(Xây dựng) - Ngày 31/3, Hội nghị ASEM diễn ra tại TP Huế (Thừa Thiên - Huế) đã bế mạc. Báo cáo tổng kết Hội nghị là tiền đề để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 6, dự kiến tổ chức vào tháng 11/2017 tại Seoul (Hàn Quốc), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 vào tháng 11/2017 tại Nay Pyi Taw (Myanmar) và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 vào năm 2018 tại (Brussels).
Toàn cảnh Hội nghị ASEM.
Tham gia hội nghị có gần 200 đại biểu tham gia, với 17 bài tham luận do các diễn giả Việt Nam và quốc tế trình bày, chia sẻ kinh nghiệm ở cấp độ quốc gia và quốc tế ở từng nội dung theo các chủ đề: Vai trò của Giáo dục và nguồn nhân lực trong thế kỷ 21 vì mục tiêu phát triển bền vững; cơ hội, thách thức và vai trò của các bên liên quan; thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu; từ tầm nhìn đến hành động: Tăng cường sự hợp tác Á - Âu trong giáo dục sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực vì phát triển bền vững.
Phát biểu bế mạc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự tham gia và đóng góp ý của các đại biểu. Qua đó, thấy được những cam kết của các thành viên ASEM đối với giáo dục sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Báo cáo và ý kiến thảo luận, Hội nghị đã thống nhất được một số nội dung cơ bản; Tiếp tục đẩy mạnh tiếp cận liên ngành trong giáo dục và đào tạo nhằm phát triển con người toàn diện, tạo cơ hội học tập suốt đời gắn với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong việc xây dựng chương trình giáo dục và đào tạo gắn với việc lồng ghép, tích hợp các kỹ năng cần thiết ở các cấp học và trình độ đào tạo trong bối cảnh hội nhập và quốc tế hóa của thế kỷ 21. Thu hẹp khoảng cách phát triển về giáo dục sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực giữa các thành viên ASEM; tăng cường giáo dục STEM và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) trong đổi mới giáo dục và đào tạo. Đa dạng hóa các hình thức liên kết và hợp tác, tăng cường hợp tác Công-Tư, đổi mới và chuyển giao công nghệ trong giáo dục và đào tạo, xây dựng và triển khai “Chương trình nghị sự Kỹ năng ASEM Thế kỷ 21”. Thiết lập mạng chia sẻ thông tin về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ 21.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu bế mạc Hội nghị ASEM.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Việt Nam đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hướng tới một nền giáo dục hiện đại, hội nhập quốc tế với nhiều nhiệm vụ quan trọng như: hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; đổi mới chương trình đào tạo và trình độ đào tạo; đổi mới phương pháp dạy học, thi và đánh giá; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; nâng cao chất lượng quản lý giáo dục… Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở những kết quả của Hội nghị, phía Việt Nam sẽ tham khảo để áp dụng, triển khai trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Hướng tới một nền giáo dục hài hòa, hiện đại và đáp ứng được nhu cầu của thế giới việc làm, mỗi một thành viên ASEM cần phải nỗ lực hơn nữa và luôn đổi mới trong quá trình thực hiện. Hợp tác song phương giữa các thành viên ASEM đến những liên kết giữa các cơ sở giáo dục và đào tạo. Mạng lưới hợp tác như vậy góp phần nâng cáo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của mỗi thành viên, mỗi châu lục và rộng hơn là toàn thế giới.
Hội nghị ASEM kết thúc với những quan điểm, cách stiếp cận mới, những mối quan hệ hợp tác mới sẽ thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Trí Đức
Theo