Thứ sáu 26/04/2024 19:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mùa đi ngang phố

21:00 | 21/10/2021

(Xây dựng) - Thu chưa qua hẳn mà đông lại về. Mùa bắt đầu với những cơn gió heo may buông mình ngang dọc theo từng con ngõ nhỏ. Như đánh thức nàng phố ngủ quên trong âm hưởng mùa cũ, để đón đưa một mùa se lạnh, mùa lá bay… bay mãi… không về.

mua di ngang pho

Chẳng đến dịu dàng như mùa xuân, cũng không ồn ào như mùa hạ, lại thiếu đi nét thơ mộng với sắc trời vàng nắng mùa thu. Đông đến là những ngày trời trở gió, nắng tắt vội vã trên con đường lá rơi phủ kín, mặc cho mấy mảng ký ức ngủ quên ngày càng chìm đắm trong sự vô tâm của lớp người qua phố. Để rồi sau tất cả! Dù ai đó có nhớ nhung hay luyến tiếc thật nhiều đi chăng nữa, thì cũng chẳng bao giờ có thể tìm lại những mùa xưa cũ, bởi vô tình mùa đã ngang qua.

Dẫu cho mùa năm nào rồi cũng ngang qua, nhưng mỗi lần trở lại vẫn khiến cho lòng người xao xuyến, xốn xang với nỗi nhớ cô liêu về mùa đông trong lòng phố vắng. Sáng mơ màng thèm nằm thêm một giấc, rét rùng mình ngại chẳng muốn đi đâu, để muộn học mẹ buông lời trách mắng “từ bây giờ cấm có được thức đêm”. Nhớ ngày xưa đông vẫn thường ve vuốt, đem sương mù giăng kín cả lối đi, ngăn tầm mắt che trời xua cơn nắng, mây chùng chình bất chợt đổ cơn mưa. Đông về, chao nghiêng vào mắt lũ trẻ con chúng tôi bằng cái hít hà buổi sớm. Với những cuộc thi trẻ con vẫn còn ngốc xít, như xem ai thổi hơi dài nhất, cùng dàn hàng khoe áo mới mùa đông… Là ly cà phê thơm nồng nghi ngút khói, bố vẫn nhâm nhi trong góc quán quen, bát phở nóng, ngọt bùi hương của mẹ.

Phố đông của tôi, những bức tường loang lổ, nửa trắng xanh rêu mốc cũng ngả màu. Cây úa lá, hanh hao chiều không nắng, ông dắt bà dạo phố tập dưỡng sinh. Chao ôi! Mùa đông ơi, trời tối sao quá vội, mới chiều chiều mà đã chẳng thấy nhau. Đường bỗng nhiên trở nên buồn vắng vẻ, không ồn ào, thiếu những tiếng lao xao. Phố phường vào đông vẫn thường hay trầm mặc, trông thì có vẻ cô quạnh thê lương, nhưng kỳ thực lại khiến cho người ta xích lại gần nhau hơn. Bởi cứ thử để ý kỹ mà xem, trong cái rét cắt da, cắt thịt ấy, đâu đó vẫn có những đôi bạn già ngồi hàn huyên tâm sự, cặp tình nhân e ấp bên nhau cho bớt lạnh. Con đường vắng ít người qua, kẻ lại. Nhưng, trên hè lại tụ tập đông vui. Người với người rủ nhau tụm năm tụm ba chờ đợi bên bếp than hồng nồng đượm, xuýt xoa mà truyền cho nhau những bắp ngô nướng, củ khoai lang thơm lừng khó quên.

Tôi nhớ phố những chiều buồn vắng lặng, ngồi một mình đếm mấy vạt mây trôi ngoài cửa sổ. Lững lờ. Hờ hững. Mây lãng đãng đeo đuổi cơn nắng mơ màng của những ngày cuối tháng, dẫu nắng sắp tàn cũng nhuộm thắm cả nhành cây. Ngày còn nhỏ vẫn hay khờ dại mà ngẩn ngơ như thế, sao dễ buồn, dễ khóc, dễ cô đơn… nhiều khi chỉ thẫn thờ một chút cũng hỏi lòng ngây ngốc:

Ai làm gió thổi mây bay

Làm rơi chiếc lá, hơi may tràn về

Hỏi ai giữ trọn lời thề

Đừng như mây gió bên lề táp qua

Phố thủy chung mỗi mùa chỉ một, mùa đa tình đến hẹn lại sang. Như một quy luật tuần hoàn bất định, tạo hóa cứ xoay vần, hè sang thu tới, để đông lọt thỏm trong những ngày cuối năm. Tự tình một mình với nỗi buồn mênh mang, để ta và phố ôm mối sầu tê tái. Chẳng thể gọi tên, cũng chẳng thể hình dung, chỉ biết mùa buồn người vui đâu bao giờ.

Chiều nay tôi ngẩn ngơ bước về trong phố, mùa lại sang mà ký ức ngủ say. Con đường cũ lá không còn phủ kín, hàng cây xưa cũng lạc mất nơi nào? Phố nhà tôi bây giờ vẫn là phố, nhưng sao xa lạ mà chẳng thấy thân quen. Ai bảo phố tấp nập người qua lại, nhà cao tầng cứ san sát mọc lên, che lấp và thay thế cho những ngôi nhà ngói ngả màu thời gian. Để rồi một lúc nào đó, khi bất ngờ mùa chợt ghé qua thì phố còn đâu ta thương hoài trông ngóng.

Lê Ngọc

Theo

Cùng chuyên mục
  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

  • Khai hội đền Đô: Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

    (Xây dựng) - Sáng 23/4, tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng diễn ra Lễ khai hội đền Đô 2024 và hướng tới kỷ niệm 1014 năm Vua Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load