(Xây dựng) – Sáng 29/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh nêu ra những khó khăn vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội. |
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, từ năm 2016 đến nay, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân lao động được thực hiện theo Luật Nhà ở và các văn bản dưới luật. Đến nay, đã có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp (bao gồm 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983ha).
Trong đó, đã hoàn thành 248 dự án với quy mô xây dựng khoảng hơn 103.500 căn, tổng diện tích hơn 5,1 triệu m2; đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 216.500 căn, với tổng diện tích khoảng 10,8 triệu m2; còn lại 512 dự án chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.
Tuy vậy, với tổng diện tích hơn 5,1 triệu m2 nhà ở xã hội đã xây dựng mới chỉ đạt được khoảng 41,4% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở).
Kết quả đạt được còn thấp như trên do còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến một số quy định của Luật Nhà ở, Nghị định hướng dẫn của Chính phủ và cơ bản do nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi hạn hẹp. Cũng do các tồn tại, hạn chế trên cho nên đến nay hầu hết 264 dự án nhà ở xã hội đang đầu tư xây dựng bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Những năm gần đây số dự án hoàn thành rất ít, nguồn cung nhà ở xã hội đạt thấp, không đáp ứng nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Nghị định đã gặp những khó khăn vướng mắc nhất định do đó, cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hơn như: Vướng mắc liên quan đến chính sách nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật; khó khăn hạn chế về nguồn vốn; những khó khăn vướng mắc liên quan tới quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Qua kết quả thực tế triển khai thực hiện chính sách về nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua, cho thấy về lâu dài và thường xuyên, muốn giải quyết một cách căn cơ, triệt để thúc đẩy phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân tại khu công nghiệp, cần thiết phải triển khai thực hiện đồng bộ một loạt giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện.
Bên cạnh việc triển khai nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở, trước mắt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc giao Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 100/NĐ-CP theo trình tự rút gọn.
Hiện Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Đề cương sửa đổi và đang tiến hành xây dựng các dự thảo Tờ trình, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung tập trung vào nghiên cứu những nội dung nhằm tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc cơ bản về nguồn vốn, về quỹ đất, giảm bớt thủ tục hành chính nhằm tạo điều thuận lợi, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
Cao Cường
Theo