Trong bài viết mang tên "Nhìn lại mối quan hệ Trung Mỹ" trên trang Project Syndicate, nhà kinh tế học Stephen S. Roach đã nêu ra bản chất mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước giống như một cuộc hôn nhân vụ lợi và đôi bên phải tận dụng cuộc Đối thoại Kinh tế - Chiến lược lần thứ 6 sắp tới để thoát khỏi mối quan hệ đó.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Đầu tháng 7, các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Mỹ sẽ tham dự hội nghị Đối thoại Kinh tế và Chiến lược lần thứ 6 diễn ra tại Bắc Kinh.
Trong bối cảnh những xích mích giữa hai bên tăng cao trong nhiều lĩnh vực - bao gồm an ninh mạng, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và chính sách tiền tệ - hội nghị sẽ là một cơ hội để hai cường quốc đánh giá lại một cách nghiêm túc mối quan hệ giữa họ.
Thế kẹt
Mỹ và Trung Quốc hiện đang bị kẹt trong một tình thế không mấy dễ chịu.
Khởi đầu từ cuối thập niên 1970, khi Trung Quốc đang loạng choạng sau Cách mạng Văn hóa còn Mỹ thì sa lầy trong lạm phát nghiêm trọng, với khát khao phát triển kinh tế, hai bên đã tiến vào một "cuộc hôn nhân vụ lợi".
Trung Quốc nhanh chóng hưởng lợi từ một mô hình kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo, phụ thuộc lớn vào Mỹ như một nguồn cầu lớn nhất. Còn phía Mỹ hưởng lợi bằng cách mua từ Trung Quốc các loại hàng hóa giá rẻ để đáp ứng nhu cầu của người dân vốn đang eo hẹp túi tiền. Nước này cũng tranh thủ được các khoản tiết kiệm dồi dào từ Trung Quốc để lấp đầy khoảng trống tiết kiệm nội địa, đặc biệt là từ cơn khát trái phiếu Mỹ của Trung Quốc.
Theo thời gian, cuộc hôn nhân vụ lợi này biến thành một sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn và vốn dĩ có hại. Cả hai đều coi mối quan hệ này là tất nhiên và đẩy các mô hình tăng trưởng bất cân bằng đi quá xa - Mỹ với tình trạng bong bóng tài sản và tín dụng, yếu tố đẩy thói quen tiêu xài lên mức kỷ lục, còn Trung Quốc với một sự hồi sinh nhờ xuất khẩu rốt cuộc đã phụ thuộc quá nặng vào thị trường bong bóng tiêu dùng ở Mỹ.
Những bất cân đối đó ngày càng tồi tệ thêm. Ba thập niên tăng trưởng ở mức 10% hàng năm của Trung Quốc đã khiến nước này vượt qua quá nhiều giới hạn: nhu cầu về năng lượng và nguồn lực phình to, ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng, và khoảng cách thu nhập ngày càng lớn.
Sự mất cân bằng tăng cao ở Mỹ là hình ảnh phản chiếu của những gì xảy ra ở Trung Quốc - thiếu hụt tiết kiệm nội địa lớn, nợ quá nhiều, và một nền kinh tế phụ thuộc - tài sản rốt cuộc đã được dựng lên trên nền cát lún.
Khi duy trì quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, các ranh giới phân định hai nước đã trở nên mờ nhạt. Trong thập niên vừa qua, chi nhánh Trung Quốc của các tập đoàn đa quốc gia phương Tây đóng góp hơn 60% mức tăng tích lũy trong xuất khẩu của nước này. Nói cách khác, phép màu xuất khẩu của Trung Quốc không phải nhờ các công ty do Nhà nước đỡ đầu ở nước này mà bởi các giải pháp hiệu quả từ phương Tây.
Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc về tình trạng thâm hụt thương mại của mình và những áp lực họ đặt lên vai người lao động, coi dự trữ ngoại hối lớn của Trung Quốc như bằng chứng của thao túng tiền tệ.
Trung Quốc phản trả bằng cách khía sâu vào thâm hụt tiết kiệm của Mỹ - một khoảng trống mà phải được bù đắp bằng tiết kiệm dư thừa từ nước ngoài, thâm hụt tài khoản vãng lai và bất cân bằng thương mại đa phương với hơn 100 nước. Trung Quốc cáo buộc Mỹ coi bất cân bằng thương mại song phương là khởi nguồn cho vấn đề đa phương của Mỹ.
Hai bên cũng có những cáo buộc tương tự trong tranh cãi về an ninh mạng. Mỹ cho rằng Trung Quốc ăn trộm tài sản trí tuệ của nước này để cạnh tranh, gây thiệt hại lớn cho các công ty và người lao động. Còn phía Trung Quốc cáo buộc Mỹ có quá nhiều sai phạm - do thám Internet rộng khắp nhằm vào các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà đàm phán thương mại và các hãng nước ngoài.
Đáng lo ngại còn là những tranh chấp bùng phát ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, vốn có liên quan trực tiếp tới Mỹ thông qua các nghĩa vụ đã ký kết. "Trục xoay" chiến lược của Washington sang châu Ấ bị đe dọa nghiêm trọng.
Lối thoát
Xích mích âm ỉ càng lâu thì nguy cơ dẫn đến một phản ứng quân sự càng lớn - cực điểm trong cơn ác mộng li hôn.
Mỹ và Trung Quốc có thể tránh được ác mộng này bằng cách phân định lại các mối quan hệ của họ như một sự phụ thuộc lẫn nhau mang tính bền vững hơn. Một mối quan hệ như vậy sẽ khuyến khích ảnh hưởng lành mạnh giữa các đối tác, khiến họ thỏa mãn nhu cầu của chính mình thay vì dựa dẫm vào người khác để làm điều đó, và giữ được là chính mình mà vẫn thụ hưởng những lợi ích song phương của mối quan hệ đó.
Cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược sắp tới sẽ mang lại cho Trung Quốc và Mỹ một nền móng ràng buộc để chớp lấy các cơ hội chung. Cả hai nước sẽ phải thúc đẩy một hiệp ước đầu tư song phương, để mở rộng sự tiếp cận thị trường dựa trên các nguyên tắc, và rốt cuộc là tăng cường hơn nữa việc mở rộng tự do thương mại.
Điều đó sẽ cho phép Mỹ - nền kinh tế dịch vụ xuất sắc của thế giới - tóm lấy cơ hội từ một xã hội tiêu dùng dịch vụ là chủ đạo ở Trung Quốc. Và nó sẽ cho phép Trung Quốc nhờ được Mỹ về kinh nghiệm và chuyên môn để làm chủ hành động tái cân bằng kinh tế của mình.
Cùng lúc đó, cuộc đối thoại sắp tới sẽ nhằm tái khởi động sự trao đổi quân sự về các vấn đề an ninh mạng vốn đã được khai màn cách đây một năm. Nỗ lực đó hiện đang tạm dừng sau khi Bộ Tư pháp Mỹ quyết định đưa ra các cáo buộc hình sự nhằm vào 5 thành viên Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ở mặt trận này, mục tiêu cũng sẽ là một hệ thống ràng buộc dựa trên các quy định - đặc biệt quan trọng cho mọi nền kinh tế hiện đại trong thời đại toàn cầu hóa nhờ công nghệ thông tin.
Tiến bộ trên các mặt trận này sẽ là không thể nếu Mỹ và Trung Quốc tiếp tục sa sâu vào bãi lầy phụ thuộc lẫn nhau. Chỉ bằng cách chớp lấy cơ hội thì hai bên mới có thể giảm được căng thẳng và tập trung vào những lợi ích của sự thịnh vượng bền vững chung.
Theo Vietnamnet
Theo