Thứ hai 16/12/2024 02:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Khai thác cảnh quan tự nhiên trong tạo lập bản sắc kiến trúc đô thị Hà Giang

11:12 | 03/11/2023

(Xây dựng) – Hiện nay, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang diễn ra khá nhanh, nhất là ở khu vực thành phố và trung tâm các huyện. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập do thiếu chặt chẽ trong quản lý xây dựng theo quy hoạch; phát triển đô thị chưa trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ… Tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp nhằm phát triển đô thị một cách bền vững, hài hòa, trong đó khai thác cảnh quan tự nhiên đa dạng, độc đáo của Hà Giang được xem như phương án hiệu quả nhằm giải bài toán này.

Khai thác cảnh quan tự nhiên trong tạo lập bản sắc kiến trúc đô thị Hà Giang
Cảnh quan đô thị Hà Giang.

Điều kiện tự nhiên là nhân tố quyết định bản sắc kiến trúc

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, Hà Giang là vùng đất không chỉ về lịch sử văn hóa. Nhìn một cách tổng thể Hà Giang là địa bàn núi cao hùng vĩ và hiểm trở, có độ cao trung bình từ 800-1200m so với mực nước biển, tập trung dày đặc các ngọn núi cao. Chính vì thế, có nhà địa lý học ví Hà Giang “có dáng giống như con hổ nằm phủ phục hướng ra phía biển Đông”.

Các quần sơn ở Hà Giang đã tạo nên khung cảnh vùng núi cao nên thơ và hùng vĩ hiếm thấy ở các nơi khác với nhiều dạng địa hình phong phú đa dạng, trong đó đáng chú ý là các dạng cảnh quan kỳ vĩ nhiều vách đứng, hiểm trở ở Quản Bạ, Bắc Mê, Đồng Văn, Mèo Vạc được tạo thành bởi các quần thể đá vôi qua các vận động kiến tạo. Sự kỳ vĩ và hiểm trở của vùng đất này đúng như dân gian đúc kết: “Thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày; Đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng; Cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời”.

Trên nền tảng các điều kiện tự nhiên độc đáo, Hà Giang có thể coi là một không gian của thắng cảnh, di tích lịch sử và các mảng màu văn hóa đa sắc có một không hai.

Hệ trầm tích đã tạo nên nhiều hang động nổi tiếng ở Hà Giang như: hang Phương Thiện, hang Chui, Động Tiên và Suối Tiên, động én; các thắng cảnh như Núi Đôi, thung lũng Quản Bạ, đèo Mã Pì Lèng, cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, đỉnh cực bắc Lũng Cú… Nhìn một cách tổng thể có thể coi hệ thống núi cao dựng đứng và hệ thống sông suối dày đặc với thảm thực vật mang nhiều sắc thái ôn đới, toàn bộ Hà Giang là một danh thắng khổng lồ, là “của trời cho” đối với hoạt động du lịch.

Các đặc trung cảnh quan tự nhiên của Hà Giang

Về hình thái địa hình tự nhiên:

Đặc trưng hình thái địa hình tự nhiên tổng thể theo mặt bằng:

– Dạng 1: Dạng thung lũng thuộc lưu vực sông lớn kết hợp với đồi thấp và núi cao

– Dạng 2: khu vực thung lũng thuộc lưu vực suối, ngòi nhỏ kết hợp với đồi, núi có độ cao trung bình và lớn

Đặc trưng hình thái địa hình tự nhiên theo mặt cắt – Silhouette:

– Dạng 1: là hình thức sông, suối kết hợp đồi có đỉnh tròn kiểu bát úp và núi có đỉnh khá nhọn nối với nhau theo kiểu yên ngựa

– Dạng 2: là hình thức sông kết hợp với núi có độ cao trung bình và lớn, đỉnh núi nhọn, đường sống núi sắc cạnh

Về cảnh quan mặt nước: Hà Giang bao gồm các sông lớn như sông Nho Quế, sông Lô, sông Gâm, sông Chảy, có dòng chảy ngoằn ngoèo uốn khúc, chảy theo hướng Tây Bắc xuống Đông Nam. Các con sông lớn hầu hết đều được kè giật cấp hai bên bờ đoạn chảy qua khu vực đô thị nhằm tránh nguy cơ sạt lở cho đô thị vào mùa lũ. Hà Giang có các suối bản Áng, suối Du Già… Suối có tổ hợp cảnh quan tự nhiên gồm đá cuội – cây bụi. Ngoài ra Hà Giang có hồ Noong, hồ Nho Quế 3, hồ Hà Phương. Các hồ này có tác dụng trữ nước, tạo cảnh quan và làm thủy điện. Vì vậy, tạo nên tổ hợp cảnh quan rất đặc trưng là mặt nước – đồi núi – mây trời.

Cây xanh trong cảnh quan tự nhiên: Các loại cây xanh đặc trưng của Hà Giang được phân bổ theo độ cao của địa hình: Hình thái cây xanh trên khu vực núi cao thường mọc theo mảng và có tầng bậc, phủ kín núi. Các loài cây phổ biến ở khu vực núi cao như: Thông, đuôi ngựa, pơmu, sa mộc; Hình thái cây xanh trên đồi thấp thường mọc phủ kín đồi đan xen các loại cây nông lâm, phổ biến như: Keo, bạch đàn, quế, trám đen, chè; Hình thái cây xanh khu vực thung lũng và lưu vực sông suối thường là những loài cây theo mùa như hoa ban, đào, mận trắng, tam giác mạch.

Hình thái cấu trúc đô thị: Đô thị Hà Giang hầu hết có hình dạng cấu trúc hữu cơ hài hòa với đặc điểm địa hình tự nhiên đồi núi, sông suối và thung lũng. Có thể phân chia làm 3 dạng chính:

Dạng 1 – Cấu trúc dạng dài kết hợp dạng tia: Đô thị phát triển xuất phát từ thung lũng, lưu vực sông từ đó phát triển phân tán thành tia nhánh len lỏi xen kẽ với địa hình đồi núi quanh thung lũng và một phần phát triển dọc theo bờ sông và bị giới hạn phát triển bởi địa hình núi cao xung quanh. Không gian đô thị phát triển tầng bậc theo độ dốc của sườn đồi núi, có một phần đô thị bám dọc hai bên bờ sông.

Dạng 2 – Cấu trúc dạng mảng: Đô thị phát triển theo mảng dưới chân núi và bị giới hạn bởi địa hình núi cao xung quanh theo dạng lòng chảo, đô thị nằm trong khu vực thung lũng khá rộng và tương đối bằng phẳng.

Dạng 3 – Cấu trúc dạng dải: Đô thị phát triển bám dọc theo sông suối khu vực chân núi và bị giới hạn bởi địa hình núi cao hai bên tạo thành thung lũng hẹp. Đô thị phát triển bám theo lưu vực sông suối theo dạng dải.

Khai thác cảnh quan tự nhiên trong tạo lập bản sắc kiến trúc đô thị Hà Giang
Hẻm Tu Sản, Hà Giang

Mô hình và giải pháp khai thác cảnh quan thiên nhiên trong tạo lập bản sắc kiến trúc đô thị Hà Giang

Giải pháp tổ chức Kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc không gian cấp độ tổng thể của đô thị (Tương ứng với đồ án Quy hoạch chung)

Phân vùng xác định các khu vực có đặc trưng riêng, nổi bật của cảnh quan tự nhiên tổng thể gồm: hình thái núi, hình thái mặt nước, hình thái của thảm thực vật, vùng cảnh quan có giá trị đặc biệt.

Thiết lập thêm các công trình kiến trúc mang dấu ấn đặc biệt, mang tính đặc trưng của địa phương. Cần chú trọng đến phông nền và silhouette, yếu tố kiến trúc cần có tỷ lệ và khối tích đủ nổi bật như các công trình điểm nhấn để kết hợp với cảnh quan tự nhiên nhằm tạo lập và gia tăng tính bản sắc cho không gian tổng thể.

Thiết lập các hình thái cây xanh bản địa mang đặc trưng về tổ hợp, về màu sắc nhằm gây ấn tượng và tạo đặc điểm riêng biệt, cây xanh đặc trưng kết hợp với yếu tố địa hình, mặt nước và kiến trúc giúp gia tăng tính bản sắc cho không gian tổng thể.

Giải pháp tổ chức không gian Kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc không gian cấp độ khu vực của đô thị (Tương ứng với đồ án Quy hoạch phân khu)

Không gian kiến trúc cảnh quan cấp độ khu vực có đặc trưng để tạo lập bản sắc đô thị bao gồm các khu vực như:

Tuyến cảnh quan ven sông, suối: Thiết lập lưu tuyến thông suốt cho khu vực ven sông, suối nhằm tạo nên không gian mở cho đô thị. Cần được kết nối với nhau và được kết nối với các khu vực khác của đô thị bằng các tuyến nhìn, điểm nhìn. Những không gian trên lưu tuyến, ngoài phạm vi nếu thiếu đặc trưng cần thiết lập bổ sung các tổ hợp kiến trúc cảnh quan, các điểm cảnh quan, các điểm nhấn kiến trúc … nhằm đảm bảo tính liên tục, không bị ngắt quãng của hình ảnh cảnh quan có bản sắc.

Các tổ hợp cảnh quan ven sông, suối được khai thác từ đặc trưng cảnh quan tự nhiên, nhân tạo và hoạt động văn hóa của địa phương. Có thể khai thác sử dụng những hình tượng như nhà sàn, cọn nước, bến tắm, cầu bắc qua suối, tổ hợp đá cuội – cây bụi ven suối, tổ hợp cây xanh nhiều tầng bậc trên núi nhằm tạo sự đa dạng sinh thái ven mặt nước; Cùng với việc thiết lập các quảng trường văn hóa, sinh hoạt cộng đồng ven sông, thiết lập các điểm cảnh quan như vườn hoa – công viên nhỏ, tạo nên những khu vui chơi giải trí cho người dân…

Tuyến cảnh quan ven hồ: Tuyến cảnh quan ven sông, suối giúp thiết lập không gian mở, hành lang xanh cho đô thị. Vì vậy, tổ chức kiến trúc cảnh quan cho khu vực này là giải pháp bảo vệ không gian mặt nước và hành lang ven sông suối. Không gian kiến trúc cảnh quan của tuyến ven sông, suối có vai trò quan trọng trong việc tạo lập và giữ gìn tầm nhìn tổng thể cũng như giúp kết nối cảnh quan với các khu vực chức năng khác của đô thị.

Thiết lập lưu tuyến thông suốt cho khu vực ven hồ, tạo nên không gian mở cho đô thị. Cần được kết nối với các khu vực khác của đô thị bằng các tuyến nhìn, điểm nhìn. Các tổ hợp kiến trúc cảnh quan, các điểm cảnh quan, các điểm nhấn kiến trúc được bố cục nhằm đảm bảo tính liên tục, không bị ngắt quãng của hình ảnh cảnh quan trên toàn tuyến ven hồ.

Các tổ hợp cảnh quan ven hồ được khai thác từ đặc trưng cảnh quan tự nhiên, nhân tạo và hoạt động văn hóa của địa phương. Kết hợp với những công trình nghệ thuật công cộng mang hình tượng đặc trưng của địa phương nhằm tạo nên những khu vui chơi giải trí có bản sắc cho người dân.

Các trục-tuyến đường chính đô thị: Các trục đường, tuyến đường chính của đô thị có vai trò kết nối cảnh quan của đô thị – Vì vậy không gian kiến trúc cảnh quan của tuyến đường cần được khai thác các đặc trưng và tổ chức để tạo lập bản sắc cho toàn tuyến. Tuân thủ nguyên tắc về tỷ lệ bề rộng của đường hợp lý, tránh san ủi làm đường lớn, thẳng kiểu đại lộ vì thế sẽ làm mất đi đặc trưng của địa hình miền núi.

Công trình hai bên tuyến được tổ chức phù hợp với quy hoạch cảnh quan chung của đô thị hợp lý về mật độ xây dựng, chiều cao và hình thức kiến trúc có nét đặc trưng của địa phương. Cần chú trọng tổ chức những khoảng không gian mở tạo điểm nhìn cảnh quan trên tuyến, giúp kết nối cảnh quan của tuyến đường với cảnh quan của những khu vực chức năng xung quanh khác của đô thị.

Không gian kiến trúc cảnh quan có bản sắc trên toàn tuyến phải được đảm bảo khả năng nhận diện được liên tục trong phạm vi của tầm nhìn cấp độ khu vực. Tổ chức kiến trúc cảnh quan cần khai thác các yếu tố kiến trúc, nghệ thuật công cộng, tiện nghi đô thị, vật liệu sử dụng… có hình ảnh đặc trưng văn hóa bản địa. Yếu tố cây xanh cần được khai thác những loại cây trồng đặc trưng của địa phương, hình thái cây xanh trên tuyến được tổ hợp theo dạng nhiều tầng bậc (cây bóng mát – cây trang trí – cây phông nền), theo màu sắc, theo mảng – tuyến nhằm tạo ấn tượng và bản sắc cho không gian của tuyến đường.

Khu vực cảnh quan vùng ven đô thị: Cảnh quan không gian làng bản truyền thống: Bảo tồn và phát huy không gian làng bản truyền thống của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở vùng ven các đô thị gắn với việc thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của địa phương; Bảo tồn hình thái không gian làng bản truyền thống: cấu trúc đường giao thông, hình thức nhà ở truyền thống của các dân tộc: nhà sàn, nhà ở truyền thống xây bằng đá – đất – gỗ; cây xanh phân bố theo độ cao phù hợp (ban, đào, mận trắng, tam giác mạch).

Cảnh quan không gian nông – lâm nghiệp: Bảo tồn và phát triển không gian sản xuất nông nghiệp, khu vực canh tác lúa nước và ruộng bậc thang, góp phần tạo lập và gìn giữ cảnh quan tổng thể có bản sắc của đô thị Hà Giang; vừa có tác dụng phát triển kinh tế của địa phương, vừa có giá trị đóng góp vào cảnh quan phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế du lịch; Khoanh vùng sản xuất lâm nghiệp, trồng các cây công nghiệp trên đồi có giá trị kinh tế, đồng thời gìn giữ được cảnh quan đặc trưng của khu vực đồi núi như quế, chè, keo, trám đen…

Khu vực cửa ngõ – lối vào đô thị: Vùng cửa ngõ – lối vào đô thị có vai trò tạo ấn tượng với du khách khi đến với các thành phố – Vì vậy, việc tổ chức kiến trúc cảnh quan cần chú trọng đến việc thiết lập dấu ấn đặc trưng riêng của mỗi đô thị. Giải pháp tạo lập bản sắc có thể sử dụng yếu tố kiến trúc hoặc yếu tố nghệ thuật công cộng mang tính chất làm điểm nhấn đặc biệt, trên cơ sở khai thác khía cạnh đặc trưng văn hóa địa phương.

Khai thác yếu tố địa hình và tầm nhìn của phông nền núi đồi sẵn có, kết hợp tổ chức sử dụng cây xanh bản địa cùng với việc thiết lập các điểm cảnh quan dọc tuyến cửa ngõ nhằm tạo nên tính liên tục của hình ảnh cảnh quan có bản sắc cho khu vực này.

Khai thác cảnh quan tự nhiên trong tạo lập bản sắc kiến trúc đô thị Hà Giang

Giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc không gian cấp độ nhỏ của đô thị (Tương ứng với quy hoạch chi tiết hoặc Thiết kế đô thị)

Không gian cấp độ nhỏ của đô thị là những không gian có thể kể đến như: quảng trường, công viên – vườn hoa, không gian công trình công cộng, các khu vực thiết lập công trình điểm nhấn, các công trình nghệ thuật công cộng… Tạo lập tính kết nối liên tục của hình ảnh cảnh quan có bản sắc trong phạm vi của tầm nhìn.

Khai thác các yếu tố và hình tượng văn hóa bản địa có đặc trưng rõ nét như nhà sàn, cọn nước, địa hình, cây xanh, hoạt động văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc địa phương… để sử dụng vào việc tổ chức kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc cho không gian; Tạo dựng trang thiết bị tiện nghi đô thị, các công trình nghệ thuật công cộng mang bản sắc địa phương gắn với không gian hoạt động văn hóa ngoài trời như quảng trường, vườn hoa, tượng đài, tuyến phố đi bộ phù hợp với điều kiện địa hình và cảnh quan tự nhiên để nhấn mạnh tính bản sắc cho các không gian này.

Tạo dựng nghệ thuật không gian công cộng dựa trên địa hình tự nhiên, tránh san ủi… Lấy môi trường tự nhiên làm trung tâm, cảnh quan tự nhiên là chủ thể; Quy hoạch thống nhất đi từ bên ngoài đô thị, vào trong lõi đô thị; Tôn trọng hệ sinh thái và sinh học. Kiến tạo và bù đắp, kết nối bằng các hệ sinh cảnh, do quá trình xây dựng đô thị làm đứt gãy sự hoàn chỉnh của tự nhiên.

Kết Luận

Hà Giang – mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đầy màu sắc, tựa như một bức tranh tuyệt vời được thiên nhiên ban tặng với màu vàng của ruộng lúa chín, màu xanh của núi rừng, màu hồng của ruộng hoa tam giác mạch, màu xám của đá tai mèo, màu của những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống… Tất cả những gam màu ấy nếu được tận dụng hài hòa, sẽ tạo nên bản sắc kiến trúc Hà Giang.

THS.KTS Đặng Trần Hưng - THS.KS Lê Ngọc Quyên
Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng)

Theo

Cùng chuyên mục
  • Xây dựng thị xã Quảng Trị thành trung tâm kinh tế phía Nam của tỉnh

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản trình Bộ Xây dựng về việc lấy ý kiến thống nhất về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đến năm 2045. Mục tiêu nhằm xây dựng thị xã thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch phía Nam của tỉnh; phát triển thành đô thị thông minh, đô thị sinh thái, hướng đến đô thị vì hòa bình...

  • Đắk Nông: Đề xuất 3 mô hình phát triển đô thị thành phố Gia Nghĩa trong tương lai

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Đắk Nông làm việc với Liên danh tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Gia Nghĩa đến năm 2045. Các đơn vị tư vấn quy hoạch đã đề xuất 3 mô hình phát triển cho đô thị Gia Nghĩa bao gồm: Mô hình đô thị hóa dọc tuyến; mô hình mật độ đô thị của các trung tâm hiện có và mô hình đa trung tâm bằng cách tạo các vùng lân cận mới.

  • Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai

    (Xây dựng) – Ngày 12/12, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai – Những nội hàm hướng tới”. Đây là Tọa đàm I thuộc Diễn đàn “Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai” được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và 45 năm hình thành, phát triển của Viện Kiến trúc Quốc gia.

  • Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050 - Xây dựng Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”

    (Xây dựng) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nhấn mạnh, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”.

  • Khánh Hòa: Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu vực núi Chín Khúc

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh.

  • Hà Nội: Phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 3, tỷ lệ 1/2000

    (Xây dựng) - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký Quyết định số 6396/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 3, tỷ lệ 1/2000 tại các xã Phù Linh, Tiên Dược, Tân Minh, Xuân Giang, Đức Hòa, Đồng Xuân, Kim Lũ và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load