(Xây dựng) - Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu có diện tích gần 12.500m2, được trùng tu tôn tạo năm 2013. Đây là công trình chào mừng Festival Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ lần thứ I - Bạc Liêu 2014.
Tượng đài vinh danh đờn ca tài tử Nam bộ. |
Khu lưu niệm có nhiều hạng mục như: Hồ phun nước nghệ thuật, đài Nguyệt cầm, vườn nhạc cụ, nhà trưng bày Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và sân khấu cải lương, nhà biểu diễn, nhà trưng bày nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu mộ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu… Cuối năm 2020, UBND tỉnh Bạc Liêu đã xếp hạng điểm du lịch Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là du lịch OCOP 4 sao.
Từ lâu nay nói đến Bạc Liêu du khách thường nghĩ đến xứ sở đờn ca tài tử trứ danh, nơi đó có nhạc sĩ Cao Văn Lầu nổi tiếng với bài hát bất hủ “Dạ cổ hoài lang”. Bài hát đã hơn 100 năm, dù thời gian có phôi pha nhưng Dạ cổ hoài lang vẫn ngân vang và sống mãi với thời đại. Bởi đó là tiếng lòng bi ai của người vợ nhưng được người chồng - nhạc sĩ Cao Văn Lầu nói thay cho vợ mình, như lúc sinh thời nhạc sĩ Cao Văn Lầu, bộc bạch: Bản Dạ cổ hoài làng tôi đặt ra do than thân trách phận dùm vợ tôi. Lúc đó, tôi nghĩ giờ này, vợ mình ở đâu? Chắc vợ mình nhớ thương mình nhiều hơn mình thương nhớ vợ mình, số phận vợ mình tương tự như nàng Tô Huệ, quá thương chồng dệt bức Cẩm hồi dâng lên vua để tỏ nỗi lòng nhớ thương chồng. Hay nàng Tô Thị thương chồng mà đứng đợi chồng đến hóa đá nên tôi viết bản “Hoài lang”- nhớ chồng.
“…Vào ra luống trông tin nhạn
Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Ôi! Gan vàng thêm đau
………
Chàng là chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây…”
Nghe kể lại chuyện tình trắc trở bi thương giữa nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bà Trần Thị Tấn, vì hai vợ chồng đã cưới nhau ba năm nhưng không sinh con “tam niên vô tử bất thành thê” phải chia tay mỗi người một ngã trong niềm nhớ thương, cùng nghe bản Dạ cổ hoài lang du khách ai cũng cảm động, xao xuyến bồi hồi. Một du khách trong đoàn Caravan Việt đến tham quan vườn nhãn cổ trăm năm của Bạc Liêu được ăn bánh xèo, nghe bản Dạ cổ hoài lang, hôm sau đến tham quan Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nghe tiếp bản Dạ cổ hoài lang, bộc bạch: “Sao cũng là Dạ cổ hoài lang nhưng hôm qua nghe ở vườn nhãn không “đã” bằng ở Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu”. Có lẽ ở tại Khu lưu niệm, Dạ cổ hoài lang được hát trong không gian có cảnh, có hồn của câu chuyện tình nhạc sĩ Cao Văn Lầu?
Bạc Liêu là chiếc nôi của đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu là Di tích Quốc gia. Những năm qua, Khu lưu niệm đã tổ chức cho du khách tham quan các nhạc cụ, nghe kể về cuộc đời nhạc sĩ Cao Văn Lầu và biểu diễn đờn ca tài tử để phục vụ du khách.
Giờ đây, Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã trở thành điểm đến du lịch văn hóa nổi tiếng trong và ngoài nước. Những năm gần đây, khách du lịch đến Khu lưu niệm ngày càng tăng, gần 2.000 lượt khách/ tuần. Nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật và các dịch vụ du lịch ngày càng nhiều.
Nhiều hãng lữ hành, Công ty du lịch đã ký kết hợp tác với Ban quản lý Khu lưu niệm để đưa du khách đến tham quan và thưởng thức đờn ca tài tử, như: Công ty Cổ phần du lịch Bạc Liêu, Bali Travel, Công ty Cổ phần TNHH dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt (Thành phố Hồ Chí Minh), Công ty Cổ phần cung ứng nghiệp vụ chất lượng cao quốc tế (Hà Nội), Công ty Cổ phần Win Way Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh), Công ty đầu tư tài chính phát triển thương mại quốc tế Á Châu (Hà Nội)… Cuối năm 2020, điểm du lịch Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng du lịch OCOP 4 sao.
Ban Quản lý Di tích Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, cho biết đang triển khai kế hoạch “Phát triển thị trường khách du lịch đến tham quan Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu giai đoạn 2020-2025”. Đó là khai thác tiềm năng, giá trị Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu phục vụ phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật đờn ca tài từ Nam bộ; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế thông qua loại hình du lịch cộng đồng, truyền thống, văn hóa nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Mục tiêu là xây dựng và quảng bá thương hiệu Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu trở thành sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo, có chất lượng, có sức cạnh tranh; Thông qua các hoạt động truyền thông nhằm thu hút du khách đến tham quan và thu hút khách quay lại với nhiều trải nghiệm khác biệt, từ đó nâng cao thị trường mục tiêu; Tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các đơn vị lữ hành, các khu, điểm du lịch trong khu vực và cả nước.
Theo đó, định hướng phát triển thị trường khách du lịch quốc tế là :Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Đối với thị trường nội địa, tập trung vào đối tượng khách du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, Tết Nguyên đán, du lịch kết hợp tâm linh và lễ hội… Tăng cường các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước để quảng bá về Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu;
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Khu lưu niệm, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên, nghệ nhân CLB đờn ca tài tử. Năm 2021, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ và phát triển du lịch Khu lưu niệm; Tăng cường đầu tư cho hoạt động phát triển du lịch; Hoàn thiện xây dựng bộ ấn phẩm quảng bá du lịch Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng ban Ban quản lý Di tích, cho biết: “Khu lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sở hữu một không gian vô cùng lý tưởng phù hợp với việc bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và bản Dạ cổ hoài lang. Bên cạnh đó, cần có các buổi sinh hoạt, giao lưu đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch. Vì vậy, nhiệm vụ đầu tiên Khu lưu niệm chính là xây dựng chương trình, tiết mục để biểu diễn nghệ thuật đờn ca tải tử phục vụ du khách đến Bạc Liêu nói chung và Khu lưu niệm nói riêng.
Thuyết minh viên thuyết minh cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Cao Văn Lầu. |
Với mục đích đó, Ban Quản lý Di tích tỉnh cần có một CLB đờn ca tài tử thường trực tại Khu lưu niệm nhằm xây dựng 2-4 chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử/năm, để biểu diễn phục vụ khách du lịch trong những ngày lễ và những lúc nông nhàn. Câu lạc bộ đờn ca tài tử không những phục vụ khán giả mộ điệu trong tỉnh mà còn phục vụ khách đến tham quan du lịch…”
Huỳnh Biển
Theo