Lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.
Đúng 8 giờ ngày 20/3, tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), Lễ viếng đồng chí Phan Văn Khải, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được cử hành trọng thể.
Linh cữu của đồng chí Phan Văn Khải được đặt ở vị trí trang trọng nhất tại đại sảnh của Hội trường Thống Nhất, linh cữu được phủ Quốc kỳ đỏ thắm.
Trước linh cữu của đồng chí Phan Văn Khải là bàn thờ Tổ quốc, bên trên là lá Quốc kỳ viền dải băng đen và di ảnh của đồng chí. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đội tiêu binh thay phiên nhau túc trực bên linh cữu đồng chí Phan Văn Khải.
Tham dự lễ viếng đồng chí Phan Văn Khải có các đoàn đại biểu: Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các cơ quan, bộ, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể của Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước; các tầng lớp nhân dân, bạn bè, đồng chí đã từng gắn bó với đồng chí Phan Văn Khải trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển đất nước.
Mở đầu lễ viếng, Đoàn gia đình họ tộc nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải do con trai Phan Minh Hoàng dẫn đầu đã xúc động thành kính dâng hương, dâng hoa lên linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Tiếp đó, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Đoàn Chủ tịch nước; Đoàn Chính phủ; Đoàn Quốc hội; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Văn phòng Chính phủ; Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đoàn đại biểu của các cơ quan, ban ngành, tổ chức, đoàn thể của Trung ương, các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế đã đến đặt vòng hoa kính viếng, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với đồng chí Phan Văn Khải, người chiến sĩ Cộng sản trung kiên, người lãnh đạo tài năng, tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước, được nhân dân trong nước và thế giới kính trọng.
Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh VGP/Mạnh Hùng
Đoàn Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Đoàn Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đoàn đại biểu Chính phủ có nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh... Ảnh VGP/Mạnh Hùng
Đoàn Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh VGP/Mạnh Hùng
Ghi sổ tang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Phan Văn Khải – Anh Sáu Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội khóa
Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta.
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đồng chí!
Xin vĩnh biệt Anh Sáu Khải!
Xin gửi đến gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất.”
Trong sổ tang, Chủ tịch nước Trần Đại Quang viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII,
Học tập và noi gương đồng chí, chúng tôi nguyện đem hết công sức, trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Anh Sáu Khải kính mến và xin gửi tới gia đình Anh Sáu lời chia buồn sâu sắc, niềm tiếc thương vô hạn trước nỗi đau thương không gì bù đắp được.
Cầu mong Anh Sáu yên giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ tang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Phan Văn Khải - Anh Sáu Khải kính mến. Anh là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, là người đứng đầu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1997-2006 - giai đoạn quan trọng trong quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước.
Anh là người luôn tận tụy, liêm chính, chí công vô tư, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, luôn quan tâm chăm lo đời sống của Nhân dân và chú trọng lãnh đạo đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Anh mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn trong chúng ta về tấm gương một nhà lãnh đạo tận tâm, tận lực, vì dân, vì nước, người đảng viên cộng sản kiên trung, người đồng chí, người anh luôn gần gũi, khiêm tốn, bình dị, chân tình và luôn quan tâm đến anh em, đồng chí.
Thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Anh Sáu và xin gửi tới gia đình Anh lời chia buồn sâu sắc nhất”.
Ghi sổ tang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết: "Vĩnh biệt anh Sáu Khải, người anh quý mến thân thương.
Xin kính cẩn, nghiêng mình trước vong linh Anh, thắp nén hương thơm tiễn đưa Anh về nơi yên nghỉ ngàn thu".
Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Đoàn đại biểu Bộ Công an do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Đoàn đại biểu Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng dẫn đầu viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh VGP/Lê Anh
Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương MTTQVN do ông Trần Thanh Mẫn dẫn đầu viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh VGP/Mạnh Hùng
* Tại Thủ đô Hà Nội, Lễ viếng đồng chí Phan Văn Khải được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.
Đoàn đại biểu đầu tiên – Đoàn đại biểu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước do đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ghi sổ tang, đồng chí Nguyễn Văn Bình viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng chí là một nhà lãnh đạo xuất sắc, một tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng, phấn đấu hết sức mình vì một Việt Nam ‘Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’ để xứng đáng với những công lao to lớn của đồng chí. Vĩnh biệt đồng chí”.
Lễ viếng Đồng chí Phan Văn Khải tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tiếp đó là đoàn đại biểu Chính phủ, do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Ghi Sổ tang, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ viết: “Vô cùng thương tiếc và kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Xin kính cẩn vĩnh biệt đồng chí, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta, người Anh vô cùng thân thiết, gần gũi của Chính phủ, của người dân và doanh nghiệp. Xin hứa với đồng chí, Chính phủ sẽ luôn kiên định mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội tới viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Ghi Sổ tang, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ noi theo. Xin chia buồn sâu sắc tới gia đình đồng chí”.
Sáng 20/3 nhiều đoàn đoại biểu của các ban, bộ, ngành Trung ương, cơ quan, đoàn thể tại Hà Nội, các địa phương đã tới viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ viếng Đồng chí Phan Văn Khải. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Ảnh VGP/Nhật Bắc
* Trong hai ngày Quốc tang (ngày 20 và ngày 21/3/2018), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
TIỂU SỬ NGUYÊN THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI
Đồng chí Phan Văn Khải, sinh ngày 25/12/1933, tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh; thường trú tại số nhà 24 Tú Xương, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh; Đồng chí tham gia cách mạng năm 1947; ngày 15/7/1959 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1947, Đồng chí tham gia Đội thiếu nhi xã và làm cán bộ thiếu nhi xã Tân An Hội, huyện Hóc Môn. Năm 1948 - 1949, làm Ủy viên Ban Chấp hành thiếu nhi huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
Năm 1950 đến năm 1951, Đồng chí làm công tác văn thư Tỉnh đoàn thanh niên tỉnh Gia Định.
Năm 1952 đến năm 1954, Đồng chí làm công tác văn phòng của Mặt trận Liên Việt tỉnh Gia Định Ninh, Văn phòng Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định Ninh.
Tháng 10/1954, Đồng chí tập kết ra Bắc.
Năm 1955 đến năm 1957, Đồng chí làm công tác giảm tô đợt 7 ở Hà Nam, đợt 4 cải cách ruộng đất ở tỉnh Sơn Tây và đợt 5 cải cách ruộng đất ở Bắc Hưng Yên.
Tháng 8/1957 đến năm 1959, Đồng chí học văn hóa ở Trường bổ túc công nông Trung ương.
Tháng 8/1959 đến tháng 8/1960, Đồng chí học Trường Ngoại ngữ Trung ương.
Tháng 9/1960 đến tháng 6/1965, Đồng chí học Đại học Kinh tế quốc dân Mát-xcơ-va, Liên Xô.
Tháng 6/1965 đến năm 1971, Đồng chí làm cán bộ, Phó phòng, Trưởng phòng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Năm 1972 đến năm 1975, Đồng chí làm cán bộ nghiên cứu kinh tế miền Nam, năm 1973 vào chiến trường B2, năm 1974 Đồng chí ra Hà Nội làm Vụ phó Vụ Kế hoạch chi viện, Ủy ban Thống nhất.
Năm 1976 đến năm 1978, Đồng chí làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1979 đến năm 1980, Đồng chí làm Thành ủy viên, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1981 đến năm 1984, Đồng chí làm Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), Đồng chí được bầu vào Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa V (năm 1984), Đồng chí được bầu vào Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 1985 đến tháng 3/1989, Đồng chí làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), Đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 4/1989 đến tháng 6/1991, Đồng chí làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
Tháng 7/1991, Đồng chí làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; tháng 9/1992 đến tháng 8/1997 làm Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), Đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục được Trung ương bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị; Đồng chí làm Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.
Tháng 9/1997, Đồng chí làm Thủ tướng Chính phủ; làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tháng 01/1998.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001), Đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ đến tháng 7/2006.
Đồng chí được nghỉ công tác, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 01/01/2008.
Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VII, VIII, IX; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X, XI.
Do có nhiều công lao và đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế và Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Theo Baochinhphu.vn