Chủ nhật 03/11/2024 00:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Làm thế nào để quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ

21:34 | 28/07/2023

(Xây dựng) - Tại Hội thảo “Tham vấn chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ”, nhiều ý kiến cho rằng cần hoàn thiện chính sách về hạ tầng kỹ thuật. Bởi đây được coi là bộ khung, là nền móng để phát triển đô thị bền vững, ổn định cũng như cung cấp, đáp ứng các yêu cầu thiết yếu đối với hoạt động đô thị; tạo điều kiện cho các hoạt động tại đô thị vận hành một cách hiệu quả.

Làm thế nào để quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Hội thảo “Tham vấn chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ” diễn ra ngày 28/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực trạng quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị

Theo báo cáo của Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, đến nay, Chính phủ đã ban hành 07 Nghị định chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật thuộc các lĩnh vực: cấp nước; thoát nước và xử lý nước thải; không gian ngầm đô thị; sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật đô thị; chiếu sáng đô thị; cây xanh đô thị; nghĩa trang và cơ sở hỏa táng. Các nghị định được ban hành cơ bản được xây dựng theo hướng quy định từ quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng phát triển cho đến quản lý, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, chưa có văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành cho quản lý giao thông đô thị và quản lý công viên trong đô thị. Trong 07 nghị định chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được ban hành chỉ có 02 nghị định về quản lý không gian ngầm đô thị và quản lý cây xanh đô thị thuộc trường hợp nghị định để quy định chi tiết và tổ chức thi hành Luật. Các nghị định chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật chưa có nội dung về quản lý, khai thác và sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng kỹ thuật; chưa có các quy định cụ thể để thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vốn tư nhân.

Do đó, dưới tốc độ phát triển nhanh của đô thị các quy định pháp luật đã bộc lộ nhiều bất cập như: Việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn dàn trải, thiếu tính đồng bộ và kết nối. Lộ trình xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở một số địa phương chưa phù hợp với sự phát triển chung của đô thị. Thực tế, tại các đô thị vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng và đào lên lấp xuống, mạng nhện đường dây… Một số dự án đầu tư xây dựng khu chung cư, khu đô thị mới, khu dịch vụ sản xuất đã hoàn thành đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong nội khu nhưng vẫn không thể đấu nối với hạ tầng chung toàn khu vực nên gây thiếu nước sạch, ngập úng…

Nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật chủ yếu vẫn là nguồn vốn ngân sách và khó xã hội hóa. Nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật chậm được đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng chậm tiến độ, đặc biệt là các dự án thoát nước và xử lý nước, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang và cơ sở hỏa táng.

Việc quản lý, bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng kỹ thuật do Nhà nước đầu tư (bao gồm cả các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi), còn thiếu chặt chẽ và có nguy cơ xảy ra thất thoát, lãng phí. Chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan lúng túng trong thực hiện công tác bàn giao tài sản cho đối tượng quản lý. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng kỹ thuật không do Nhà nước đầu tư thì việc bàn giao tài sản giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương còn bất cập như tạo gánh nặng cho ngân sách địa phương và khi tiếp nhận thì công trình hư hỏng xuống cấp mà không có chi phí sửa chữa…

Bên cạnh đó, công tác lập, phê duyệt quy trình quản lý, vận hành, khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật còn bất cập. Bởi chưa được sự quan tâm đúng mức và còn lúng túng trong quá trình lập, phê duyệt quy trình. Từ đó dẫn đến những hạn chế trong công tác giám sát, bảo đảm chất lượng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật. Hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hành chậm được bổ sung, điều chỉnh; chưa theo kịp thực tiễn quản lý phát triển của lĩnh vực (chưa cập nhật các công nghệ, kỹ thuật mới, chi phí quản lý giám sát...). Việc tính toán, xác định giá dịch vụ hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí…

Làm gì để quản lý hạ tầng kỹ thuật tốt hơn

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ là cơ sở nền tảng để bảo đảm cho mỗi đô thị, mỗi vùng và mỗi đất nước phát triển theo hướng bền vững. Trong thời kỳ đổi mới, việc phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Từ Đại hội Đảng lần thứ VII (năm 1991) đến nay, vai trò của phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước luôn giữ vị trí quan trọng, là yếu tố đột phá chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế.

Sau năm 2000, kinh tế phát triển nhanh nên đòi hỏi cần hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật để điều chỉnh các mối quan hệ giữa các chủ thể trong hoạt động quản lý phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Qua đó, góp phần tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật và cải thiện môi trường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các đô thị và khu vực dân cư nông thôn tập trung đã từng bước được đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới. Đặc biệt, việc quản lý, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đã có hiệu quả, giúp quá trình phát triển đô thị diễn ra mạnh mẽ, chất lượng đô thị được từng bước nâng cao. Đến tháng 12/2022, cả nước đã có 888 đô thị (tăng 133 đô thị so với năm 2010).

Tuy nhiên, trước thực trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã đặt ra nhiều thách thức. Đòi hỏi cơ quan chức năng phải có các chính sách, giải pháp trong điều chỉnh những mối quan hệ, vấn đề mới xuất hiện và tính đồng bộ, thông suốt với các pháp luật khác có liên quan.

Làm thế nào để quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ
Toàn cảnh Hội thảo “Tham vấn chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ” diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/7.

Trước những tồn tại, bất cập, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước với mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng kỹ thuật khung của đô thị. Trong đó, việc xây dựng hoàn thiện khung pháp lý quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị là nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên Bộ Chính trị đặt ra cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị.

“Thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, thời gian qua Bộ Xây dựng đã rà soát, đánh giá tình hình quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật trên cả nước. Trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các địa phương và tham vấn ý kiến, sáng kiến của các chuyên gia trong nước, quốc tế để hoàn thiện nội dung đề xuất chính sách quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị”, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh.

Hiện nay, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật là sự kết hợp, phối hợp chặt chẽ và thống nhất từ khâu quy hoạch, kế hoạch, kêu gọi đầu tư, lập dự án đầu tư, triển khai xây dựng đến khi bàn giao công trình đưa vào vận hành, quản lý khai thác và sử dụng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, để hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật cần các chuyên gia đóng góp ý kiến, sáng kiến về: giải pháp chính sách để bảo đảm tính đồng bộ trong đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật. Cơ chế để tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; giải pháp chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong bàn giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng kỹ thuật; giải pháp chính sách để quản lý, vận hành, khai thác và cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị một cách đồng bộ.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load