(Xây dựng) - Chiều 3/1, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ để thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 12 và cả năm 2022.
Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022. |
Buổi họp báo diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, hôm nay, trong không khí phấn khởi cả nước vừa thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2022, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022.
"Đây là Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023", Bộ trưởng Trần Văn Sơn nói.
Hội nghị vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo.
GDP năm 2022 đạt mức tăng cao nhất giai đoạn 2021 – 2022
Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022, nền kinh tế nước ta chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm. Trong bối cảnh đó, cả nước đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Những kết quả đạt được của năm 2022 cao hơn năm 2021 là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Báo cáo và thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu thống nhất: Trong bối cảnh thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn, phức tạp hơn, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội để chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, bài bản, khoa học, linh hoạt, kịp thời trên các lĩnh vực. Nhờ đó, kinh tế - xã hội nước ta năm 2022 có nhiều khởi sắc, tiếp tục phục hồi tích cực và tăng trưởng cao, đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đến năm 2022 ước đạt 1.784,8 nghìn tỷ đồng, bằng 126,4% dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 156,2 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán.
Ước giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước đến 31/12/2022 là 435.689,97 tỷ đồng, đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với năm 2021, tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân cao hơn 79.111,13 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 22%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2022 ước tính tăng 7,69% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 8,10%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,45%; ngành khai khoáng tăng 5,19%.
Tính chung năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2021, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%); trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.475,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 578,7 nghìn tỷ đồng, tăng 52,55%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 24,5 nghìn tỷ đồng, tăng 271,5%.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 ước tính đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021, trong đó: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4%.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chỉ ra các giải pháp tháo gỡ thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh. |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về giải pháp cùng các địa phương giúp doanh nghiệp tháo gỡ, tránh việc chậm trễ trong cấp giấy phép đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Về vấn đề hiện nay nhiều doanh nghiệp đang chật vật với những thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; không ít doanh nghiệp có "đốc" nhưng cũng không được cấp phép xây dựng và phải chờ đợi rất lâu, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy đầu tư các dự án nhà ở nói chung, trong đó có các dự án nhà ở xã hội. Qua đó nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Thứ nhất, sửa đổi các quy định pháp luật, trong đó Chính phủ đã sửa đổi một số điều tại Nghị định 100 về đầu tư phát triển nhà ở xã hội; Nghị định 49 cũng đã sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, làm rõ các quy định theo hướng dễ thực hiện. Tại Nghị định 49 năm 2021, Chính phủ cũng đã quy định các trình tự thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Theo đó, một dự án đầu tư nhà ở xã hội gồm 3 bước.
Một là chuẩn bị đầu tư gồm các thủ tục liên quan đến việc dành quỹ đất, giao đất, tính tiền sử dụng đất; các vấn đề các thủ tục trình tự đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư cũng như các bước liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án.
Bước hai là thực hiện các dự án đầu tư và bước ba liên quan đến kết thúc nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ cũng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tại Thông báo Kết luận số 242 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ của các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương phải tích cực triển khai thực hiện các dự án nhà ở, bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.
Chúng ta đã biết, hiện nay theo các quy định pháp luật, việc thực hiện dự án đầu tư này đã được phân cấp và giao cho các địa phương toàn quyền quyết định thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin thêm: Liên quan đến nhà ở xã hội, có Nghị định 100, Nghị định 49 tháo gỡ cho các địa phương cũng như các chủ đầu tư nhà ở xã hội, cho cả người mua, cho cả các tổ chức tín dụng.
Vừa qua, Chính phủ có chương trình một triệu căn nhà ở xã hội, đưa ra một số giải, có giải pháp then chốt, quyết định để chúng ta xây dựng đúng tiến độ một triệu căn nhà ở xã hội.
Xây dựng nhà ở xã hội thì quỹ đất rất quan trọng, trước đây cũng thế, bây giờ cũng thế và sau này cũng thế. Nhưng có quỹ đất rồi lại phải gắn với hạ tầng xã hội: Trường học, nhà trẻ… Vừa qua đã sửa các Nghị định, quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp thì quy hoạch phải đồng bộ, có hạ tầng. Kèm theo đó là các giải pháp như vấn đề đền bù, vấn đề lãi suất cho cả nhà đầu tư, cho cả người mua.
Bộ Công Thương: Không điều chỉnh giá điện như giá xăng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Bộ Công Thương sẽ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định để việc điều chỉnh giá điện hợp lý. |
Liên quan đến câu hỏi của báo chí về đề nghị cơ chế điều chỉnh giá điện như giá xăng dầu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Đối với giá xăng dầu, theo Nghị định số 95/2021/NQ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, hiện nay giá xăng dầu được điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày, vào ngày 1, 11 và 21 hằng tháng.
Theo ý kiến của người tiêu dùng, doanh nghiệp, các chuyên gia và lãnh đạo các cấp, Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83, trong đó có tính đến phương án điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ ngắn hơn (dưới 10 ngày) và lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng liên quan theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.
Liên quan kiến nghị của EVN, tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện trong năm, theo đó hàng quý EVN cập nhật chi phí phát điện của quý trước liền kề, dự kiến thông số đầu vào của khâu phát điện của các quý còn lại trong năm để tính toán lại giá bán lẻ điện bình quân.
Nếu thông số đầu vào trong khâu phát điện thay đổi, làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.
Như vậy, quy định hiện hành đã có cơ chế đảm bảo giá điện theo sát với giá đầu vào, đảm bảo phản ánh biến động giá trên thị trường vào giá bán lẻ điện bình quân.
Tuy nhiên, giá điện có đặc trưng khác với giá xăng dầu. Chi phí sản xuất kinh doanh điện có sự phụ thuộc cao vào các mùa trong năm là mùa mưa và mùa khô.
Vào giai đoạn mùa mưa, lượng nước về các hồ thủy điện nhiều, các nhà máy thủy điện (có chi phí phát điện thấp) được huy động điều độ phát nhiều, dẫn đến tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện thấp hơn so với trong mùa khô khi phải huy động nhiều hơn các nguồn nhiệt điện có giá đắt hơn do nhà máy thủy điện không có đủ lượng nước để phát nhiều, đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và nhu cầu của người dân.
Chính vì vậy, trong Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg đã quy định rất rõ thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, để phản ánh sự biến động khách quan của chi phí nêu trên. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, lần điều chỉnh giá điện gần nhất vào ngày 20/3/2019. Như vậy, đến tháng 3/2023 sẽ là 4 năm giá điện chưa được điều chỉnh.
Ngoài ra, do giá điện có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, nên việc điều hành giá điện cần phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và đánh giá đầy đủ tác động. Tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định rõ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.
Trong giai đoạn vừa qua, thế giới chứng kiến sự biến động khó lường của giá năng lượng, giá điện tăng cao ở nhiều nước trên thế giới, một số quốc gia đã phải cắt giảm điện luân phiên. Bên cạnh đó, tác động cộng hưởng của căng thẳng địa chính trị tại châu Âu, biến động tỷ giá giữa đồng USD và nhiều đồng tiền khác, áp lực của lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh điện nói riêng và chi phí sản xuất kinh doanh nói chung trên toàn cầu, đã tác động mạnh làm giá điện tăng cao ở nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, tại một số quốc gia, giá điện đã tăng gấp nhiều lần.
Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, số liệu thống kê cho thấy giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện bình quân 10 tháng đầu năm 2022 tăng hơn 150% so với bình quân năm 2021, giá than trộn trong nước cho đến hết quý III năm 2022 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đã tăng so với đầu năm khoảng hơn 50%.
Những điều này đã làm cho chi phí sản xuất và mua điện tăng cao so với dự kiến đầu năm.
Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý phương án đề xuất của EVN theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện trên cơ sở đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, đầy đủ tác động đến lạm phát và đặc biệt là đời sống người dân đang còn gặp nhiều khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh vừa qua và trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường trong thời điểm hiện nay.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương sẽ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định để việc điều chỉnh giá điện hợp lý, hạn chế tác động ở mức thấp nhất đến kinh tế - xã hội và đời sống người dân khi điều chỉnh.
Phấn đấu kết thúc điều tra vụ Việt Á trong quý 1/2023
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an. |
Trả lời báo chí về vụ Việt Á và vụ “chuyến bay giải cứu” liên quan đến Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã đến hồi kết hay chưa?, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Về vụ Việt Á cơ quan điều tra sẽ cố gắng phấn đấu kết thúc điều tra trong quý 1/2023. Số tiền đã kê biên phong toả và các bị can nộp để khắc phục hậu quả vụ Việt Á hiện nay là 1.670 tỷ đồng, còn vụ giải cứu là 80 tỷ đồng và rất nhiều khả năng số bị can còn tăng trong thời gian tới.
Liên quan đến các sai phạm trong đăng kiểm tại các tỉnh phía Nam, nhận lót tay để bỏ qua các sai phạm, vậy sắp tới Bộ Công an sẽ mở rộng điều tra ra sao?, ông Xô cho biết, mấy tuần qua Công an Thành phố Hồ Chí Minh và các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện đấu tranh làm rõ các hành vi sai phạm tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tại một số trung tâm kiểm định cơ giới trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Giang, Bắc Ninh và chắc sẽ còn thêm nữa.
Theo ông Xô, riêng Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khám xét 12 trung tâm kiểm định, khởi tố 6 vụ án, 43 bị can với các tội danh đưa hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác để bỏ qua các lỗi vi phạm trong kiểm tra, hoặc cho thuê phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo quy chuẩn, xe vào lốp mòn quá thì chỉ thay lốp hoặc các phụ tùng khác, nộp tiền xong ra là đảm bảo tiêu chuẩn. Và sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi các thông số kiểm định khí thải.
Theo ông Xô, sơ bộ ước tính hơn 70 nghìn phương tiện cơ giới được kiểm định theo dạng “làm luật” như thế này. Các trung tâm kiểm định tự cấp 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Như vậy tiền thu lợi bất chính hàng khoảng chục tỷ đồng. Và hiện cơ quan điều tra đang điều tra mở rộng.
Ông Xô cũng cho biết, có một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lập ra danh sách kiểm định viên để hợp thức hoá các quy định của Chính phủ về dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Quy định phải có 3 kiểm định viên, nhưng họ không có ai, thậm chí có giám đốc 1 trung tâm kiểm định khi bị bắt, cơ quan điều tra đề nghị viết lời khai thì không viết được, không biết chữ, không viết, không đọc được. Hỏi thì họ khai là học đến lớp 3 cách đây 50 năm.
“Vậy mà để một người như vậy làm giám đốc trung tâm kiểm định. Liều lĩnh như thế. Những hành vi trên làm cho việc giám sát chất lượng số lượng phương tiện an toàn giao thông và môi trường bị ảnh hưởng, xâm phạm đến hoạt động của cơ quan nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng, gây thiệt hại tài sản cho người dân, gây dư luận xấu cho xã hội, gây nguy cơ mất an toàn cho người dân. Chúng tôi coi những hành vi trên là loại virus Việt Á trong kiểm định phương tiện giao thông. Bộ Công an đang tích cực triển khai các biện pháp để ngăn chặn virus này trên phạm vi toàn quốc. Như vậy số bị can sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới”- ông Xô nói.
Vũ Chiến
Theo