Sản phẩm trứng của Công ty CP Thực phẩm Minh Dương Hà Nội
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về chất lượng an toàn, vệ sinh thực phẩm cho biết: Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về chuyên đề này đã làm việc tại 10 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; làm việc với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; xem xét báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 61 báo cáo giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (CLVSATTP)
Về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng an toànn vệ sinh thực phẩm từ 2004-2008, Ủy ban Thường vụ QH đánh giá: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CLVSATTP được ban hành với số lượng lớn tạo hành lang pháp lý để kiểm soát CLVSATTP, bước đầu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về vấn đề này. Bộ máy tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP đang từng bước được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương; thanh tra chuyên ngành VSATTP được hình thành tại Trung ương và đang triển khai thành lập ở cấp tỉnh; bước đầu hình thành được mạng lưới kiểm nghiệm CLVSATTP với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về VSATTP bước đầu tạo sự chuyển biến đối với nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng. Công tác quản lý và bảo đảm CLVSATTP có tiến bộ rõ rệt: một số nông sản, thực phẩm chủ lực như lúa gạo, ngô... cơ bản đáp ứng yêu cầu VSATTP.
Tuy nhiên, việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CLVSATTP còn khó khăn do số lượng văn bản quá nhiều; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu. Việc chuyển đổi và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về VSATTP còn chậm. Tổ chức bộ máy cơ quan chuyên ngành quản lý CLVSATTP chưa hoàn thiện, lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra CLVSATTP còn thiếu và phân tán ở nhiều bộ, ngành. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý CLVSATTP còn chưa tốt. Công tác quản lý nhà nước về CLVSATTP hiện chỉ mới tập trung giải quyết được một số vấn đề bức xúc, chưa chủ động quản lý được nguy cơ ô nhiễm theo chuỗi cung cấp thực phẩm. Đầu tư nguồn lực cho công tác quản lý CLVSATTP rất hạn chế...
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CLVSATTP nhiều nhưng chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh toàn diện các vấn đề về quản lý CLVSATTP nên việc đồng thời phải áp dụng 337 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để quản lý CLVSATTP từ sản xuất đến tiêu dùng rất khó khăn. Bộ máy cơ quan quản lý chuyên ngành về VSATTP còn chưa hoàn thiện; có nhiều đầu mối tham gia quản lý nhà nước về CLVSATTP nhưng việc phân công trách nhiệm quản lý CLVSATTP ở một số công đoạn còn chồng chéo. Năng lực quản lý của cơ quan nhà nước còn hạn chế; công tác quản lý CLVSATTP còn chậm đổi mới; việc thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên, chưa kịp thời; việc xử phạt chưa kiên quyết nên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa...
Các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích 5 nhóm nội dung chính về: hệ thống chính sách pháp luật hiện hành liên quan tới VSATTP; tổ chức thực hiện (kết quả, tồn tại và nguyên nhân); tổ chức bộ máy chuyên môn, bộ máy chuyên trách thanh tra VSATTP; vấn đề xã hội hóa trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kiến nghị, giải pháp tổ chức thực hiện tạo sự chuyển biến rõ nét trong thời gian tới.
Cho ý kiến vào Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, các đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), Bùi Thị Hòa (Đắc Nông) và nhiều đại biểu khác tán thành với giải pháp mà Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đó là sớm ban hành Luật An toàn thực phẩm để điều chỉnh toàn diện và thống nhất các vấn đề về quản lý an toàn thực phẩm, chú trọng tập trung làm rõ 4 vấn đề: cơ quan quản lý nhà nước về ATTP; cơ chế phối hợp trong công tác quản lý CLVSATTP; trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm; chế tài xử lý vi phạm. Cùng với việc ban hành luật, các cơ quan hữu quan cần rà soát, sửa đổi một số luật, văn bản pháp luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về CLVSATTP, đại biểu Bùi Thị Hòa cùng nhiều ý kiến khác đề nghị các cơ quan liên quan cần tiếp tục chú ý và đẩy mạnh hơn nữa công tác này trong nhân dân, trong đó chú trọng giáo dục đạo đức kinh doanh của người sản xuất kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng .
Đại biểu Đặng Thị Nga (Lâm Đồng) cho rằng để giảm tình hình vi phạm VSATTP, cần hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về CLVSATTP từ Trung ương đến cấp xã; tăng cường năng lực và kiện toàn bộ máy quản lý CLVSATTP trong công đoạn sản xuất nguyên liệu, sơ chế, chế biến thực phẩm đối với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Công thương. Đại biểu Trương Thị Thu Hà (Đồng Nai) đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về CLVSATTP; có cơ chế phối hợp hoạt động giữa lực lượng thanh tra của các bộ với lực lượng quản lý thị trường.
Nhiều ý kiến phân tích cho rằng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ kiểm tra nhà nước về CLVSATTP còn thiếu và lạc hậu; trình độ cán bộ chuyên môn và năng lực phân tích của các phòng thử nghiệm trong nước còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược quản lý CLVSATTP... Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần có hệ thống chế tài đủ mạnh, có tác dụng răng đe, phòng ngừa đối với các hành vi gây tổn hại đến sức khoẻ người dân.
Hương Thuỷ- Quỳnh Hoa
Theo baoxaydung.com.vn