(Xây dựng) - Phải trải qua bao nhiêu mùa thu Hà Nội thì mới hiểu được mưa? Bạn già tươi rói nhìn ra mặt đường sũng nước hỏi mình như thế. Mưa Ngâu Hà Nội như một lời thách đố của đất trời. Mọi dự báo thời tiết dường như sai bét từ rất lâu rồi. Bởi thế mới có câu chuyện tiếu lâm về dự báo thời tiết. Chuyện rằng bà vợ ông giám đốc khí tượng không bao giờ mang áo mưa đi làm. Ông ấy báo mưa thì thường là nắng. Mang áo đi chẳng dùng vào việc gì. Và ông ấy báo nắng thì có hoạ dở người mới mang theo áo mưa. Đồng nghiệp ở cơ quan sẽ cười cho vãi mũi. Tam đoạn luận suy ra những đàn bà bị mưa ướt trên đường thường là vợ của cán bộ khí tượng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Dùng dằng lê thê những cơn mưa ngày ba ngày bảy trong tháng Ngâu hoá ra lại là dự báo chính xác hàng nghìn năm rồi. Ít ra thì mình và lũ bạn già cũng tin là thế. Hà Nội xưa chỉ có một điểm cao công cộng duy nhất trẻ con có thể lên chơi. Đó là cây cầu Long Biên quanh năm cọc cạch sơn sửa. Lên mặt cầu có thể nhìn bao quát vào trong khu phố cổ nhấp nhô ngói nâu tường trắng. Ngày mưa, những mái ngói hồng lên như vừa hơ lửa. Dòng sông đục ngầu dưới chân phăng phăng chảy. Quẩn bên những mố cầu là củi rều mòn nước đen bóng như sừng. Gần năm mươi năm trước mình hay rủ lũ bạn lên cầu những ngày mưa như thế. Giờ nhìn lại bạn bè mái tóc đã bạc quá nửa. Ô hay, hình như cũng suốt thời thơ dại phố phường gọi kỷ niệm êm đềm thức dậy. Thành phố chợt hoá hình thu nhỏ trong vòng tay mưa bao dung.
Mưa Hà Nội trong khu phố cũ không buồn. Chẳng có lí do gì để buồn. Thành phố tắm gội sau những ngày oi ả cứ như cựa mình khoe sắc. Mắt người hớn hở bớt đi nét lo toan thường ngày. Đường sá vắng bớt những eo xèo hàng quán. Xe chạy trên đường cũng bớt hung hăng chen lấn. Đám già rỗi việc rủ nhau uống rượu. Chỉ với mỗi lý do mát giời. Bạn mình thường tìm ra những lý do uống rượu rất bất ngờ và hợp lý. Có hôm lý do chỉ là “gió về”. Mưa sũng sĩnh suốt cả tuần có thể được coi là “đại lý do”. Tìm một quán vắng nhìn ra mặt đường. Con phố Phùng Hưng đoạn đầu bên số chẵn là một nơi như thế. Cửa quán trông thẳng sang cầu dẫn xe lửa lên dốc cầu Long Biên. Một kiến trúc đá bề thế uy nghi bậc nhất còn sót lại từ thời Pháp thuộc. Hơn trăm năm, hàng lan can sắt mềm mại tán đinh rivê vẫn chưa có đối thủ thẩm mỹ nào cạnh tranh trong thành phố. Đoạn cầu dẫn này gắn với kỷ niệm của mình và đám bạn trên Trường Đại học Xây dựng bốn chục năm trước. Đó là chỗ nhảy tàu lên trường và nhảy xuống khi vài tháng đầu tiên nhập học mà thôi.
Thành phố đột nhiên có một góc bình lặng không ngờ. Nghe rõ tiếng mưa láp nháp trên bờ tường đá treo bám vài bụi dương xỉ mơn mởn xanh. Những con chim sẻ lướt thướt loi choi nhảy dưới mặt đường kiếm mồi. Những vòm cuốn chân cầu đã xây đá hộc bịt kín từ ngày xua hết những người Hà Nội rời bỏ khu kinh tế miền núi về sống lắt lay tạm bợ. Một hành trình mơ mộng lạc quan tếu của những cư dân Hà Nội kết thúc ở trong những vòm cầu không hộ khẩu tem phiếu. Điện nước cũng không. Lạ ở chỗ khá nhiều trẻ con được sinh ra dưới tiếng nghiến đinh tai bánh sắt tàu hoả đường ra trên đầu. Họ là ai? Bây giờ ra đường không thể biết được. Hà Nội lại nhận về mình những đứa con lưu lạc không phân biệt. Như mưa chia đều cho khắp phố phường.
Ngớt mưa. Hoa muồng vàng mong manh rắc trên con phố Cửa Đông vắng lặng. Chợt thu…
Đỗ Phấn
Theo