Thứ ba 05/11/2024 09:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Huy động nguồn lực hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo về nước sớm nhất

15:23 | 01/11/2022

(Xây dựng) - Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Hãng đấu giá Millon đã đồng thuận đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá vào ngày 10/11/2022. Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và một số Bộ, ngành, tổ chức cá nhân huy động nguồn lực nhằm hồi hương kim ấn.

huy dong nguon luc hoi huong an vang hoang de chi bao ve nuoc som nhat
Kim ấn Hoàng đế chi bảo (Ảnh: Internet).

Ngày 19/10/2022, website của Hãng đấu giá Millon (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris - Cộng hòa Pháp) đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802 - 1945), gồm: 01 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820 - 1841) (lô số 101) và 01 bát vàng triều Khải Định (1917 - 1925) (ô số 100) thuộc sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam” vào 11h ngày 31/10/2022 (giờ Paris).

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là di sản văn hóa của Việt Nam, là một minh chứng biểu trưng cho quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định trong tiến trình lịch sử của Việt Nam. Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào dịp lễ khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, cùng với sắc thư ban cho nước ngoài...), phản ánh một giai đoạn trong tiến trình lịch sử của quốc gia - dân tộc Việt Nam, là di sản văn hóa quý báu của Nhà nước Việt Nam.

Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là “ấn vàng Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 02/9/1945.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), không rõ thông tin về nơi lưu giữ ấn và kiếm. Năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 08/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho vua Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng (sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953).

Thông qua các minh chứng thu thập được, xác minh bằng phương pháp chuyên gia dựa trên thông tin, hình ảnh hiện vật đấu giá do Hãng đấu giá Millon công khai trên website của hãng, đối sánh với các cổ vật là ấn vàng triều Nguyễn đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại một số bảo tàng, di tích trên cả nước, có thế khẳng định: Chiếc ấn vàng (lô số 101) chính là chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820 - 1841).

Vì vậy, việc sưu tầm, đưa ấn về Việt Nam, để bổ sung bộ sưu tập Kim Ngọc Bảo Tỷ và hoàn thiện nội dung trưng bày về triều Nguyễn trong tiến trình lịch sử Việt Nam của Bảo tàng Lịch sử quốc gia là hết sức ý nghĩa và cấp thiết.

Nhận thức ý nghĩa tầm quan trọng và các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, chính trị của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, bên cạnh sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan, tổ chức liên quan đã chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm phương án hồi hương cổ vật thông qua biện pháp ngoại giao văn hóa, nhằm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc đưa ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trở về với đất nước.

Theo Cục Di sản văn hóa, Việt Nam có kinh nghiệm thực tiễn về việc hồi hương cổ vật được đấu giá cơ bản dựa trên sự bảo đảm, uy tín của các hãng đấu giá. Trên thực tế, Việt Nam đã nhận một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam hồi hương theo 3 hình thức. Hình thức thứ nhất là cá nhân, tổ chức vận động quyên góp, mua cổ vật và hiến tặng Nhà nước - trường hợp chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978.

Thứ hai là cá nhân, tổ chức vận động quyên góp, mua cổ vật và hiến tặng về nước như trường hợp xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cho Huế năm 2022.

Hình thức thứ ba là Chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép cổ vật (18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Hoa Kỳ năm 2022).

Quyết tâm sưu tầm, hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới.

Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời thể hiện vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Hạ Ly

Theo

Cùng chuyên mục
  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

  • Mê Linh (Hà Nội): Lấy ý kiến về dự án Khu công viên thể dục, thể thao rộng hơn 60ha

    (Xây dựng) - Dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.

  • Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

  • Hội chợ Ấn Độ 2024 - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ

    (Xây dựng) – Ngày 2/11, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã tổ chức "Hội chợ Ấn Độ - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ" tại khuôn viên Đại sứ quán. Lễ hội nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ văn hóa trong cộng đồng người Ấn Độ, quảng bá về Ấn Độ đến cộng đồng người Việt Nam và tôn vinh tình hữu nghị truyền thống sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load