Thứ ba 05/11/2024 09:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Hướng đến nền kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc và phát triển bền vững

14:44 | 27/03/2022

(Xây dựng) - Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 có định hướng và phát triển lĩnh vực kiến trúc trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

huong den nen kien truc hien dai giau ban sac va phat trien ben vung
Phát triển kiến trúc đô thị theo hướng hiện đại, bền vững (Ảnh: Internet).

Diện mạo đô thị, nông thôn thay đổi tích cực

Giai đoạn trước năm 2020, lĩnh vực kiến trúc chủ yếu thực hiện theo các quy định của Luật Xây dựng và Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đạt được những kết quả tích cực. Bộ mặt kiến trúc đô thị đã phát triển mạnh mẽ cùng với quá trình đô thị hóa trên cả nước. Các địa phương đã phê duyệt ban hành 141 Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị, trong đó có 25 thiết kế đô thị làm cơ sở cho công tác quản lý kiến trúc (tính đến tháng 11/2020, cả nước có 862 đô thị).

Theo Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng), công tác quản lý kiến trúc được thực hiện đồng bộ với quy hoạch xây dựng. Diện mạo đô thị hình thành theo chiều hướng tích cực, hình thức kiến trúc hiện đại, công nghệ xây dựng tiên tiến, tính hội nhập và đặc biệt tính tuân thủ quy định pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tạo lập được không gian kiến trúc cảnh quan giữa khu đô thị cũ và khu đô thị xây dựng mới theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, có cơ sở hạ tầng đồng bộ và tỷ lệ cây xanh mặt nước. Việc bảo tồn các di sản kiến trúc, các công trình kiến trúc có giá trị đã được quan tâm và trở thành một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra bản sắc đô thị, góp phần cho sự phát triển văn hóa, du lịch. Tại các khu đô thị mới, đặc biệt là tại các thành phố lớn, các công trình kiến trúc cao tầng đang phát triển mạnh, tạo ra các tổng thể hoàn chỉnh từ kiến trúc đến hạ tầng kỹ thuật.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc Vũ Anh Tú: Kiến trúc nông thôn đã được thực hiện theo quy hoạch từ tổng thể làng, xã cho đến khuôn viên ngôi nhà của từng hộ gia đình. Kiến trúc nông thôn dần có sự thay đổi do có sự tham gia tích cực của kiến trúc sư và cộng đồng. Việc xây dựng nông thôn dần đi vào trật tự, theo hướng hiện đại hóa. Chủ trương xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ, xây dựng các khu vực nông thôn văn minh, tiên tiến, đậm đà bản sắc, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về tiện nghi hạ tầng giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa vùng đồng bằng với vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Một số tồn tại, hạn chế

Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra điều kiện kinh tế - xã hội phát triển dẫn đến xã hội bắt đầu quan tâm đến kiến trúc, chất lượng công trình kiến trúc. Theo đó, nhiều công trình di sản kiến trúc được đầu tư bảo tồn, nhiều công trình kiến trúc mới, hiện đại, chất lượng cao ra đời, góp phần không nhỏ vào việc hình thành bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị và nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại.

Mặt khác, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý kiến trúc từng bước được hoàn thiện. Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 đã được Quốc hội thông qua (hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020) thể hiện rõ về vấn đề hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển ngành Kiến trúc.

Theo ông Nguyễn Chí Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc: “Mặc dù bộ mặt kiến trúc đô thị tại các địa phương đã có sự cải thiện đáng kể, tuy nhiên kiến trúc đô thị chưa tạo được bản sắc riêng rõ nét trong quá trình phát triển và định hướng về không gian, hình thức kiến trúc công trình đô thị. Vẫn còn những công trình tuy lớn về quy mô những thiếu sự đầu tư, sáng tạo về hình ảnh công trình mang tính thẩm mỹ kiến trúc cao, chưa truyền tài được đặc trưng kiến trúc của dân tộc”.

Vụ Quy hoạch - Kiến trúc cũng nhìn nhận rõ việc quản lý kiến trúc công trình cải tạo, xây chen trong các đô thị còn bị buông lỏng, dẫn đến tình trạng bề mặt các tuyến phố còn lộn xộn, xây dựng lấn chiếm chỉ giới đường đỏ. Nhiều công trình xây dựng dang dở, để hoang không có các rào che chắn ngay trong trung tâm các đô thị gây mất mỹ quan đô thị. Các đồ án thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chưa phát huy tác dụng do tính thực tiễn chưa cao. Nhiều địa phương chưa chủ động rà soát, lên kế hoạch và đưa việc lập quy chế vào danh sách kế hoạch vốn hàng năm của địa phương.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, trùng tu công trình kiến trúc có giá trị tại các đô thị đang đứng trước những thách thức, chưa lập được kế hoạch dài hạn. Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch bảo tồn di tích với hệ thống công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực đô thị. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực thiết kế, sáng tác kiến trúc công trình cũng như trong công tác quản lý Nhà nước còn hạn chế đã làm chậm đà phát triển kiến trúc tại các địa phương.

Đối với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực nông thôn, nhiều chuyên gia cho rằng đã có những biểu hiện mang giá trị hiện đại và đáp ứng nhu cầu sinh sống của người dân, từng bước đã có sự tham gia tích cực của kiến trúc sư. Tuy nhiên, cho đến nay, việc quản lý xây dựng công trình kiến trúc nông thôn chưa được kiểm soát chặt chẽ do thiếu hướng dẫn cụ thể để chính quyền địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện. Cảnh quan và không gian văn hóa làng quê đang bị phá vỡ, môi trường ngày càng báo động.

Trong đó, xu hướng hiện nay là người dân nông thôn đang dần từ bỏ các kiểu nhà truyền thống, lấp kín sân vườn. Các ngôi nhà liền kề bê tông kiểu dạng nhà ống đang phát triển mạnh làm mất dần đi bản sắc kiến trúc truyền thống. Bảo vệ sự đa dạng về sắc thái kiến trúc địa phương sẽ là cơ sở cho việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc kiến trúc của Việt Nam trong tương lai. Kiến trúc các công trình công cộng chưa được đầu tư nhiều để đáp ứng được tiêu chuẩn và phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp, chăn nuôi, phát triển du lịch, văn hóa.

Kiến trúc phát triển bền vững

Để tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Bộ Xây dựng nói chung và lãnh đạo Bộ nói riêng xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành và đưa ra các nhóm giải pháp quan trọng, cụ thể:

Hoàn thiện thể chế, quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kiến trúc; đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về kiến trúc. Các đô thị hoàn thành xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn.

Bên cạnh đó, bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống; hoàn thành việc xây dựng Danh mục công trình kiến trúc có giá trị tại các địa phương. Đặc biệt, phải thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc, đến năm 2030 hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc quốc gia, số hóa các công trình kiến trúc có giá trị.

Vụ Quy hoạch - Kiến trúc cũng đặt ra tiêu chuẩn đối với các công trình kiến trúc phải đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; có giải pháp phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

huong den nen kien truc hien dai giau ban sac va phat trien ben vung
Các công trình kiến trúc tại nông thôn đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu.

Việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Kiến trúc trong tương lai gắn với việc đổi mới mô hình và phương thức đào tạo kiến trúc sư đáp ứng nhu cầu thực tiễn và học tập mô hình quốc tế phù hợp. Xây dựng chiến lược phát triển nhân lực chuyên ngành, đi sâu bồi dưỡng tài năng, tôn vinh, thu hút và trọng dụng nhân tài; gắn đào tạo với nghiên cứu, nhất là nghiên cứu ứng dụng; chú trọng nội dung đào tạo liên tục, nâng cao kỹ năng hành nghề; từng bước nâng cao chất lượng công tác lý luận phê bình, phản biện, giám sát kiến trúc.

Bộ Xây dựng xác định việc tuyên truyền về kiến trúc nhằm nâng cao nhận thức, thẩm mỹ kiến trúc của cộng đồng. Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế, tạo mối liên hệ, liên kết chặt chẽ về hoạt động kiến trúc giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị, nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập, bản sắc và bền vững.

Theo thống kê của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tính đến năm 2020, trên cả nước có 39 trường đại học, cơ sở có chuyên ngành đào tạo kiến trúc sư, quy mô tuyển sinh khoảng 3.500 sinh viên/năm. Cả nước có khoảng 20.000 kiến trúc sư đang hành nghề hoạt động kiến trúc; hoạt động tư vấn kiến trúc chiếm trên 60%, khoảng 1/3 trong số đó có trình độ sáng tác, làm chủ nhiệm và tác giả của các đồ án kiến trúc - quy hoạch có chất lượng, đóng góp chủ đạo cho kiến trúc nước nhà phát triển.

Hà Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load