(Xây dựng) - Sáng 25/6, tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm bảo tổn di sản Thăng Long đã tổ chức khai mạc chương trình “Hương sắc thảo mộc Đoan Dương” nhằm tái hiện một số phong tục độc đáo trong ngày Tết Đoan Ngọ cổ truyền của người Việt.
Điểm nhấn của chương trình là Không gian nghệ thuật thưởng trà cung đình. |
Năm 2020 là năm thứ 2 Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện tái dựng các không gian đón Tết Đoan Ngọ ở cung đình xưa. Chương trình biểu diễn được xây dựng dựa trên cơ sở khảo cứu các nguồn thông tin và tư liệu, khảo sát thực địa để tái hiện một phần không khí Tết Đoan Dương (hay còn gọi là Tết Đoan Ngọ) thời Lê Trung Hưng. Nối dài mạch nghiên cứu và phát huy giá trị di sản hoàng cung.
Trong khuôn khổ chương trình “Hương sắc thảo mộc Đoan Dương”, du khách đã có cơ hội giao lưu với các nhà sử học, nghệ nhân dân gian, thưởng lãm ca trù, tìm hiểu về tục “giết sâu bọ”, tục hái thảo mộc làm trà và làm thuốc thông qua hệ thống trưng bày hiện vật, pano, tranh cổ động nghệ thuật Graffiti… Tết Đoan Ngọ nói lên ước vọng cầu mong cho mùa màng bội thu, đời sống ổn định, khỏe mạnh, an bình.
Theo nghiên cứu của nhiều nhà y học dân gian, thảo mộc được hái vào giờ Ngọ ngày Đoan Ngọ thì hương sắc được kết tinh lại sẽ tăng thêm dược tính chữa bệnh. Tất cả các bộ phận của thảo mộc từ rễ, thân, lá và quả được sử dụng rất đa dạng với hai tính năng phổ biến nhất là dùng làm trà uống tiêu độc, thanh nhiệt, phòng bệnh hàng ngày và biệt dược để chữa các bệnh thông thường cũng như phòng chống dịch trong cộng đồng. Các sản phẩm từ thảo dược như trà, tinh dầu, nước sát khuẩn… này được trưng bày giới thiệu vô cùng ấn tượng và đẹp mắt. Qua đó du khách còn có cơ hội tiếp cận những thông tin, kiến thức bổ ích để lưu truyền, vận dụng trong việc bảo vệ sức khỏe.
Điểm nhấn của chương trình là Không gian nghệ thuật thưởng trà cung đình. Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết thì: Phong tục uống trà là một nét đẹp văn hóa của người Việt, thưởng trà là một thú vui tao nhã của bậc nam nhân. Xưa vua Trần dựng điện thưởng trà (gọi là “điện trà”), vua Nguyễn dùng trà làm vật phẩm ban cho các bề tôi vào ngày thiết triều mừng tiết Đoan Ngọ. Trà không chỉ là thức uống dân dã, bình dị trong dân chúng, tốt cho sức khỏe mà uống trà còn được nâng lên như một nghệ thuật thưởng thức, vừa công phu, tinh tế vừa đậm đà bản sắc dân tộc.
Ban tổ chức đã mời nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng tái hiện trình diễn về nghệ thuật uống trà của vua, quan xưa. Theo nghệ nhân Hoàng Anh Sướng, người xưa uống trà rất tinh tế, cần thận từng khâu và đúc kết: “Nhất thủy - Nhị trà - Tam pha - Tứ ấm”. Có nghĩa là đầu tiên nước pha trà phải ngon, thứ hai là trà ngon, thứ ba người pha trà phải khéo và cuối cùng ấm pha trà phải tốt. Pha trà, mời trà và thưởng trà được nâng lên đến mức nghệ thuật làm sao để hướng đến bốn chữ vô cùng đáng quý “Hòa - Kính - Thanh - Tịnh”.
Hòa là sự hòa hợp, chúng ta uống trà để tìm thấy sự gần gũi, sẻ chia và đồng cảm. Kính ở đây là tôn kính, sự tôn trọng lẫn nhau. Thanh chính là sự thanh khiết của tâm hồn. Chúng ta uống trà để tẩy bụi trần. Tịnh chính là sự tĩnh lặng, ta uống trà để tâm lắng dịu, thảnh thơi, an lạc.
Tất cả các khâu được nghệ nhân trình bày trực tiếp tỉ mỉ, cặn kẽ khiến người xem vô cùng thích thú và trực tiếp tận hưởng được chén trà tinh túy nhất. Theo đại diện Ban tổ chức, có rất nhiều phong tục thú vị về Tết Đoan Ngọ của vua chúa ngày xưa mà sử sách ghi lại nhưng những người tổ chức chương trình lần này mới chỉ dám nhận là tái hiện và trình diễn nghệ thuật thưởng trà cung đình theo một cách rất khiêm tốn, không phải nghi thức đầy đủ các bước.
Diệp Anh
Theo