Thứ bảy 27/04/2024 11:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mô hình kinh doanh chia sẻ rủi ro: Hướng đi của các chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ

09:06 | 23/04/2020

(Xây dựng) - Dịch Covid-19 tạo sự dịch chuyển lớn trong nhu cầu người tiêu dùng trong nước không chỉ buộc các nhà bán lẻ phải có động thái phù hợp, mà còn khuyến cáo các chủ đầu tư mặt bằng bán lẻ, trung tâm thương mại cần hướng đến mô hình kinh doanh chia sẻ rủi ro, tăng cường tương tác về mặt lợi ích giữa bên cho thuê và khách thuê.

mo hinh kinh doanh chia se rui ro huong di cua cac chu dau tu mat bang ban le
Dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp tới ngành bán lẻ khiến nhiều cửa hàng hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa thạm thời để cắt lỗ chi phí hoạt động… (Nguồn: Internet).

Theo khảo sát của đơn vị tư vấn, nghiên cứu thị trường Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam, thị trường bất động sản bán lẻ tại Việt Nam trong quý I/2020 khá trầm lắng, lượng khách đến tham quan và mua sắm giảm sâu, một số khách thuê phải trả mặt bằng còn số khác hoạt động cầm chừng để chờ hết dịch. Trong đó, cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều không ghi nhận nguồn cung bất động sản bán lẻ mới. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dù trung tâm thương mại Parkson Đồng Khởi đã thu hút được sự chú ý với sự kiện khai trương Uniqlo trong quý IV/2019 nhưng trong quý I/2020 vẫn đang tiến hành cải tạo và tái cấu trúc khách thuê.

Còn tại Hà Nội ghi nhận giá thuê gộp trung bình bất động sản bán lẻ trong quý I/2020 đạt 29,3 USD/m2/tháng, còn giá thuê theo năm tăng 1,6%. Tỷ lệ lấp đầy bất động sản bán lẻ trong quý I/2020 chỉ đạt 90,4%, giảm 48 điểm phần trăm so với quý trước đó.

Trong khi đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh giá thuê gộp chỉ đạt 45 USD/m2/tháng trong quý I và giá thuê theo năm giảm 1,2%. Lưu lượng khách tham quan tại các trung tâm thương mại giảm mạnh tới 70 - 80% trong tháng 2 và 3 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này tác động trực tiếp tới ngành bán lẻ khiến nhiều cửa hàng hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa thạm thời để cắt lỗ chi phí hoạt động.

Riêng tại Hà Nội, để hỗ trợ người thuê trong đợt bùng phát đại dịch này, nhiều chủ nhà đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ tạm thời. Một số chủ nhà lựa chọn hỗ trợ trực tiếp dưới dạng giảm 10 - 50% tiền thuê, độ chênh lệch tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Một số chủ nhà chọn cách hỗ trợ gián tiếp như tung ra gói khuyến mãi và quảng cáo để thu hút khách hàng.

Cũng do tác động của dịch Covid-19, nhiều nhãn hàng quốc tế đã tạm hoãn hoặc cân nhắc lại kế hoạch khai trương cửa hàng tại Việt Nam trong năm nay.

Trước tình hình trên, nhiều chuyên gia bất động sản cho biết, các mặt bằng bán lẻ, đặc biệt với những vị trí nhà phố hay vị trí vàng với giá thuê cao bắt đầu xuất hiện xu hướng trả mặt bằng do doanh thu của các khách thuê bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch và không đủ sức trả tiền thuê cao.

Ngoài ra, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường chậm do khách thuê sẽ phải cân nhắc lại thời điểm thuê cũng như dòng tiền trước khi quyết định nhận mặt bằng.

Theo đại diện bộ phận cho thuê thương mại của Savills Hà Nội, giá thuê tại thời điểm này cũng như dự kiến kéo dài tới hết năm không có dấu hiệu tăng. Các chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc tới việc điều chỉnh giá thuê để thu hút khách thuê mới, cũng như đưa ra chính sách hỗ trợ khách thuê hiện tại để có thể cùng tồn tại.

Riêng với khối đế tại các tòa nhà hay chung cư, phân khúc này có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều như các mặt bằng bán lẻ truyền thống, bởi sự linh hoạt của các mặt bằng này. Các chủ đầu tư vẫn có thể chuyển đổi mô hình sang các hình thức khác như văn phòng, siêu thị, co-working space… để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19.

“Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tình hình ngành bán lẻ trong vòng 18 đến 24 tháng qua khá tốt. Tôi không nghĩ rằng thương mại điện tử sẽ lấy mất phần bánh của bán lẻ truyền thống, mà sẽ là điểm cộng thêm cho nhà bán lẻ biết nắm bắt. Theo nghiên cứu của JLL, cả nhà bán lẻ và nhà phát triển trung tâm thương mại cần tập trung hơn vào việc phát triển nền tảng mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiền mặt và thị trường thương mại điện tử vẫn tiếp tục tăng trưởng”, bà Trang Bùi - Trưởng phòng thị trường tại JLL Việt Nam cho biết.

Các chuyên gia đánh giá, tác động dễ thấy của dịch Covid-19 là nó khiến đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến, từ đó tác động đến các cửa hàng truyền thống ở các trung tâm mua sắm cũng như tại các nhà phố.

Chúng ta đã đương đầu với nhiều khó khăn trong quý I/2020, nhưng ngành bán lẻ dự kiến sẽ hồi phục dần nếu tình hình dịch bệnh được cải thiện sau quý II/2020. Do đó, đây cũng sẽ là cơ hội, như một xu hướng mới để các nhà bán lẻ cần tập trung hơn vào nâng cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến cho khách hàng, đồng thời đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt trong tương lai.

Còn đối với các chủ đầu tư trung tâm thương mại cần xem xét lại mô hình cho thuê truyền thống, chuyển dịch từ thu giá thuê cố định của khách hàng sang mô hình chia sẻ doanh thu được thế giới đang áp dụng rộng rãi thời gian gần đầy nhằm chia sẻ rủi ro và tăng cường tương tác về mặt lợi ích giữa bên cho thuê và khách thuê. Cho dù đôi khi mối quan hệ có thể trở nên bất lợi như thế nào giữa chủ nhà và người thuê nhà, điểm mấu chốt vẫn là mọi người cùng tìm ra điểm chung và vượt qua khó khăn.

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load