(Xây dựng) – Ngày 14/4, tại huyện đảo Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Kiên Giang về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch năm 2017 và một số kiến nghị của tỉnh liên quan đến các kiến nghị, đề xuất hình thành phát triển đặc khu kinh tế Phú Quốc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2016 tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2016 tăng 6,57% so với cùng kỳ năm 2015. Huy động vốn cho đầu tư phát triển đạt khá, đặc biệt là thu hút và giải ngân vốn đầu tư tư nhân. Đầu tư toàn xã hội tăng 5,3%, thu hút thêm 38 dự án đầu tư mới, tăng 26,6%, vốn đăng ký trên 18.000 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước nâng tổng dự án đầu tư toàn tỉnh lên 690 dự án. Tổng vốn đăng ký 451,166 tỷ đồng trong đó vốn FDI 40 dự án với tổng mức đăng ký 1,444 triệu USD.
Nội dung quan trọng nhất tại hội nghị là UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất chính sách đặc thù toàn diện nhằm đẩy mạnh phát triên huyện đảo Phú Quốc thành Đặc khu kinh tế Phú Quốc.
Theo ông Phạm Vũ Hồng, thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg ngày 05/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2020 và Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, đến nay kết quả đạt được những kết quả cụ thể.
Về quy hoạch, hiện Phú Quốc đã phê duyệt 36 đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 với diện tích 10,092ha đạt 78,1% trên tổng diện tích đất đưa vào quy hoạch.
Về đầu tư, tổng nguồn lực cho đầu tư Phú Quốc từ 2015-2016 trong đó ngân sách nhà nước 25.460 tỷ đồng. Phú Quốc thu hút 254 dự án ước tổng vốn đầu tư 337.836 tỷ đồng trong đó 22 dự án trực tiếp nước ngoài FDI có tổng vốn 282 triệu USD. Đến nay, có 193 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 30 dự án đi vào hoạt động, 24 dự án đang đầu tư xây dựng và các dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Một số tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào Phú Quốc như Vingroup, Sun Group, CEO Group, Thai Group, Bim Group.... Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đạt 2.310 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký trên 62 nghìn tỷ đồng. Toàn huyện có trên 10.000 phòng lưu trú, trong đó phòng tiêu chuẩn 3-5 sao là 3.539 phòng đủ đáp ứng cho 20.000 khách mỗi ngày.
Các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm gồm Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, các cảng biển, giao thông đường bộ, hệ thống cung cấp điện, nước đang được tiếp tục đầu tư hoàn thiện.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện tất cả các cơ quan Bộ, ngành liên quan từ trung ương đến địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã đề xuất 9 kiến nghị cho đặc khu kinh tế Phú Quốc bao gồm các vấn đề liên quan tới đầu tư kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp của địa phương.
Thứ nhất, UBND tỉnh sẽ đầu tư hệ thống cống ven biển (hiện đầu tư được 17/35 cống cần thiết cần nhà nước hỗ trợ thêm 18 cống tổng ngân sách 1.200 tỷ đồng); bổ sung vốn nâng cấp cảng cá Tắc Cậu; đầu tư dự án đường hành lang ven biển Phía Nam giai đoạn 2, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; đầu tư cấp điện lưới quốc gia cho các xã đảo.
Thứ hai, về cơ chế chính sách, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đề nghị chấp thuận bổ sung chức năng kinh doanh casino vào Tổ hợp dự án đảo Phú Quốc và cho phép thí điểm cho người Việt chơi casino do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc đầu tư.
Thứ ba, tỉnh Kiên Giang cũng đề xuất chấp thuận chủ trương chỉ định nhà đầu tư dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường Dương Đông – Cửa Cạn - Gành Dầu và xây dựng mới nhánh nối với đường trục Nam – Bắc huyện Phú Quốc theo hình thức BT, tổng mức đầu tư 1.466 tỷ đồng, thanh toán bằng quỹ đất sân bay cũ.
Thứ tư, đề nghị chấp thuận cho bán nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách theo hình thức thu tiền một lần để tái đầu tư nhà ở xã hội khác trên địa bàn huyện Phú Quốc và các khu công nghiệp của tỉnh.
Thứ năm, về chính sách visa với với khách du lịch quốc tế, kiến nghị thực hiện miễn visa 30 ngày áp dụng đối với khách quốc tế trực tiếp đến Phú Quốc cũng như khách quốc tế quá cảnh từ các cửa khẩu quốc tế khác trong nước.
Thứ sáu, thu hồi chủ trương đầu tư dự ánTrung tâm nhiệt điện Kiên Lương của Công ty CP năng lượng Tân Tạo và Cảng nước sâu Nam Du của cùng chủ đầu tư.
Thứ bảy, thành lập huyện Thổ Châu nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh quốc phòng trong tình hình mới.
Thứ tám, trong thời gian chờ thông qua Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt và thành lập Đơn vị Hành chính- Kinh tế đặc biệt Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đề xuất Chính phủ xem xét chấp thuận cho lập điều chỉnh hoặc lập mới Quy hoạch tổng thể phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang phê duyệt song song với việc lập đề án thành lập Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Mục đích nhằm rà soát thực trạng, đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển, định hướng đầu tư những ngành nghề, lĩnh vực là thế mạnh của Phú Quốc phù hợp xu thế phát triển của thế giới, mang tính cạnh tranh khu vực và trên thế giới.
Thứ chín, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ưu tiên hỗ trợ vốn ODA hoặc nguồn vốn khác của Trung ương để tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng khung cho kinh tế Phú Quốc.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao về sự đoàn kết, quyết tâm đổi mới sang tạo của tỉnh Kiên Giang trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội Phú Quốc.
Thủ tướng tán thành báo cáo của đồng chí Chủ tịch UBND, ý kiến của Bí thư Tỉnh uỷ, lãnh đạo các Bộ, ngành và đề nghị tỉnh Kiên Giang nghiêm túc tiếp thu.
Thủ tướng cho rằng, Kiên Giang như 1 nước Việt Nam thu nhỏ có vị trí quan trọng trên mọi mặt về kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và quan trọng với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Phát triển kinh doanh địa bàn tỉnh toàn diện, tốc độ phát triển tăng trưởng cao, thu nhập bình quân cao, có thể tổng kết nhân rộng về mô hình nông – ngư nghiệp, tăng trưởng khách du lịch quốc tế điển hình. Tiềm năng thu hút các nhà đầu tư của tỉnh lớn.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nước biển dâng, kết nối trung tâm kinh tế lớn, nhân lực đào tạo khó khăn nhưng Kiên Giang cần phấn đấu tự trang trải được ngân sách ngay cuối nhiệm kỳ này, đóng góp chung vào ngân sách nhà nước.
Thủ tướng bày tỏ quan điểm chấp thuận chủ trương, đang xây dựng luật pháp để triển khai Phú Quốc trở thành Khu Kinh tế - Hành chính đặc biệt đi trước một bước, là ngọn cờ mô hình đi đầu trong 3 khu đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam. Tầm nhìn phát triển của Kiên Giang phải phấn đấu trở thành tỉnh đổi mới và giàu có toàn diện, chính sách năng động, cởi mở, linh hoạt, sử dụng công nghệ thông tin công nghệ cao, phát triển bứt phá mô hình hành chính kinh tế đặc biệt, công nghiệp sạch,...
“Với Phú Quốc, phải thực hiện ý tưởng 1 viên ngọc lớn hơn 10 viên ngọc nhỏ. Viên ngọc lớn đẳng cấp chất lượng quốc tế về du lịch, cạnh tranh, thu hút nhân lực, người giỏi, người tài. Cơ chế đặc biệt, giao thông thông minh, bảo vệ môi trường, nông nghiệp thực phẩm tốt. Mục tiêu phải đạt được là phát triển và giữ bản sắc. Cạnh tranh quốc tế không đặt mục tiêu cạnh tranh trong nước, học tập mô hình từ Singapore về trung chuyển, xanh sạch, an toàn. Phú Quốc phải cất cánh nhờ cơ chế, không nhờ ưu đãi đặc biệt về nguồn lực” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý chất lượng quy hoạch của Phú Quốc tối quan trọng, phát triển hạ tầng hiện đại tầm nhìn 30-50 năm. Sử dụng hiệu quả quỹ đất trong từng giai đoạn, đảm bảo chất lượng môi trường vì mất môi trường là mất tất cả. Chính quyền cần quan tâm đến sinh kế của người dân, không để người dân đứng bên lề của sự phát triển. Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng công cộng phục vụ nhân dân. Đào tạo nghề, sử dụng lao động địa phương. Tạo dựng phúc lợi, chia sẻ lợi ích hài hoà của nhà đầu tư – nhân dân – nhà nước. Thu hút nhà đầu tư lớn, giàu kinh nghiệm, tài chính, lâu dài.
Thủ tướng tán thành và giao nhiệm vụ tỉnh Kiên Giang phối hợp với các Bộ, Ban, ngành hoàn thiện thủ tục và thực hiện các đề xuất theo đúng lộ trình.
Bên cạnh đó, Thủ tướng biểu dương Tập đoàn Vingroup, Sun Group - những doanh nghiệp là ngôi sao có ý tưởng phát triển vì cộng đồng và bền vững bền vững.
Ninh Toàn
Theo