(Xây dựng) – Công tác quy hoạch xây dựng có vai trò rất quan trọng đối với nhiệm vụ phòng chống bão lũ và Việt Nam có thể học tập rất nhiều kinh nghiệm từ các nước thường xuyên phải đối mặt với thiên tai như Mỹ, Nhật Bản hay Philippines.
Thạc sỹ, kiến trúc sư Hoàng Thị Hương Giang đánh giá công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng để phòng chống bão lũ (Ảnh: Hữu Mạnh). |
Kinh nghiệm phòng chống bão lũ trên thế giới
Thiên tai bão lũ xảy ra ở rất nhiều nước trên thế giới và một số nước thậm chí còn chịu hậu quả nặng nề hơn Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Indonesia… Do đó, nước ta hoàn toàn có thể học tập kinh nghiệm từ các nước thường xuyên phải hứng chịu những cơn bão lớn.
Kinh nghiệm đầu tiên là hoàn thiện thể chế, xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ từ bảo vệ môi trường cho đến phòng chống thiên tai, trong đó có những quy định về xây dựng.
Từ năm 1988, Mỹ đã thông qua Đạo luật Stanford quy định rõ trách nhiệm của chính quyền hạt, quận, bang, liên bang và việc phối hợp lực lượng trong cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai. Trong khi đó, Nhật Bản đã xây dựng các luật về bảo vệ môi trường tự nhiên, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai từ những năm 60 thế kỷ trước.
Kinh nghiệm thứ 2 là thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng. Chuyện này rất quan trọng khi áp lực xây dựng thêm nhà ở, nhà máy xí nghiệp và cơ sở hạ tầng phuc vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng trong bối cảnh quỹ đất liên tục bị thu hẹp. Nhiều nước thậm chí đã phải tính đến phương án quy hoạch ngay tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Ví dụ nước Anh đang có Tài liệu hướng dẫn chính sách quy hoạch (PPG) nhằm đánh giá những nơi có địa chất không ổn định để hạn chế cấp giấy phép xây dựng, hoặc tránh tập trung các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, Australia đã xây dựng Sổ tay về quản lý thảm họa lũ quét và lở đất nhằm đưa ra quy định về quy hoạch, quản lý đất đai tại những khu vực có nguy cơ cao.
Đoàn công tác Bộ Xây dựng thị sát bờ kè biển Vinh Hải, tỉnh Thừa Thiên – Huế vào tháng 11/2020 (Ảnh: Ngọc Hà). |
Kinh nghiệm thứ 3 là tăng cường khuyến cáo người dân ở trong khu vực có nguy cơ. Hiện nay, các cơ quan ứng phó với tình huống khẩn cấp của một số nước như Mỹ, Anh… đều khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo bão, lũ thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Ngoài ra, quân đội nhiều nước cũng rất tích cực tham gia ứng phó với thiên tai.
Giải pháp cho từng vùng ở Việt Nam
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình bão lũ trong những năm qua ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường theo chiều hướng tiêu cực. Các hiện tượng thời tiết bất thường như siêu bão, lũ quét, lũ chồng lũ… ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Hà Lan đang áp dụng chương trình “Room for the River” để nâng cao khả năng chứa nước và giảm mức đỉnh lũ trên dòng sông Rhine (Ảnh: Dutch Water Sector). |
Đứng trước tình hình này, công tác quy hoạch xây dựng đóng vai trò rất quan trọng để phòng chống và hạn chế hậu quả của bão lũ. Theo Thạc sỹ, kiến trúc sư Hoàng Thị Hương Giang (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia) các cơ quan quy hoạch cần chú ý một số điểm để làm tốt công tác phóng tránh bão lũ.
Thứ nhất, công tác xây dựng quy hoạch tổng thể cần đánh giá trên quy mô cấp vùng vì bão lũ sẽ không chỉ ảnh hưởng đến một địa phương. Thứ hai là lựa chọn không gian phát triển đô thị và chọn đất xây dựng hợp lý. Thứ ba là chọn hình thái, cấu trúc và mô hình phát triển đô thị phù hợp.
Thứ 4 là chọn cao độ xây dựng khống chế cho đô thị chuẩn xác. Thứ 5 là thiết kế hệ thống tiêu thoát nước đô thị hợp lý. Thứ 6 là xây dựng các hình thức cảnh báo sạt lở, xói mòn, động đất... Thứ 7 là phối hợp liên ngành chặt chẽ để đề xuất các công trình đầu mối nhằm phòng chống thiên tai hiệu quả và kết hợp phương án tiêu cho đô thị với tiêu thủy lợi.
Vì bão lũ, sạt lở, lụt lội… sẽ gây ra ảnh hưởng khác nhau ở từng vùng nên các giải pháp của mỗi khu vực sẽ khác nhau.
Vùng đồng bằng trung du Bắc bộ vốn có địa hình bằng phẳng và chế độ nước lũ khá hài hòa. Do đó, biện pháp chủ yếu tại đây là xây đê chống lũ, chọn cao độ xây dựng cao hơn mức nước lũ đỉnh và xây dựng hệ thống thoát nước hoàn chỉnh kết hợp với hệ thống tiêu thoát thuỷ lợi của vùng.
Ngoài ra, vùng này cũng nên phát triển diện tích rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn để giảm lũ, điều tiết dòng chảy bằng các biện pháp tự nhiên. Một giải pháp khác là quy hoạch khu dân cư và các công trình hạ tầng cơ sở ở vùng bãi sao cho đảm bảo khả năng thoát lũ của các dòng sông.
Trong khi đó, lũ lụt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu phụ thuộc vào lũ thượng nguồn sông Mê Kông, mưa nội đồng và thủy triều của biển Đông. Với những điều kiện như vậy, công tác quy hoạch xây dựng của vùng cần chú ý 2 điểm chính.
Một là phát triển mở rộng đô thị ở vùng đất cao, hạn chế xây dựng sát bờ sông để tránh sạt lở và khuyến khích xây dựng nhà cao tầng để tiết kiệm đất, chống lũ. Hai là áp dụng giải pháp đắp nền đối với các đô thị ngập dưới 2m và bao đê, khoanh vùng hoặc thậm chí là sống chung với lũ đối với các vùng ngập trên 2m.
Đối với Tây Nguyên, vùng này thường xảy ra lũ quét, lũ bùn đá khi có mưa lớn. Do đó, giải pháp phòng tránh lũ lụt chủ yếu ở đây là đánh giá quỹ đất xây dựng nghiêm túc, phân vùng nguy cơ; đầu tư củng cố các tuyến đê bảo vệ các đồng bằng ven sông; bảo vệ và phát triển tầng phủ rừng để giảm lũ và cải thiện nguồn nước mùa kiệt; nghiên cứu bố trí hồ điều tiết và quy hoạch các khu tái định cư cho những vùng bị lũ nặng nề.
Dĩ nhiên, miền Trung vẫn là khu vực hứng chịu thiên tai khắc nghiệt nhất nước ta vì có địa hình chia cắt mạnh, sông suối ngắn, dốc và chịu ảnh hưởng của khí hậu Đông Trường Sơn. Các dạng lũ điển hình tại đây là lũ quét, lũ sông với tốc độ nhanh và mạnh. Tuy nhiên, lũ rút cũng rất nhanh và chỉ ngập dài ngày hơn tại các vùng đồng bằng nhỏ hẹp ven biển và cửa sông.
Đối với khu vực này, những biện pháp cơ bản để phòng tránh lũ lụt chủ yếu là mở rộng các lòng sông thoát lũ, tăng cường khả năng thoát lũ ở cửa sông nhờ nạo vét, cải tạo, nắn dòng chảy…; xây dựng hệ thống các hồ chứa cắt lũ trên lưu vực sông; xây dựng, mở rộng khẩu độ các cầu, cống và xây dựng hệ thống cầu cạn.
Từng vùng ở Việt Nam sẽ có những giải pháp khác nhau để phòng chống bão lũ dựa theo đặc điểm của vùng (Ảnh: VGP/Nhật Bắc). |
Bên cạnh đó, các tỉnh miền Trung cũng phải quan tâm quy hoạch các khu tái định cư để di dân các vùng thường xuyên bị ngập lũ; xây dựng công trình đê bao, đê khoanh vùng để bảo vệ các khu dân cư và công trình trọng điểm; tôn nền các khu vực dự kiến xây mới tới cao độ ứng với quy chuẩn cho từng cấp đô thị; nghiên cứu mô hình đô thị phù hợp để tận dụng quỹ đất thuận lợi cho xây dựng hạn hẹp và thoát lũ tốt.
Trong khi đó, các thành phố ven biển chủ yếu chịu ảnh hưởng của nước biển dâng nên khi xây dựng cần quan tâm đến chế độ thuỷ triều, nước dâng trong gió bão và kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Dịch Phong
Theo