Chủ nhật 22/12/2024 09:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Sẽ trình bổ sung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

20:55 | 15/05/2024

(Xây dựng) - Sáng 15/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tại Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Sẽ trình bổ sung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Về chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó, có 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 15 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Dự kiến Kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào chiều ngày 27/6. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội với 2 đợt, đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 08/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến ngày 27/6 và dự phòng ngày 28/6.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung dự kiến và cách thức tiến hành kỳ họp theo hướng sẽ tổ chức kỳ họp thành 2 đợt và có thời gian giữa 2 đợt để cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, xem xét trước khi trình Quốc hội thông qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với thời gian dự kiến chất vấn là 2,5 ngày.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương của các cơ quan Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, các cơ quan hữu quan về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; ghi nhận sự tiến bộ trong việc gửi tài liệu trước đến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu. Đến thời điểm hiện nay, các nội dung trình Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, cho ý kiến và đủ điều kiện trình Quốc hội.

Lưu ý một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trên tinh thần khẩn trương, tích cực, những gì còn vướng mắc thì phải giải quyết thấu tình, đạt lý; phấn đấu quyết tâm, quyết liệt thông qua tại Kỳ họp.

Đối với đề nghị của Chính phủ bổ sung trình tại Kỳ họp thứ 7 Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ: Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Việc xem xét Quy hoạch, Đồ án điều chỉnh quy hoạch Thủ đô cũng hết sức cấp bách, quan trọng, là một trong những công việc để triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về một số nội dung như: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa; dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bổ sung hồ sơ cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với dự thảo Nghị quyết về giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng.

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load