quản lý phát triển đô thị…
Chủ tịch Trần Ngọc Chính cho biết, thời gian gần đây, nhiều chủ trương, chính sách pháp luật mới được ban hành, tác động mạnh đến sự phát triển của Hà Nội trong tương lai. Điển hình, ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Ngày 05/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tiếp đó, năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định mới, mang tính độ phá. Theo đó, Luật Thủ đô quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô.
Luật cho phép xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch; Cho phép áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững. Đặc biệt, Luật đã phân cấp, phân quyền cho Thủ đô, nhằm tạo bước đột phá cho Hà Nội vươn tầm phát triển…
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính phát biểu dẫn đề Hội thảo khoa học. |
Sau 13 năm triển khai Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011) và trước những yêu cầu, thách thức mới, Hà Nội đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị) và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Luật Quy hoạch). Một lần nữa, mục tiêu hướng Hà Nội trở thành Thủ đô “Văn hiến – văn minh – hiện đại” lại được đặt ra…
Chủ tịch Trần Ngọc Chính cho rằng việc nhìn nhận lại thành tựu của 70 năm quy hoạch - kiến trúc, phát triển đô thị Hà Nội để có các giải pháp đột phá, cụ thể hóa các mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội theo mô hình đô thị thông minh, thành phố sáng tạo, phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, kiến tạo động lực phát triển trên địa bàn Hà Nội, đáp ứng yêu cầu của thành phố, vùng và quốc gia…
Trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh các mục tiêu, yêu cầu công tác quy hoạch – kiến trúc, phát triển đô thị Hà Nội trong thời gian tới.
Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa, trong đó đã đề ra những kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra đối với Thủ đô trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Hà Nội triển khai các nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị xác định tại các Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 15-NQ/TW; triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…
Hà Nội đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị (thống nhất chỉ đạo tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024) Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hiện hai đồ án đã trình Thủ tướng Chính phủ, dự kiến sẽ được phê duyệt vào đầu tháng 10/2024.
Trong đó, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội đã nghiên cứu, đưa ra các giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại và kế thừa Quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt năm 2011, bổ sung những điều kiện phát triển mới như: Xây dựng 05 trục không gian phát triển; xây dựng các thành phố thuộc Thủ đô; xây dựng trục không gian sông Hồng, sông Đuống là trục trung tâm cảnh quan, văn hóa, dịch vụ vùng lõi; xây dựng thêm sân bay quy mô quốc tế tại phía Nam Thành phố…
Trên cơ sở đó, UBND Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác lập, phê duyệt các quy hoạch triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung, đồng thời hoàn chỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị để từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thành phố.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Cũng theo Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn, triển khai thực hiện Luật Thủ đô 2024, UBND Thành phố đã xây dựng Kế hoạch xây dựng các quy định cụ thể, trình HĐND Thành phố thông qua để triển khai thực hiện trong thực tiễn, với những cơ chế chính sách mạnh mẽ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực, quy định rõ trách nhiệm cụ thể với từng cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện để Thủ đô chuyển mình phát triển trong giai đoạn tới, hướng tới các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW…
Cần ưu tiên phát triển nhanh mô hình “thành phố trong thành phố”
Tại Hội thảo, một số đại biểu đã tham luận, đóng góp xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội. Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm nhận định, để Hà Nội là thành phố "văn hiến, văn minh, hiện đại" phát triển bền vững trong nghiên cứu quy hoạch, trong tổ chức thực hiện cần thực hiện hài hòa giữa phát triển mới với cải tạo, tái thiết và bảo tồn, phát huy giá trị quỹ di sản đô thị.
Ông Đào Ngọc Nghiêm tin tưởng, với những chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô, định hướng, giải pháp cụ thể nêu trong quy hoạch tới, sẽ góp phần để mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2030 là thành phố “Văn hiến - văn minh - hiện đại”, là trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực…, sẽ trở thành hiện thực.
Bày tỏ sự quan tâm đối với việc phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại Thủ đô Hà Nội, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trương Văn Quảng phân tích, việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, Luật Thủ đô năm 2024; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065... cần có bước đi cụ thể. Trong đó, cần ưu tiên phát triển nhanh mô hình “thành phố trong thành phố”.
Cụ thể, phát triển thành phố phía Bắc (Mê Linh – Đông Anh - Sóc Sơn) thành đầu mối kết nối quốc tế, trung tâm dịch vụ, tài chính, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển thành phố phía Tây (Hòa Lạc – Xuân Mai) thành đô thị khoa học và công nghệ, giáo dục đào tạo. Việc phát triển hạ tầng khung kết nối giữa đô thị lõi (đô thị trung tâm – thành phố Thủ đô) và phụ cận với hai thành phố trực thuộc là đặc biệt quan trọng. Theo ông Quảng, trong 03 khâu đột phá, gồm cơ chế, chính sách; hạ tầng; nguồn lực... dường như đã hội tụ đủ cho một Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.
Đề cập đến câu chuyện sông Hồng xưa, nay và mai sau, Giám đốc thiết kế Công ty Tư vấn Quốc tế enCity, ông Marco Buinhas cho rằng, Thành phố Hà Nội giờ đây đang thiếu hụt những không gian xanh, sinh thái, văn hóa và du lịch. Mạng lưới sông hồ, đặc biệt là sông Hồng, sẽ đóng vai trò như nguồn lực chính để bù đắp những thiếu hụt, đáp ứng nhu cầu và mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững của một Thủ đô xanh và sinh thái.
Phục hồi sinh thái sẽ là bước đầu tiên hướng tới tầm nhìn về hành lang sông Hồng như một vùng giảm nhẹ lũ lụt, tăng cường kết nối động vật hoang dã, cải thiện chức năng sinh thái và khai thác tiềm năng của một trục phát triển xanh cho trung tâm Hà Nội.
Kết nối con người và dòng sông, khả năng tiếp cận cũng sẽ đóng một yếu tố quan trọng trong sự phát triển tương lai của trục phát triển trung tâm mới, xem xét các hệ thống giao thông chạy từ Bắc xuống Nam, sẽ kết nối với đường thủy, tuyến xe buýt và hành lang giao thông mềm, góp phần xóa bỏ sự ngăn cách vật lý giữa tả ngạn và hữu hệ thống đê, song song với sông Hồng.
Các mô hình và kiểu phát triển mới là cần thiết để đáp ứng nhu cầu nhà ở, cải tạo các khu định cư không chính thức ngoài đê, xem xét việc cải tạo hiện trạng thực tế và khả năng chuyển đổi các vùng nước đọng hiện tại thành một hệ thống bờ sông năng động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội - môi trường bền vững.
“Sông Hồng sẽ trở thành nhiều hơn một dòng nước, mà là một cây cầu nối giữa quá khứ và tương lai bền vững, điều hòa sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và các giá trị xã hội, văn hóa và môi trường”, ông Marco Buinhas nói.
Quý Anh
Theo