Thứ sáu 27/09/2024 05:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Kem đê ê ê ê…!

15:44 | 16/07/2020

(Xây dựng) - Mình lớn lên đúng lúc ngành sản xuất kem Hà Nội bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ. Cả quốc doanh lẫn công tư hợp doanh. Chẳng biết có ai thống kê xem nó đóng góp vào nền kinh tế Thủ đô được bao nhiêu phần trăm tăng trưởng? Nhưng cứ nhìn mức độ xếp hàng chen lấn mua kem que hàng ngày thì có thể yên tâm với ngành công nghiệp thực phẩm non trẻ này. Kem que Tràng Tiền, kem Bốn Mùa, kem Thủy Tạ, kem Long Vân, kem Hòa Bình, kem Cẩm Bình là những hàng kem lớn nhất thành phố. Chẳng hiểu sao chỉ loanh quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Dân phố rủ nhau “Ra Bờ Hồ ăn kem” có lẽ vì hiệu kem Zephia duy nhất từ nửa đầu thế kỷ trước cũng nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng bên Bờ Hồ bây giờ. Là nghe kể thôi.

kem de e e e
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Những đứa trẻ chỉ trạc tuổi mình lang thang trên Bờ Hồ bán kem khá nhiều. Phích thủy tinh miệng rộng nắp li-e đeo lủng lẳng bên sườn. Mũ nam rộng vành và tiếng rao trẻ thơ tha thiết hòa vào leng keng tàu điện bên hồ. Kem đê ê ê ê…! Trẻ con lúc ấy rất hay hát bài “Du kích ca” của Đỗ Nhuận chế lại lời. “Anh em ta trong đoàn quân du kích, cùng vác phích lên tàu. Kem đê, kem đê. Kem một hào hai chiếc. Một chiếc hai hào. Này chú bán kem, có rao thì rao cho khéo. Đừng có mà léo nhéo, điếc tai hành khách đi tàu…”.

Thế nhưng đùng một cái xảy ra chiến tranh phá hoại. Cả thành phố đi sơ tán. Không còn đủ người ăn kem để duy trì sản xuất. “Quả bom” đầu tiên của giặc Mỹ có lẽ ném xuống ngành kem Thủ đô từ 1965 chứ không phải kho xăng dầu Đức Giang vào trưa 29/6/1966.

Tình hình ẩm thực và “kem trí” của lũ trẻ bọn mình đột ngột bị gián đoạn mất bốn năm liền ngao ngán. Đó là món quà duy nhất các đấng phụ huynh cán bộ của mình có thể năm thì mười họa dành cho con cái. Trưa hè nắng gắt cũng chỉ có mình đủ sức khỏe cầm tờ báo cũ chạy ra Tràng Tiền mua kem gói vào. Nửa cây số về đến nhà kem mới chỉ hơi múp đầu nhỏ giọt. Sau này mình còn là quán quân chạy cự ly ngắn cấp 1 nơi sơ tán thêm vài năm nữa. Nhưng giấu biệt chuyện rèn luyện từ ngày mua kem.

Ở nông thôn mấy năm liền thỉnh thoảng cũng có hàng kem đáo qua làng. Kèn bóp bóng kêu rất to nhưng kem ăn sột soạt nước đã chưa đông nhạt hoét. Lũ trẻ ở quê ăn rất ngon lành và mình thì không thể giải thích cho chúng biết thế nào là kem Tràng Tiền. Cũng que, cũng lạnh, cũng mút, cũng chảy. Kiến thức về kem của mình không hơn gì chúng nó. Thậm chí còn kém vì đã bị gián đoạn việc ăn kem mất mấy năm rồi. Từ đấy dỗi. Không bao giờ ăn kem ở làng nữa.

Sơ tán về bọn mình đã khá lớn. Nhưng kem thì vẫn thích. Đám bạn học nhiều đứa còn tham gia vào việc làm que bằng cách đi nhặt que kem về bán lại cho hiệu kem Tràng Tiền. Một hào một trăm que. Đúng bằng tiền mua một que kem. Cái que kem bằng tre nứa chẻ tách mà không vót nhẵn. Khi ăn còn lôi cả phoi tre ra ngoe ngẩy như râu tôm. Người ta cho vào thùng quay rửa bằng nước lã dùng lại. Nghĩ cũng rợn người. Nhiều trong số que ấy được lũ trẻ nhặt từ dưới cống lên. Mấy đứa em gái mình tích trữ que kem như tài sản. Chúng chơi chuyền ăn que. Mình thỉnh thoảng xin chúng một nắm ngồi tỷ mẩn buộc dây đồng biến thế hỏng làm thành những chiếc lồng xinh xắn. Bắt ve chưa lột nhốt vào đấy. Đó là công cụ cho ve lột lý tưởng. Không bao giờ ve bị đái cháy cánh. Thời gian này cũng là lúc hiệu kem có nhiều sáng kiến cải tiến chất lượng kem. Họ nghĩ ra nhiều loại kem rất lạ. Kem đậu xanh, kem cốm, kem sữa dừa, kem cà phê, ca cao, kem mít và kem chuối. Que kem làm ra cũng thay đổi hình thức. Không còn tiết diện lượn sóng cầu kỳ nữa mà phẳng lỳ cả bốn mặt. Cho vào miệng cũng kém phần xúc động. Chỉ tiếc ngày ấy chưa giải phóng miền Nam nên chưa ai được ăn món chè bột lọc thịt quay Huế. Nếu biết, hẳn là đã có món “kem thịt quay” rồi. Từ bát chè với những viên bột lọc trong suốt có miếng thịt quay vuông vắn ở giữa sang que kem chắc trí tưởng tượng cũng chẳng cần nhiều lắm.

Đám học sinh cuối cấp 3 bọn mình lúc này đã lớn phổng. Chiều rủ nhau ra trước của nhà thờ góc đường Lý Thái Tổ - Lý Đạo Thành tập xà kép. Tập gần nửa năm không thấy vòng 1 lớn lên được phân nào. Người lớn biết chuyện lập tức có kế hoạch bồi dưỡng. Mỗi buổi tập xà xong được ăn một que kem Tràng Tiền. Ba tháng sau vòng ngực đã có thể kẹp được chiếc bút chì. Chẳng biết do kem hay xà kép nữa? Nhưng các bạn gái rất thích.

Những mối tình đầu tiên của lứa thanh niên bọn mình hồi nhưng năm 1973, 1974 thể nào cũng trải qua giai đoạn kem que thơ mộng. Có que kem đưa chuyện hót như khướu. Nhưng tình que kem hình như không bền. Nó cũng tan chảy nhanh chóng như kem vậy.

Đỗ Phấn

Theo

Cùng chuyên mục
  • “Gieo mầm Thiện tâm” - Nơi gặp gỡ của những trái tim vì cộng đồng

    (Xây dựng) - Đêm nhạc “Gieo mầm Thiện tâm”, do Vingroup và SpaceSpeakers Label đồng tổ chức vào ngày 29/9 tại Vinhomes Ocean Park 2, đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng và các nhà hảo tâm. Ngoài ý nghĩa nhân văn của một chương trình thiện nguyện, sự kiện còn thu hút khi có sự góp mặt của hơn 20 nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam, mang tới nhiều phần trình diễn lần đầu tiên ra mắt công chúng.

  • Nhiều hoạt động đặc sắc tại Hội sách Hà Nội lần thứ IX năm 2024

    (Xây dựng) - Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 25 năm Hà Nội được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, Hội sách Hà Nội lần thứ IX năm 2024 với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - Thành phố vì hòa bình” do UBND Thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tổ chức với sự tham gia của hơn 30 nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành sách trong cả nước, sẽ mang lại không gian văn hóa đọc và nhiều chương trình giao lưu, trải nghiệm sách hấp dẫn.

  • Vĩnh Phúc: Độc đáo kiến trúc nhà thờ tổ họ Bùi Việt Nam

    (Xây dựng) - Nhà thờ tổ họ Bùi tọa lạc tại phường Xuân Hòa, Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nhà thờ tổ lớn nhất Việt Nam với diện tích 35.000m2, tổng kinh phí xây dựng lên tới 208 tỷ đồng.

  • Đồng Nai: Cần đầu tư thêm thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng

    (Xây dựng) - Biên Hòa, một đô thị lớn nhưng còn thiếu nhiều thiết chế văn hóa như: Nhà hát, trung tâm văn hóa, nhà tang lễ, quảng trường, sân vận động vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoặc đã được xây dựng nhưng chưa xứng tầm quy mô. Sở Xây dựng mới đây đã đề xuất tỉnh “nhà” cần đầu tư thêm một số công trình văn hóa phục vụ tinh thần cho người dân như: Quảng trường Thành cổ, quảng trường Sông Phố.

  • Ninh Bình: Phát triển đô thị di sản không quên bảo tồn nhà ở truyền thống trong vùng lõi danh thắng Tràng An

    (Xây dựng) – Trong thời gian tới, thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư sẽ sáp nhập trở thành thành phố Hoa Lư. Với gần 30% diện tích là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đây sẽ là một đô thị di sản năng động và phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, bên cạnh việc phát triển đô thị di sản, Ninh Bình đang triển khai nhiệm vụ bảo tồn những giá trị đặc trưng trong lối kiến trúc xây dựng tại vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An.

  • Hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế

    (Xây dựng) - Từ năm 1993, sau khi Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa thế giới, công tác bảo tồn, tu bổ đã được tập trung triển khai và thu được những kết quả tốt, diện mạo Quần thể Di tích ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy giá trị của di sản.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load