Thứ ba 30/04/2024 01:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Chuyển đổi số lấy hệ sinh thái làm trọng tâm

Kỳ 2: Doanh nghiệp MSME trên hành trình bứt phá về chuyển đổi số

08:56 | 10/10/2023

(Xây dựng) - Với tỉ lệ hơn 90% trong cơ cấu kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) cần có những giải pháp đặc thù để chuyển đổi số thành công.

Kỳ 2: Doanh nghiệp MSME trên hành trình bứt phá về chuyển đổi số
Chuyển đổi số hướng đến thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh của một tổ chức, bao gồm cách vận hành nội bộ và xa hơn là hệ sinh thái mà tổ chức đó thuộc về.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), khoảng hơn 90% doanh nghiệp MSME chưa thực sự hiểu biết về chuyển đổi số và tầm quan trọng của chuyển đổi số, hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu. Ngoài hạn chế về mặt nhận thức, MSME gặp nhiều khó khăn cản trở quy trình chuyển đổi số của họ, bao gồm vấn đề về tài lực, nhân lực có kĩ năng số, năng lực quản trị, bảo mật thông tin…

MSME ở các vùng xa còn gặp hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng internet – “khoảng cách số” – hoặc chi phí vận hành cao hơn ngăn cản họ tiếp cận cơ hội kinh doanh. Hành trình chuyển đổi số cho MSME cần được thực hiện khéo léo để đem lại tính hiệu quả cao, song song với việc giảm thiểu rủi ro thất bại và gây tổn thất tài chính vốn đã hạn hẹp của tổ chức.

Khuyến nghị chuyển đổi số cho MSME

Qua bài chia sẻ tại nhiều hội nghị chuyển đổi số ở các tỉnh thành, Tiến sỹ Đặng Phạm Thiên Duy - Giảng viên cấp cao, Chủ nhiệm cấp cao chương trình Tiến sỹ, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam khuyến nghị chủ doanh nghiệp MSME thực hiện chuyển đổi số nên bắt đầu bằng việc đánh giá kỹ lưỡng và sâu sắc hiện trạng tổ chức của họ, bao gồm tư duy số của chính bản thân lãnh đạo, nhằm có thông tin đầy đủ để lập lộ trình chuyển đổi hợp lý.

Tư duy số ở đây được định nghĩa bằng sự kết hợp của tư duy kinh doanh (khả năng ra quyết định và mạo hiểm), tư duy thị trường (khả năng thấu hiểu khách hàng và thiết kế sản phẩm phù hợp) và tư duy học hỏi (khả năng cởi mở đón nhận cái mới và thử thách cái cũ). Cả ba loại tư duy này cần hiện hữu cùng lúc để người chủ doanh nghiệp MSME có thể ra quyết định và chèo lái hành trình chuyển đổi số của tổ chức mình.

Hiểu rõ được tư duy số của chủ doanh nghiệp là quan trọng vì một lợi thế đặc biệt của MSME chính là khả năng ra quyết định và chuyển biến nhanh nhẹn, đặc biệt khi chủ doanh nghiệp là người nắm quyền kiểm soát vận hành và có mối quan tâm mạnh mẽ về sự thành công của doanh nghiệp mình.

Bên cạnh đó, việc đánh giá hiện trạng tổ chức của MSME nên tập trung vào ba loại năng lực quan trọng, bao gồm năng lực cảm nhận (hiểu rõ được tình hình nội bộ cũng như nắm bắt được các cơ hội trong thị trường), năng lực nắm bắt cơ hội chuyển đổi số và năng lực chuyển đổi.

Khi phát triển ba loại năng lực này, MSME có thể thực hiện tốt các hoạt động cần thiết cho chuyển đổi số, ví dụ như thực hiện kiểm toán nội bộ để xác định hạ tầng kĩ thuật của tổ chức, mở rộng mối quan hệ qua các hoạt động giao lưu kết nối, xác định các hoạt động kinh doanh nào là cốt lõi và hoạt động nào nên thuê ngoài, và tiến hành thử nghiệm các dự án chuyển đổi số nhanh và nhỏ thay vì các dự án lớn và tốn nhiều tài nguyên.

Nhìn chung, Tiến sỹ Đặng Phạm Thiên Duy khuyến nghị MSME tại Việt Nam nên xác định rõ trọng tâm của chuyển đổi số là một hành trình hướng vào phát triển tư duy số và các năng lực quan trọng của tổ chức, thay vì nhắm vào việc ứng dụng các công nghệ đột phá mà không có lộ trình phù hợp – khiến tổ chức chuyển đổi không đồng bộ hoặc bị thất bại, gây thất thoát ngân sách không đáng có.

MSME có thể chia hành trình chuyển đổi số của tổ chức mình thành ba giai đoạn đơn giản, bao gồm: Số hóa quy trình (digitalisation) nhằm tối ưu hóa chi phí vận hành (ví dụ: triển khai công nghệ thanh toán không tiền mặt, dùng QR code, phần mềm tính tiền…); số hóa dịch vụ/sản phẩm (digitisation) nhằm tăng doanh thu (ví dụ: mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, phân tích dữ liệu khách hàng…); số hóa mô hình kinh doanh nhằm tạo tác động đột phá trong thị trường bằng cách thống nhất các giải pháp số của tổ chức.

Lấy hệ sinh thái làm trọng tâm

Ngoài các lợi thế đã nhắc đến, MSME còn có thể nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền và đơn vị chuyên môn, cũng như từ khách hàng và đối tác ở địa phương.

Quyết định 749/QĐ-TTg về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra các mục tiêu cụ thể và rõ ràng, xác định ý muốn huy động toàn bộ nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, và xã hội số. Thông qua quyết định này, các dự án hỗ trợ chuyển đổi số cho MSME đã và đang được thực hiện bởi Chính phủ và các hiệp hội chuyên ngành. Các đơn vị nghiên cứu và giáo dục, bao gồm RMIT Việt Nam, cũng tham gia đóng góp vào quá trình chuyển đổi số quốc gia này.

Ngoài ra, Tiến sỹ Đặng Phạm Thiên Duy cũng khuyến nghị MSME không chỉ lấy khách hàng làm trọng tâm khi số hóa, mà nên mở rộng phạm vi ra để phát triển năng lực thấu hiểu và tương tác hiệu quả với các thành viên bên trong hệ sinh thái số của mình.

Điều này bao gồm khả năng hiểu được các mối quan tâm và khó khăn của những người đồng hành cùng MSME trong quá trình chuyển đổi số, như là các đơn vị chính quyền, đối tác kinh doanh, đối thủ cạnh tranh, hội ngành và đơn vị nghiên cứu/giáo dục, cộng đồng xã hội, bên cạnh khách hàng của mình.

Từ đó, MSME có thể lên kế hoạch hợp tác, tận dụng nguồn lực và hỗ trợ của các thành viên hệ sinh thái này, cũng như thực hiện các hành động nhằm lan tỏa tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của quá trình số hóa lên trên hệ sinh thái số.

Chẳng hạn, quá trình số hóa của MSME có thể tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giảm thiểu tác động xấu lên môi trường (ví dụ: Hạn chế việc phá rừng bằng cách tạo việc làm mới/thay thế cho người dân bản địa), hoặc lan tỏa thông tin về sản phẩm và du lịch địa phương xa và rộng hơn bằng cách tham gia các nền tảng thương mại điện tử hoặc mạng xã hội...

Như vậy, chuyển đổi số lấy hệ sinh thái làm trọng tâm không chỉ có khả năng làm tăng tính hiệu quả kinh tế bền vững cho MSME và tổ chức thực hiện chuyển đổi số, mà còn có thể đóng góp vào tính bền vững xã hội mà Liên hợp quốc và toàn thế giới hiện đang rất quan tâm.

Ánh Dương (ghi)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load