Thứ bảy 09/11/2024 04:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

Kinh nghiệm quốc tế về hạ tầng xanh

15:25 | 20/10/2020

(Xây dựng) - Hiện môi trường sống ở mọi nơi, nhất là tại các thành phố lớn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ô nhiễm môi trường đang làm giảm chất lượng sống của toàn bộ cộng đồng và làm biến đổi các đặc điểm thiên nhiên cơ bản, đe dọa tính sống còn của hệ sinh thái địa cầu. Quy hoạch hạ tầng xanh phải được hiện diện như một hợp phần được tích hợp trong quy hoạch không gian. Dưới đây là một số kinh nghiệm quy hoạch hạ tầng xanh trên thế giới:

kinh nghiem quoc te ve ha tang xanh

Tại Pháp

Ở Pháp, Luật Cảnh quan xanh đã tồn tại từ năm 1993 - công cụ pháp lý đầu tiên dành cho chủ đề bảo vệ và tăng cường chất lượng các khu vực cảnh quan xanh. 29 năm sau, luật tiếp cận nhà ở và cải tạo đô thị (viết tắt là ALUR) ra đời, đã tăng cường tính phương pháp để các quan tâm cảnh quan xanh đi vào quy trình lập quy hoạch. Với Luật ALUR, mục tiêu của quy hoạch cảnh quan xanh được mở rộng. Việc lập quy hoạch có nghĩa vụ bảo tồn và nâng cao chất lượng cảnh quan xanh trong phạm vi toàn quốc. Luật ALUR đã thống nhất cách hiểu về cảnh quan xanh trong hệ thống quy hoạch. Đối với quy hoạch vùng tỉnh, Điều L122-1-4 của Luật ALUR yêu cầu đồ án phải thể hiện việc "sử dụng tiết kiệm các vùng tự nhiên, bảo vệ các khu vực bị ảnh hưởng bởi hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và bảo vệ các khu vực cảnh quan thiên nhiên".

Đối với quy hoạch đô thị và khu dân cư, Điều L123-1 của Luật ALUR quy định rằng quy hoạch phải đưa ra các hướng dẫn để có thể xác định hành động cần thiết để tăng chất lượng cường môi trường, cảnh quan. Ngoài ra, quy hoạch cần "xác định và định vị các khu vực cảnh quan xanh, cùng các yêu cầu tương ứng để đảm bảo sự bảo vệ của chúng".

Để tuân thủ những quy định này, nghiên cứu cảnh quan xanh đã trở thành một trong những định hướng khung cho việc phát triển ý tưởng quy hoạch đô thị. Kiến trúc sư cảnh quan và các chuyên gia môi trường phải tham gia trong các khâu thiết kế, định hướng không gian, xây dựng quy định pháp lý, lập chương trình phát triển. Đó là cách làm mới yêu cầu tích hợp trong suốt quá trình lập quy hoạch và quản lý phát triển.

Gần đây, Pháp có kế hoạch đầu tư cho hạ tầng xanh với chi phí 100 tỷ Euro bao gồm cả dự án xây dựng mạng lưới đường sắt quốc gia. Gần 1/3 tổng chi phí sẽ dành riêng cho năng lượng bền vững và giao thông. Chính quyền quốc gia này tin tưởng chắc chắn rằng cơ sở hạ tầng xanh sẽ hỗ trợ nền kinh tế quốc gia, xây dựng lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19...

Hàn Quốc

Seoul của Hàn Quốc là một hình mẫu về cải tạo hạ tầng xanh. Trong vòng 30 năm, Seoul liên tục thực hiện các dự án cải tạo cấu trúc đô thị, phát triển không gian công cộng và cung cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tăng cường cây xanh. Nhiều công viên lớn được xây dựng dọc theo hai bên bờ sông Hàn nhằm sửa chữa những sai lầm trong quy hoạch trước đây. Tính đến nay, 40 km dọc đôi bờ sông Hàn có 12 công viên lớn bao gồm hồ nước, đảo chim, rừng cây cổ thụ, sở thú...

Tận dụng mọi không gian để trồng cây, chính quyền Seoul cũng đã biến một cây cầu vượt cũ được xây dựng vào năm 1970 thành một công viên trên cao rất ấn tượng. Công viên có tên Seoullo 7017 với hơn 24 nghìn cây xanh. Trong tương lai, khu vực này dự kiến sẽ được xây dựng thành một nơi ươm mầm xanh cho Seoul. Từ năm 2014 đến nay, chính quyền và người dân đã trồng được 15 triệu cây xanh. Dự kiến đến năm 2022, 15 triệu cây xanh nữa sẽ được trồng cùng với việc mở thêm 2 khu rừng lớn ở phía Bắc và Nam Thủ đô nhằm giảm khói bụi.

Lượng cây xanh nói trên có thể tạo ra được lượng oxy đủ cho 21 triệu người trưởng thành mỗi năm. Từ chỗ phải hứng chịu hậu quả do theo đuổi mục tiêu tăng trưởng “nóng” mà bỏ qua yếu tố môi trường, ngày nay, chính quyền và người dân Seoul hiểu rất rõ ý nghĩa và giá trị của không gian xanh đối với sức khỏe và cuộc sống. Từ “ngộ” dẫn đến “hành động mạnh” và kết quả ngày nay như chúng ta thấy, Hàn Quốc nằm trong số top các quốc gia có hạ tầng xanh của thế giới.

Nỗ lực của Liên minh châu Âu hỗ trợ ASEAN thúc đẩy hạ tầng xanh

Liên minh châu Âu (EU) cho biết đang trong tiến trình chuẩn bị hỗ trợ Cơ chế xúc tiến tài chính xanh (ACGF) thuộc Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN 50 triệu Euro nhằm giúp Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á xúc tiến tài chính công, tư cho các dự án cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, khí hậu.

ACGF có nhiệm vụ hỗ trợ ASEAN về kỹ thuật, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các nước trong khu vực tiếp cận các khoản vay cho những dự án hạ tầng cơ sở tập trung vào năng lượng tái tạo, giao thông đô thị bền vững, hệ thống nước, hệ thống vệ sinh, cũng như những dự án nông nghiệp chống chịu tốt với sự thay đổi của khí hậu.

Trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á đang cần khoản tài trợ 10 tỷ USD hằng năm để đáp ứng nhu cầu hạ tầng, Trưởng đơn vị ACGF khu vực Đông Nam Á của ADB cho biết, hỗ trợ thông qua Cơ sở tài chính xanh ASEAN sẽ giúp các quốc gia thành viên của khu vực chống lại biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí, đất và nước cũng như cải thiện năng lực bảo vệ môi trường.

Khánh Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load