Thứ bảy 14/12/2024 16:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Kiên Giang: Ban hành quy định tách thửa đối với đất ở khó áp dụng vào thực tế

08:11 | 21/10/2024

(Xây dựng) - UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Quyết định 28/2024/QĐ-UBND quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

Kiên Giang: Ban hành quy định tách thửa đối với đất ở khó áp dụng vào thực tế
Ảnh minh họa.

Tại Khoản 1 Điều 4 Quyết định 28/2024/QĐ-UBND ngày 9/10/2024 của UBND tỉnh Kiên Giang quy định: Diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa đối với đất ở tại nông thôn là 45m2, đối với đất ở tại đô thị là 36m2, đồng thời chiều rộng cạnh mặt tiền thửa đất và chiều dài các cạnh tiếp giáp cạnh mặt tiền của thửa đất không được nhỏ hơn 4m.

Tuy nhiên tại Khoản 2 Điều 7 Quyết định này lại ghi: Trường hợp thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp cùng tồn tại chung một thửa đất (thể hiện trên Giấy chứng nhận) trước ngày Quyết định này có hiệu lực, nếu có một phần diện tích thuộc quy hoạch sử dụng đất là đất ở thì phải chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở đối với toàn bộ diện tích thuộc quy hoạch là đất ở; diện tích đất ở theo diện tích tối thiểu của từng loại đất ở tương ứng quy định tại Điều 4 của Quyết định này; phần diện tích đất nông nghiệp còn lại không thuộc quy hoạch đất ở được tồn tại cùng thửa với thửa đất ở và không bị điều chỉnh về diện tích tối thiểu tách thửa quy định tại điểm a khoản 2 Điều 220 của Luật Đất đai.

Quy định tách thửa này, cụ thể là nội dung ở Khoản 2 Điều 7 của UBND tỉnh Kiên Giang đối với đất ở trên thực tế rất khó áp dụng, gây khó khăn cho người dân vì: Thửa đất quy hoạch đất ở phải lên toàn bộ diện tích mới được tách gây khó khăn cho người dân. Ví dụ ở thành phố Phú Quốc: Nếu thửa đất ở các phường thì phải tối thiểu 672m2 (trong đó có 72m2 thổ cư) mới được tách thành 2 thửa, mỗi thửa có 300m2 đất cây lâu năm, 36m2 thổ cư, còn dù thửa đất 600m2 (có 200m2 thổ cư) thì cũng không tách thành 2 thửa được mà với quy định này phải chuyển mục đích full thổ cư 600m2 mới tách thửa được.

Nếu thửa đất ở các xã thì phải tối thiểu 1.090m2 (trong đó có 90m2 thổ cư) mới được tách thành 2 thửa, mỗi thửa có 500m2 đất cây lâu năm, 45m2 thổ cư, còn dù thửa đất 1.000m2 (trong đó có 200m2 thổ cư) thì cũng không tách thành 2 thửa được mà với quy định này phải chuyển mục đích full thổ cư 1.000m2 mới tách thửa được.

Trên thực tế rất khó có mảnh đất full diện tích đất ở, ngoài ra dù thửa đất full diện tích đất ở thì người dân cũng không được xây dựng full diện tích thổ cư mà vẫn phải xây dựng theo mật độ quy định, thói quen của người dân là xây dựng kiên cố một phần diện tích đất (đất ở), diện tích còn lại (đất vườn) làm vườn, làm sân đỗ xe, công trình phụ khác.

Quy định này gây khó khăn cho người dân có nhu cầu tách thửa để thực hiện các quyền cơ bản như thừa kế, cho tặng, chuyển nhượng… nhất các hộ nghèo không đủ điều kiện đóng tiền full diện tích đất ở.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai các nghị định để thi hành Luật Đất đai 2024 do Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 12/10, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và thông tin đất đai cho biết: Qua kiểm tra có tình trạng nhiều địa phương đang áp dụng chưa đúng về tiêu chí diện tích tối thiểu khi giải quyết tách thửa đối với những trường hợp người dân có một thửa đất gồm nhiều loại đất (trước đây hay gọi là đất ở có vườn ao).

Theo quy định, khi người dân có nhu cầu thì giải quyết tách thửa đồng thời với chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên nhiều địa phương lại áp dụng đến hai tiêu chí diện tích tối thiểu với các loại đất dẫn đến không giải quyết được.

Ví dụ, người dân có thửa đất 500m2 gồm diện tích đất ở và vườn ao. Địa phương quy định diện tích tách thửa đất ở tối thiểu 100m2, còn thửa đất còn lại là diện tích vườn ao (nông nghiệp) tối thiểu phải 500m2. Vì vậy, nếu cho chuyển mục đích 100m2 tách ra thì phần đất còn lại không bảo đảm diện tích tối thiểu của thửa đất nông nghiệp còn lại sau khi tách.

“Vì vậy chỉ được áp dụng tiêu chí diện tích tối thiểu đối với phần diện tích chuyển mục đích, nếu áp dụng thêm tiêu chí nữa thì vướng. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường là cần tham mưu xây dựng quy định tách thửa, hợp thửa của địa phương phù hợp, tránh vướng mắc khi áp dụng", ông Mai Văn Phấn lưu ý.

Mộc Miên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load