Thứ hai 23/12/2024 07:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

Kinh tế Trung Quốc chưa thể 'bật dậy' vì khủng hoảng nhà đất

11:19 | 27/11/2021

Xuất khẩu phục hồi đã giúp Trung Quốc bù đắp phần nào sự sụt giảm trong ngành bất động sản. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để nền kinh tế thứ hai thế giới bật dậy.

Theo Bloomberg, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục đà giảm trong tháng 11. Doanh số bán xe và nhà chậm lại do cuộc khủng hoảng nhà đất kéo dài.

Xuất khẩu tăng mạnh giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản. Theo khảo sát của Standard Chartered Plc, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cho các nhà sản xuất nhỏ tại Trung Quốc đã tăng vọt trong tháng 11.

Theo khảo sát, các công ty xuất khẩu tại Trung Quốc kỳ vọng doanh số, sản lượng và đơn đặt hàng mới sẽ tăng nhanh hơn vào 3 tháng tới. Tuy nhiên, khảo sát chỉ ra nhu cầu trong nước đã lao dốc.

kinh te trung quoc chua the bat day vi khung hoang nha dat
Bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp này đã đóng góp vào đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế thứ 2 thế giới. Ảnh: Reuters.

Kinh tế lao dốc

Chỉ số phụ theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng. Nguyên nhân là tăng trưởng sản xuất và đơn hàng mới giảm tốc, mặc dù số lượng đơn hàng xuất khẩu mới phục hồi mạnh mẽ.

Dự trữ thép cây đang ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2021. Nguyên nhân là sản lượng thép và xây dựng tiếp tục chậm lại. Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã hạn chế các hoạt động xây dựng và thị trường kim loại.

Theo giới quan sát, bất chấp tăng trưởng giảm tốc, Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản trong năm 2022, thậm chí hơn thế nữa. Các ngân hàng như Goldman Sachs Group Inc., Nomura Holdings Inc. và Barclays Plc đã đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Chính quyền Bắc Kinh đã rất nghiêm túc khi tuyên bố rằng khác với các đợt suy thoái trước đây, họ sẽ ngừng sử dụng ngành công nghiệp bất động sản để kích thích nền kinh tế.

"Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 7,1% trong năm nay xuống 4,3% vào năm 2022. Điều đó có thể làm giảm tăng trưởng GDP thế giới khoảng 0,5 điểm phần trăm

Ông Rob Subbaraman, nhà kinh tế trưởng của Nomura

Các quan chức Bắc Kinh cho rằng nguồn cung nhà ở dư thừa là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định kinh tế. Họ cũng muốn đẩy mạnh đầu tư vào những lĩnh vực như sản xuất công nghệ cao, thay vì nhà đất.

Ông Rob Subbaraman - nhà kinh tế trưởng của Nomura - dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 7,1% trong năm nay xuống 4,3% vào năm 2022. "Điều đó có thể làm giảm tăng trưởng GDP thế giới khoảng 0,5 điểm phần trăm", ông bình luận.

"Bắc Kinh sẵn sàng hy sinh tăng trưởng ngắn hạn để có được sự ổn định lâu dài hơn", ông Subbaraman nhận xét.

Theo chuyên gia Rosealea Yao của Gavekal Dragonomics, thông báo mới của Bắc Kinh về việc thử nghiệm đánh thuế bất động sản có thể ảnh hưởng nặng nề hơn nữa tới tâm lý người mua nhà.

Bắc Kinh chưa vội tung gói kích thích kinh tế

Bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp này đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này.

Các hoạt động xây dựng đã góp phần vào sự phục hồi nhanh chóng của Trung Quốc sau đại dịch. Nhưng lĩnh vực bất động sản bắt đầu chao đảo sau khi Bắc Kinh thắt chặt việc cho vay. Những nhà phát triển nợ nần như China Evergrande trượt tới bờ vực sụp đổ.

Tuần này, Bắc Kinh đã kêu gọi các chính quyền địa phương đẩy mạnh bán trái phiếu và sử dụng tiền như một công cụ thúc đẩy cơ sở hạ tầng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng.

Giá quặng sắt đã tăng cao trong những ngày qua. Động lực là kỳ vọng về việc nhu cầu và sản lượng thép sẽ phục hồi vào cuối năm. Tuy nhiên, các chính quyền địa phương vẫn chật vật tìm dự án tốt để đầu tư.

kinh te trung quoc chua the bat day vi khung hoang nha dat
Các cơ quan quản lý Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ biện pháp kích thích quy mô lớn hoặc chi tiêu bổ sung nào. Ảnh: Reuters.

Cho đến nay, ngân hàng trung ương và các chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra bất cứ biện pháp kích thích quy mô lớn hoặc chi tiêu bổ sung nào.

"Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại đáng kể, còn các gói kích thích kinh tế vẫn chưa được tung ra", các nhà kinh tế Tom Orlik và Bjorn Van Roye của Bloomberg bình luận.

Những chính sách thúc đẩy tăng trưởng sẽ đẩy giá lên cao. Ở chiều ngược lại, các chính sách nhằm kìm hãm lạm phát, chẳng hạn nâng lãi suất, có thể cản trở tăng trưởng hơn nữa.

Theo dữ liệu của Bloomberg Economics, lạm phát tại nhà máy của Trung Quốc không có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát giá than tăng cao.

Theo dữ liệu chính thức, chỉ số giá sản xuất trong tháng 10 đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/1995. Đà tăng giúp các nhà sản xuất năng lượng thu lời lớn. Nhưng điều này cũng làm giảm tỷ suất lợi nhuận của những doanh nghiệp khác, đồng thời dẫn tới tình trạng thiếu điện.

Theo Thảo Phương/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load