Lãnh cung - nơi được mệnh danh là địa ngục chốn cung đình thường chỉ được biết đến qua các bộ phim. Trên thực tế, nơi đây chưa một lần được mở cửa cho khách tham quan.
Lãnh cung - góc khuất trong Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành - cung điện xa hoa bậc nhất Trung Quốc, là nơi ở của 24 vị hoàng đế dưới hai triều đại phong kiến Minh và Thanh. Đây là quần thể cung điện rộng lớn nhất trong số các công trình lịch sử còn nguyên vẹn trên thế giới.
Tử Cấm Thành được xây dựng trong vòng 14 năm từ năm 1406 tới năm 1420, gồm 800 cung với 9.000 phòng trên diện tích 720.000 m2.
Thời xưa, hoàng đế các triều đại coi Tử Cấm Thành là nơi thiêng liêng chỉ dành cho chân mệnh thiên tử (con trời) ở, dân thường không được phép lui tới. Cuộc sống và không gian bên trong Tử Cấm Thành vì thế trở nên vô cùng bí ẩn với dân thường.
Quần thể cung điện rộng lớn Tử Cấm Thành (Ảnh: 163). |
Tử Cấm Thành có vô số phòng ốc mà người ta cho rằng, nếu một thái tử mỗi đêm ngủ trong một căn phòng thì phải mất gần 24 năm mới ngủ hết các phòng trong Tử Cấm Thành. Tuy nhiên, không phải nơi nào trong Tử Cấm Thành rộng lớn cũng được trang hoàng lộng lẫy, dập dìu người qua lại.
Các hoàng đế Trung Quốc xưa luôn tuyển cho mình rất nhiều cung tần, mỹ nữ. Một số người được hoàng đế yêu chiều, cho hưởng vinh hoa phú quý, một số khác bị lãng quên nên phải sống trong lãnh cung lạnh lẽo.
Tử Cấm Thành tọa lạc trên khu đất rộng 720.000 m2 (Ảnh: 163) |
Một nữ nhân không được hoàng đế coi trọng bị đưa vào lãnh cung đồng nghĩa với việc sẽ không nhận được sự kính trọng của ai khác, không có kẻ hầu người hạ. Nếu không có xuất thân vững vàng hay có cơ hội, đa phần họ sẽ không có kết cục tốt đẹp.
Ngoài những phi tần bị thất sủng, lãnh cung còn là nơi ở của những góa phụ trong cung. Nhiều mỹ nữ tiến cung khi tuổi đời còn khá trẻ. Nhiều người khi hoàng đế băng hà cũng chỉ mới mười tám đôi mươi.
Bên trong các lãnh cung lạnh lẽo (Ảnh: Sohu). |
Tuy nhiên, theo quy định hà khắc của các triều đại phong kiến, cuộc đời sau này của họ sẽ chỉ sống để thờ chồng mà không được phép lấy chồng khác. Vì thế, sau khi hoàng đế mất, những cung tần, mỹ nữ này thường bị đẩy vào những cung cấm.
Từ nhiều năm nay, Tử Cấm Thành đã mở cửa để đón người dân và du khách đến thăm quan. Nhiều người đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguy nga tráng lệ của quần thể cung điện rộng lớn bậc nhất thế giới, cảm nhận được chí khí của các bậc đế vương một thời.
Tuy nhiên, có một số nơi trong Tử Cấm Thành bao năm nay vẫn cửa đóng then cài, không có bao giờ mở cửa cho khách tham quan và lãnh cung là một trong số đó.
Nhiều người chỉ biết đến hình ảnh lãnh cung qua các bộ phim. Trong hình dung của nhiều người, lãnh cung vì thế là một nơi tồi tàn có vài tấm ván phủ đầy bụi bặm, màng nhện. Trong không gian lạnh lẽo với ánh đèn mờ ảo, các phi tần, cung nữ đầu bù tóc rối đang thất vọng, trông ngóng ai đó đến cứu mình.
Việc không được vào các lãnh cung thăm quan khiến nhiều người tò mò không hiểu bên trong các lãnh cung thực sự ra sao và ẩn chứa những bí ẩn gì?
Hình ảnh những cung điện bỏ hoang trong Tử Cấm Thành (Ảnh: 163) |
Có nhiều người phỏng đoán rằng, lãnh cung chẳng khác nào địa ngục chốn cung đình thời xưa, nhiều cung tần mỹ nữ bị đày vào lãnh cung đem lòng oán hận đã tự tử. Nhiều người tuyệt vọng đến phát điên hoặc chết trong cô đơn. Theo quan niệm thời xưa, việc đến thăm những nơi lạnh lẽo như vậy sẽ không tốt vì nơi đây âm khí nặng nề.
Một số ý kiến khác thì đưa ra những nhận định mang tính khoa học hơn rằng, các lãnh cung lạnh lẽo vốn đơn sơ, không người qua lại, qua nhiều năm tích tụ nhiều khí độc hại sẽ không tốt cho du khách một khi nó được mở cửa.
Vị trí của lãnh cung và tiết lộ của vị hoàng đế cuối cùng
Theo 163, nếu nhìn theo trục trung tâm thì có thể chia Tử Cấm Thành thành hai phần trước và sau. Phần phía trước để hoàng đế lo việc triều chính, đồng thời cũng là nơi lưu giữ những thư tịch sách vở quan trọng.
Phần phía sau là nơi ở của hoàng đế, hoàng hậu, các hoàng tử, công chúa và những người trong hoàng thân quốc thích. Ngoài ra, các thiết chế cần thiết cho cuộc sống như nhà bếp, thái y viện cũng nằm ở khu vực này.
Nếu theo quy tắc này, nhiều người hiểu lãnh cung sẽ được bố trí khu vực phía sau trong Tử Cấm Thành, ở nơi xa xôi hoang vắng nhất.
Lãnh cung chỉ là cách gọi chung nơi ở hoặc nơi giam giữ những phi tần bị hoàng đế phế bỏ (Ảnh: Sohu). |
Tuy nhiên trên thực tế, trong Tử Cấm Thành, không có vị trí cụ thể nào cho các lãnh cung. Thời nhà Minh, vua Vạn Lịch từng giam phi tần của mình trong Cảnh Dương Cung.
Vua Quang Tự, hoàng đế nhà Thanh thì lại đày Trân Phi của mình vào Cảnh Kỳ Các. Các nơi này vì thế được coi là lãnh cung trong triều đại đó.
Trong nhiều triều đại, nơi ở của những phi tần bị thất sủng không được công khai nên cũng không thể xác định được lãnh cung triều đại đó chính xác nằm ở đâu.
Trong cuốn sách của mình, vua Phổ Nghi - hoàng đế cuối cùng của lịch sử phong kiến Trung Quốc đã viết rằng, lãnh cung chỉ là cách gọi chung nơi ở hoặc nơi giam giữ những phi tần bị hoàng đế phế bỏ và nó có thể là bất cứ căn phòng nào ở trong các cung điện. Lãnh cung không phải là một cung điện cố định.
Các phi tần bị đưa vào lãnh cung như một hình thức chịu phạt, cuộc sống vô cùng khổ sở. Đến cuối đời nhà Thanh, nhiều lãnh cung càng trở nên hoang tàn vì ngân khố triều đình trống rỗng, hoàng đế gần như bỏ mặc những nơi này, không còn đầu tư, tu bổ.
Như vậy có thể hiểu, tùy từng triều đại mà lãnh cung lại ở những vị trí khác nhau.
Thông tin mà hoàng đế Phổ Nghi đề cập trong sách của mình sau này cũng đã được Bảo tàng Cố Cung xác thực.
Nhiều phụ nữ bất hạnh đã phát điên, bỏ mạng trong cung điện lạnh lẽo (Ảnh: Sohu). |
Trang 163 dẫn ý kiến phân tích rằng, lãnh cung là nơi dành cho những cung nữ bị hoàng đế ruồng bỏ. Nhiều phụ nữ bất hạnh đã phát điên, bỏ mạng trong cung điện lạnh lẽo này. Cuộc sống trước đây ở nơi này có lẽ sẽ không mấy tốt đẹp nếu không muốn nói là đáng sợ. Vì vậy, nó không thực sự đáng để du khách ghé thăm.
Cuộc sống trong các lãnh cung đương nhiên sẽ thiếu thốn, đồ đạc, vật dụng hàng ngày đều giản tiện hết mức có thể. Vì vậy, so với sự lộng lẫy của các cung điện khác, khung cảnh của lãnh cung không có gì đáng quan tâm.
Nếu được vào bên trong các lãnh cung, du khách sẽ chỉ nhìn thấy những di tích đổ nát và những đồ trang trí đầy bụi bặm. Nhìn cảnh đó, bất cứ ai cũng cảm thấy khó chịu.
Hoàng đế Phổ Nghi (Ảnh: QQ) |
Trong Tử Cấm Thành ngày nay còn tồn tại nhiều căn phòng nơi từng giam giữ những phi tần cuối cùng của nhà Thanh. Tuy nhiên, vì chúng đã bị bỏ hoang từ rất lâu, hiện trạng vô cùng tồi tàn, hư hỏng nghiêm trọng và không đảm bảo yếu tố an toàn nên nơi đây không bao giờ được mở cửa cho khách thăm quan.
Việc xây dựng lại lãnh cung phức tạp và khó khăn, tốn nhiều kinh phí, trong khi Tử Cấm Thành mênh mông, rộng lớn có vô số cảnh đẹp để thăm quan nên ban quản lý quyết định đóng cửa những căn phòng, cung điện đó. Những khu vực này vì thế ngày càng hoang toàn và kéo theo vô số những câu chuyện thêu dệt quỷ dị.
Theo Hồng Anh (163, QQ, Sohu)/Dantri.com.vn