Thứ ba 05/11/2024 01:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

Hơn một nửa quốc gia trên thế giới không công khai dữ liệu chất lượng không khí

17:35 | 20/07/2020

(Xây dựng) – Báo cáo của tổ chức phi Chính phủ OpenAQ cho biết, 51% quốc gia trên thế giới với khoảng 1,4 tỷ người dân sinh sống đã không công bố công khai dữ liệu chất lượng không khí, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi ô nhiễm không khí là “rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe”.

hon mo t nu a quo c gia tren the gio i khong cong khai du lieu chat luong khong khi
Bầu khí quyển thế giới đang bị ô nhiễm rất nặng.

OpenAQ là một tổ chức phi lợi nhuận chia sẻ dữ liệu chất lượng không khí mở để hỗ trợ việc làm sạch không khí trên toàn cầu. Mới đây, OpenAQ đã phát hành một báo cáo cho thấy sự bất bình đẳng rất lớn trong việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí.

Người dân sống ở hơn một nửa số quốc gia trên thế giới không được truy cập vào dữ liệu chính thức của Chính phủ về chất lượng không khí. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng vì WHO đã khẳng định rằng, cứ 10 người thì có đến 9 người hít phải không khí có chứa chất gây ô nhiễm cao.

Nghiên cứu có tên “Dữ liệu chất lượng không khí mở: Thực trạng toàn cầu” đã tiến hành đánh giá tại 212 quốc gia và phát hiện có đến 109 Chính phủ (51%) không công bố công khai dữ liệu chất lượng không khí của bất kỳ chất gây ô nhiễm chính.

Trong đó, một số Chính phủ ở các nước như Pakistan, Nigeria hay Ethiopia không tạo ra bất kỳ dữ liệu ô nhiễm không khí quốc gia, cộng đồng nào. Một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Philippines, Brazil hay Nam Phi thì không chia sẻ dữ liệu một cách hoàn toàn công khai và minh bạch.

OpenAQ đánh giá, việc thiếu hụt thông tin đang ngăn cản mọi người yêu cầu hành động từ Chính phủ của họ để giải quyết rủi ro môi trường lớn nhất đối với sức khỏe và thay đổi hành vi của chính họ. Hiện nay, ô nhiễm không khí ngoài trời đang dẫn đến khoảng 4,2 triệu ca tử vong mỗi năm, nhiều hơn cả số người chết vì dịch bệnh Ebola, HIV/AIDS, lao và sốt rét cộng lại là khoảng 2,7 triệu người. Đáng chú ý, 90% số ca tử vong diễn ra ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình.

Ngoài ra, OpenAQ cũng nhận định, công cuộc cải thiện chất lượng không khí vẫn rất thiếu sự hỗ trợ từ các quốc gia và cá nhân giàu có. Mỗi năm, các quỹ từ thiện tài trợ khoảng 150 tỷ USD, nhưng chỉ có khoảng 0,02% số tiền trong này được cùng để hỗ trợ cải thiện chất lượng không khí ngoài trời.

hon mo t nu a quo c gia tren the gio i khong cong khai du lieu chat luong khong khi
Ô nhiễm không khí ngoài trời đang dẫn đến khoảng 4,2 triệu ca tử vong mỗi năm.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là hầu hết các quốc gia có mức độ ô nhiễm cao thường có rất ít dữ liệu mở về chất lượng không khí từ Chính phủ. Tiến sỹ Christa Hasenkopf - nhà khoa học khí quyển, người sáng lập OpenAQ cho biết: “Truy cập cơ bản vào dữ liệu chất lượng không khí là bước đầu tiên để cải thiện bầu không khí mà chúng ta hít thở. Bằng cách cung cấp quyền truy cập vào dữ liệu mở hoàn toàn, các Chính phủ có thể tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội - từ các nhà khoa học, các nhà phân tích chính sách đến các nhà hoạt động - cùng nhau giải quyết vấn đề. Điều này sẽ giải phóng tối đa tiềm năng và tác động của dữ liệu Chính phủ, khuyến khích đổi mới và huy động cộng đồng hành động”.

OpenAQ cung cấp chỉ số ô nhiễm không khí của họ miễn phí cho tất cả mọi người bao gồm các nhà khoa học, nhà phát triển phần mềm, tổ chức phi Chính phủ và nhà vận động trên toàn thế giới, kết quả là có 35 triệu yêu cầu dữ liệu mỗi tháng.

Hiện nay, các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đang sử dụng dữ liệu từ nền tảng OpenAQ để cải thiện hệ thống dự báo chất lượng không khí toàn cầu của họ. Dữ liệu đó cùng với dữ liệu vệ tinh về ô nhiễm không khí của NASA có khả năng mang lại thông tin về chất lượng không khí cho mọi người trên thế giới, kể cả ở những nơi không có các trạm quan trắc trên mặt đất.

Tiến sỹ Bryan Duncan, một nhà khoa học khí quyển tại NASA cho biết: “Dữ liệu mở là một bước nhỏ để hướng tới một bầu không khí sạch hơn. Để chống ô nhiễm không khí, chúng ta cần nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của nó đối với sức khỏe con người”.

“Chính vì vậy, việc làm cho dữ liệu ô nhiễm không khí trở lên dễ dàng truy cập là rất quan trọng. Nền tảng OpenAQ cho phép những người ra quyết định dễ dàng nhìn thấy những nơi mà các nỗ lực chống ô nhiễm đang phát huy tác dụng trên khắp thế giới và những nơi cần hỗ trợ bổ sung”.

hon mo t nu a quo c gia tren the gio i khong cong khai du lieu chat luong khong khi
Các nhà khoa học NASA đang sử dụng dữ liệu từ nền tảng OpenAQ để cải thiện hệ thống dự báo chất lượng không khí trên toàn cầu của họ.

Trong khi đó, một doanh nhân tại New Delhi tên Amrit Sharma đã sử dụng dữ liệu OpenAQ để phát triển ứng dụng chatbot “Smokey” nhằm cung cấp các cảnh báo đơn giản qua Facebook, Twitter và WhatsApp cho mọi người ở 48 quốc gia để họ có thể quyết định đeo khẩu trang hoặc ở nhà vào những ngày ô nhiễm cao.

Dịch Phong (Ảnh: Internet)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load