(Xây dựng) – Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu vừa ban hành Nghị quyết số 57/NQ-HĐND về việc thông qua Đồ án Quy hoạc xây dựng vùng liên huyện Cao Lộc – Lộc Bình – Đình Lập (khu vực dọc tuyến Quốc lộ 4B), tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045, tỷ lệ 1/25.000.
Một góc thành phố Lạng Sơn (ảnh: Phượng Nguyễn). |
Theo Nghị quyết, khu vực lập quy hoạch xây dựng được giới hạn: Phía Tây Bắc tiếp giáp cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; phía Đông Nam tiếp giáp ranh giới huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh; phía Đông Bắc và Đông Nam tiếp giáp ranh giới các xã, thị trấn thuộc huyện Cao Lộc, huyện Lộc Bình, huyện Đình Lập.
Quy mô diện tích nghiên cứu khoảng 345.715ha (toàn bộ huyện Cao Lộc, huyện Lộc Bình, huyện Đình Lập và huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Diện tích lập quy hoạch khoảng 62.714ha, trong đó: khu vực nằm trong ranh giới hành chính 3 xã thuộc huyện Cao Lộc (gồm một phần xã Gia Cát, Tân Liên, Yên Trạch) khoảng 4.782ha; khu vực nằm trong ranh giới hành chính 13 xã, thị trấn thuộc huyện Lộc Bình (gồm một phần thị trấn Lộc Bình, Na Dương, các xã Đông Quan, Lợi Bác, Sàn Viên, Tĩnh Bắc, Khuất Xá, Khánh Xuân, Thống Nhất, Đồng Bục, Hữu Khánh, Tú Đoạn, Mẫu Sơn) khoảng 29.792ha; khu vực nằm trong ranh giới hành chính 7 xã, thị trấn thuộc huyện Đình Lập (gồm một phần Thị trấn Đình Lập, các xã Đình Lập, Thái Bình, Cường Lợi, Châu Sơn, Kiên Mộc, Bắc Lãng) khoảng 28.140ha. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 100.000 - 150.000 người, quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 200.000 người. Thời hạn lập quy hoạch là giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hoá các định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lạng Sơn và của huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập; các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng đã được phê duyệt, phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tạo tiền đề, hỗ trợ, chia sẻ chức năng với khu vực đô thị trung tâm Lạng Sơn và các đô thị, khu chức năng trong tiểu vùng; tạo kết nối tốt với Quảng Ninh và các địa phương lân cận để phát huy ưu điểm vị trí vùng cũng như từng đô thị; phát triển khu vực trở thành khu vực có hệ thống hạ tầng đồng bộ, liên kết tốt các loại hình giao thông đường bộ và đường sắt, phát huy vai trò là đầu mối giao thông quan trọng. Hình thành vùng động lực phát triển với các mô hình kinh tế mới, hiện đại trên cơ sở hệ thống đô thị, hệ thống công nghiệp đa ngành, trở thành một trong những vùng có năng lực cao về sản xuất hàng hóa, dịch vụ, thương mại, logistic, du lịch và đô thị theo hướng bền vững, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đề xuất các phân vùng để kiểm soát quản lý đầu tư xây dựng và phát triển. Làm căn cứ pháp lý quản lý xây dựng, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, làm cơ sở phục vụ cho công tác đầu tư các dự án, tạo môi trường thu hút đầu tư trong giai đoạn phát triển mới.
Định hướng phát triển không gian, bao gồm: Tiểu vùng 1 là khu vực huyện Cao Lộc thuộc các xã Gia Cát, Tân Liên, Yên Trạch là khu vực sản xuất công nghiệp và các khu ở đô thị hóa phục vụ công nghiệp và dịch vụ. Khu vực các xã Gia Cát, Tân Liên chuyển dịch từ xã nông thôn mới thành xã ngoại thị thành phố Lạng Sơn (là đô thị loại I năm 2045) có tiêu chí hạ tầng kỹ thuật nông thôn đạt đô thị loại II. Hình thành trung tâm hỗn hợp đô thị tại xã Gia Cát, Khu công nghiệp Cao Lộc tại xã Tân Liên, khu nông nghiệp công nghệ cao xã Gia Cát, khu vực nông, lâm nghiệp sử dụng như vùng đệm, phân tách các vùng nguyên liệu và vùng xây dựng đô thị và các khu chức năng.
Tiểu vùng 2 là khu vực thị trấn Lộc Bình và các xã lân cận xung quanh dọc Quốc lộ 4B với tính chất là trung tâm hành chính chính trị, công cộng, dịch vụ, du lịch và là vùng công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics và đô thị hóa mở rộng của thị trấn Lộc Bình. Khu vực thị trấn Lộc Bình, các xã Khánh Xuân, Đồng Bục, Hữu Khánh, Tú Đoạn nâng cấp lên thành phường sau năm 2030. Xã Thống Nhất, Mẫu Sơn chuyển dịch từ xã nông thôn mới thành xã ngoại thị thị xã Lộc Bình, có tiêu chí hạ tầng kỹ thuật nông thôn đạt đô thị loại V. Một phần các xã Khánh Xuân, Mẫu Sơn, Thống Nhất bố trí ga cáp treo đi gắn với các dịch vụ du lịch, khu thể thao giải trí chủ đề golf và các khu vực phụ trợ du lịch núi. Xây dựng các điểm du lịch sinh thái bên sông Kỳ Cùng; Xây dựng Khu công nghiệp Khánh Xuân, bổ sung dân cư mới.
Tiểu vùng 3 thuộc thị trấn Na Dương, các xã Đông Quan, Sàn Viên, Lợi Bác là trung tâm hành chính chính trị, công cộng, dịch vụ, du lịch và là khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics và đô thị hóa mở rộng thị trấn Na Dương. Thị trấn Na Dương, các xã Đông Quan, Sàn Viên nâng cấp lên thành phường sau năm 2030, xã Lợi Bác chuyển dịch từ xã nông thôn mới thành xã ngoại thị thị xã Lộc Bình. Duy trì các Cụm công nghiệp Na Dương 1, 2, 3, bố trí mới 02 Cụm công nghiệp Sàn Viên 1 và 2, xây dựng Khu công nghiệp Na Dương, khu công nghiệp và logistics Na Dương, khu Logistics và cảng cạn Na Dương; khu thương mại dịch vụ tại trung tâm thị trấn Na Dương, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đông Quan, bố trí các điểm du lịch sinh thái bên hồ Bản Lải, hồ Tà Keo.
Tiểu vùng 4 thuộc thị trấn Đình Lập, các xã Đình Lập, Thái Bình, Kiên Mộc, Cường Lợi, Châu Sơn, Bắc Lãng là trung tâm chính trị, công cộng, dịch vụ, du lịch và là vùng công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics và đô thị hóa mở rộng thị trấn Đình Lập. Thị trấn Đình Lập đến năm 2035 đạt tiêu chí đô thị loại IV, sau 2035 lập đề án công nhân đô thị loại IV, xã Đình Lập chuyển dịch từ xã nông thôn mới thành xã ngoại thị thị trấn Đình Lập. Tiếp tục phát triển Cụm công nghiệp Đình Lập và Bình Chương, xây dựng các Khu công nghiệp Đình Lập, Khu công nghiệp và logistics Đình Lập, cụm công nghiệp Bắc Lãng, khu thương mại dịch vụ tại trung tâm thị trấn Đình Lập, khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hồ Khuổi In, xây dựng tuyến đường tỉnh lộ mới (ĐH.40) kết nối Hạ Long, hình thành khu dân cư đô thị tại điểm giao giữa tỉnh lộ mới (ĐH.40) với Quốc lộ 4B thuộc xã Bắc Lãng, bố trí các điểm du lịch sinh thái núi, gắn với các hoạt động sinh thái rừng, bố trí Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đình Lập.
Phượng Nguyễn
Theo