(Xây dựng) - Qua 6 năm triển khai thực hiện Luật, thị trường bất động sản và hoạt động kinh doanh bất động sản ngày càng phát triển và có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội. |
Thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của nhân dân, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, đồng thời góp phần quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đô thị, du lịch, tăng trưởng xanh...
Thị trường bất động sản phát triển ổn định, quy mô mở rộng
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản nhà ở kéo theo hàng loạt các thị trường về vốn, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động tăng trưởng. Dựa trên kinh nghiệm của thế giới cho thấy rằng cứ đầu tư phát triển 1m2 nhà ở thì cần từ 17 - 25 công lao động; đầu tư 1 USD vào bất động sản thì thu hút thêm được 1,5 – 2 USD vốn xã hội tham gia (tỷ lệ khoảng 200%). Nếu dư nợ cho vay bất động sản hiện nay có trên 400 nghìn tỷ đồng thì thực tế đã huy động được khoảng trên 20 tỷ USD vào nền kinh tế.
Thị trường bất động sản trong 06 năm qua đã có những bước phát triển quan trọng cả về quy mô, sản phẩm, huy động nguồn lực và ngày càng ổn định, lành mạnh. Nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới, các công trình sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (nhất là ngành Du lịch) của đất nước. Thị trường từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp dân cư, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng): So với các giai đoạn trước, từ năm 2015 - 2021, thị trường bất động sản đã không còn các hiện tượng “đóng băng”, “trầm lắng” hoặc “phát triển nóng”. Chu kỳ phát triển của thị trường bất động sản hiện nay đã lâu dài và ổn định hơn, các hiện tượng tiêu cực của thị trường bất động sản chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm soát có hiệu quả.
Quy mô thị trường bất động sản ngày càng mở rộng, phát triển cả về loại hình, số lượng dự án, quy mô dự án và các chủ thể tham gia. Nếu như những năm trước chỉ có sản phẩm nhà liền kề, biệt thự được xây dựng tại các dự án có quy mô nhỏ thì hiện nay đã có nhiều dự án có diện tích đất lên đến hàng ngàn ha, tổng mức đầu tư hàng triệu tỷ đồng được triển khai xây dựng. Các sản phẩm bất động sản đã đa dạng hơn, ngoài nhà liền kề, căn hộ chung cư, biệt thự còn có các biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, văn phòng, mặt bằng cho thuê, khu công nghiệp.
Đa dạng nguồn vốn và chủ thể tham gia thị trường
Nguồn vốn dành cho phát triển bất động sản hiện nay không còn chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn tự có của chủ đầu tư mà đã được mở rộng thông qua nhiều hình thức khác như: Vốn vay ngân hàng, vốn FDI, vốn tư nhân, trái phiếu doanh nghiệp, các startup công nghệ tài chính, huy động vốn từ khách hàng, huy động vốn thông qua liên doanh, liên kết,…
Qua số liệu thống kê về vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn từ năm 2016 đến hết năm 2020 cho thấy lĩnh vực kinh doanh bất động sản luôn là một trong những lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài (đứng thứ 2 trên tổng số 17 lĩnh vực về thu hút đầu tư nước ngoài, chỉ sau lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo). Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 tạo cơ chế thu hút nhiều chủ thể và nguồn vốn đầu tư tham gia. |
Trong giai đoạn này, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản tăng trưởng ổn định do có nhiều chính sách pháp luật mới được ban hành theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,... Các đạo luật này đã góp phần thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia ngày càng nhiều vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: “Hiện nay, số lượng, cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường bất động sản cũng phong phú và đa dạng hơn 10 năm trước đây. Không chỉ các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có quy mô nhỏ tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản mà đã xuất hiện các doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực vốn lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.
Tính đến năm 2020, cả nước có khoảng 100.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Ngoài các chủ thể là các tổ chức, cá nhân trong nước, còn có sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Ngoài số lượng các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án nêu trên, còn có hệ thống các đơn vị trung gian tham gia hỗ trợ thị trường như các sàn giao dịch bất động sản, các văn phòng môi giới, tổ chức định giá, tư vấn, quản lý bất động sản, hệ thống đăng ký sở hữu, công chứng bất động sản, các tổ chức tài chính tín dụng bất động sản (ngân hàng, các quỹ đầu tư, các quỹ bảo hiểm...).
Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã giúp hoạt động kinh doanh bất động sản đạt được nhiều kết quả quan trọng. Luật và các văn bản quy định đã tạo cơ sở pháp lý để hoạt động kinh doanh bất động sản ngày càng phát triển, đồng thời giúp cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Dự án nhà ở, khu đô thị đến nay có khoảng gần 5.000 dự án, với tổng mức đầu tư ước tính 5.400.000 tỷ đồng. Tại Hà Nội đã có khoảng 2 triệu m2, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 2,5 triệu m2 văn phòng cho thuê. Khoảng 370 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 100.000ha đất, với tỷ lệ lấp đầy hơn 70%, đảm bảo đủ cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong và ngoài nước.
Hà Khánh
Theo