Thứ năm 28/11/2024 18:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Hội thảo: Xu hướng công nghệ - vật liệu trong công trình xây dựng

09:25 | 28/09/2022

(Xây dựng) - Ngày 28/9, tại Hà Nội, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng phối hợp với Vụ Vật liệu xây dựng tổ chức Hội thảo “Xu hướng công nghệ vật liệu trong công trình xây dựng”.

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung

Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Phạm Minh Hà – Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Ths.Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng; PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường; PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng; bà Đỗ Nguyệt Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; cùng đại diện các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng; đại diện các Hiệp hội: Hội Vật liệu xây dựng; Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hiệp hội bất động sản Việt Nam cùng các chuyên gia vật liệu xây dựng, chuyên gia về kiến trúc; đại diện các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; các công ty thiết kế, kiến trúc xây dựng….

Một số năm gần đây, sự biến đổi của khí hậu đã làm cho môi trường sống của con người ngày càng bị đe dọa, tạo sức ép buộc các quốc gia phải chú trọng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Phát triển các loại vật liệu xây dựng thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, đây cũng là xu thế tất yếu, là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Để đạt được mục tiêu này, các sản phẩm vật liệu phải đáp ứng được yêu cầu: Tiêu tốn ít năng lượng hơn cho việc tạo ra nó và giúp tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ cho công trình xây dựng khi đưa vào sử dụng.

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
Toàn cảnh Hội thảo “Xu hướng công nghệ vật liệu trong công trình xây dựng”

Ngoài ra Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 được xây dựng dựa trên 6 quan điểm nhất quán. Trong đó, phát triển ngành Vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học, công nghệ, quản lý nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; Hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng…

Với chủ đề “Xu hướng công nghệ - vật liệu trong công trình xây dựng”, Hội thảo sẽ tập trung đi sâu phân tích những thực trạng của thị trường vật liệu xây dựng hiện nay và giới thiệu những xu hướng công nghệ vật liệu xây dựng mới, ứng dụng trong kiến trúc và công trình xây dựng. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý lắng nghe ý kiến từ nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng xoay quanh câu chuyện sản xuất kinh doanh, trong đó có những bất cập, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết: Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành xây dựng và của ngành công nghiệp nói chung, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm vừa qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở. Giá trị vật liệu xây dựng thường thường chiếm 60% - 70% trong cơ cấu giá thành công trình xây dựng vì vậy chất lượng, giá thành vật liệu xây dựng quyết định rất lớn đến chất lượng và giá thành xây dựng công trình.

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
Ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Nguyễn Anh Dũng cũng cho biết: Hiện nay các giải pháp, các xu hướng công nghệ mới từ ngành Vật liệu xây dựng rất nhiều và đa dạng, từ đổi mới các vật liệu truyền thống và cải thiện các tính năng sẵn có, đến việc tạo ra các tổ hợp vật liệu mới có thêm nhiều tính năng, cho đến các vật liệu mới và tính năng hoàn toàn mới. Có rất nhiều loại vật liệu xây dựng và hoàn thiện tiên tiến đã được đưa ra thị trường hoặc đang tiếp cận thị trường. Mặc dù có nhiều tiềm năng lớn, nhưng các loại vật liệu mới vẫn khó thâm nhập thị trường, chưa nói đến việc đạt được sự chấp nhận rộng rãi. Hội thảo ngày hôm nay có sự tham gia của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các chủ đầu tư, nhà sản xuất và các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Đây là dịp để phân tích thực trạng thị trường vật liệu xây dựng, phân tích bức tranh toàn diện và giới thiệu những xu hướng công nghệ vật liệu xây dựng mới, ứng dụng trong kiến trúc và công trình xây dựng. Đồng thời, các nhà quản lý cũng được lắng nghe ý kiến từ nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh vật liêu xây dựng về những bất cập, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng trong bối cảnh hiện nay. Nhận diện những thách thức cũng như thời cơ để kịp thời đưa ra chính sách khuyến khích phát triển phục vụ ngành Vật liệu Xây dựng, góp phần tạo giá trị và thu cho quốc gia hoặc cảnh báo những nguy cơ xấu nếu có.

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc cho biết: Có thể thấy, sản xuất vật liệu xây dựng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong 15 năm qua, ngành vật liệu xây dựng đã phát triển vô cùng mạnh mẽ, Việt Nam từ một nước nhập khẩu hầu hết vật liệu, cho đến nay đã từng bước phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2010, cơ bản Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm vật liệu xây dựng, đáp ứng được nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu.

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
Ths.Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo.

Ths.Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho biết: Sản xuất vật liệu xây dựng ngày nay đang có xu hướng phát triển các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường. Ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã chính thức phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050. Chiến lược được xây dựng trên 6 quan điểm, trong đó quan điểm phát triển vật liệu xây dựng hiệu quả bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, tiếp cận, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thế giới, quản lý vật liệu và sử dụng hiệu quả tài nguyên năng lượng, nhiên liệu, hạn chế ảnh hưởng môi trường là điều quan trọng.

Mục tiêu của chiến lược là sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiết kiệm năng lượng, vật liệu có sức cạnh tranh cao, loại bỏ các công nghệ cũ, lạc hậu tiêu tốn nhiều tài nguyên…Từ mục tiêu, quan điểm trên, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang triển khai sản xuất vật liệu xây dựng hết sức tích cực, song song đó là biện pháp quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước như xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quản lý vật liệu xây dựng được tăng cường.

Hội thảo lần này là tiền đề để doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước về vật liệu xây dựng có cơ hội thảo luận, giới thiệu những công nghệ, sản phẩm vật liệu xây dựng mới, tạo sức hút cho thị trường.

Ông Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng): Phát triển vật liệu xây dựng đã từng bước được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
Ông Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)

Hiện nay, phát triển vật liệu xây dựng của nước ta đã bắt đầu hướng đến áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh kinh tế; chủ động hội nhập quốc tế; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải rắn, phát thải các-bon thấp.

Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng đều có sự chuyển biến tích cực. Các dây chuyền sản xuất theo công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường từng bước được loại bỏ. Các nhà máy mới được đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, nhiều dây chuyền được trang bị mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, trình độ công nghệ đạt ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới. Phát triển vật liệu xây dựng đã từng bước được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với thời kỳ 10 - 15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Kinh tế, xã hội Việt Nam đang trên đà phát triển, quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng, nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng lớn, tạo ra nhu cầu rất lớn về sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng. Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ ở các lĩnh vực khác như cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ hóa học đã giúp cho lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng tăng năng suất, giảm chi phí và cho ra đời nhiều vật liệu mới, có tính năng ngày càng cao.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng đầy đủ, hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Hệ thống quản lý về chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng (quy chuẩn, tiêu chuẩn) cũng ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng gặp phải nhiều thách thức đó là: Tài nguyên khoáng sản ngày càng cạn kiệt, cần phải có giải pháp, công nghệ để sử dụng nguyên liệu có chất lượng thấp, tận dụng phế thải từ các ngành khác; Nhiên liệu hoá thạch ngày càng khan hiếm, chi phí cho nhiên liệu, năng lượng ngày một tăng cao; Các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính tạo ra các thách thức không nhỏ khiến ngành sản xuất vật liệu xây dựng cần phải có thay đổi mạnh mẽ về công nghệ sản xuất.

Ngoài ra, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đã định hướng phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; triệt để tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tận dụng tối đa chất thải từ các ngành khác; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm các chỉ số phát thải nhằm bảo vệ môi trường. Để đáp ứng các tiêu chí được định hướng trong Chiến lược, việc lựa chọn công nghệ sản xuất đối với một số chủng loại sản phẩm VLXD sẽ theo hướng sau:

Sản xuất xi măng: Các dây chuyền công suất lớn trên 5.000 tấn/ngày; có hệ thống calciner, sử dụng thiết bị nghiền đứng con lăn thay cho nghiền bi, có hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện; các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng và phát thải thấp.

Sản xuất vật liệu gốm ốp lát: Các dây chuyền công suất lớn, linh hoạt trong thay đổi mẫu mã sản phẩm. Các chỉ tiêu tiêu hao nhiên liệu, năng lượng thấp.

Sản xuất đá ốp lát tự nhiên: Công nghệ khoan, nêm tách, cắt dây kim cương và cưa đĩa, hạn chế tối đa khoan nổ mìn; Đối với công nghệ sản xuất đá ốp lát nhân tạo: xu hướng lựa chọn công nghệ là sản xuất sản phẩm khổ lớn, mức độ tự động hóa cao, sử dụng hệ thống ép, hút chân không để sản phẩm đạt mật độ cao; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin tạo mẫu sản phẩm có tính thẩm mỹ cao.

Sản xuất sứ vệ sinh: Dây chuyền có khả năng thay đổi mẫu mã linh hoạt, sử dụng khuôn đúc rót thế hệ mới (bằng kim loại) quay vòng nhiều lần; sản xuất với mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và mức phát thải ra môi trường thấp.

Sản xuất kính xây dựng: Công nghệ kính nổi sản xuất các sản phẩm khổ lớn; kính cường lực, kính an toàn, kính tiết kiệm năng lượng (kính Low-E, Solar control có hệ số truyền nhiệt U-Value, độ truyền tia UV, hệ số hấp thụ năng lượng mặt trời SHGC thấp). Hướng đến quá trình sản xuất với các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng và phát thải thấp.

Sản xuất gạch đất sét nung: Dây chuyền sản xuất có năng suất cao, có khả năng tận dụng nguyên liệu, nhiên liệu chất lượng thấp như đất đồi, phế thải từ các ngành khác; sử dụng lò nung tuynel di động hoặc tuynel trần phẳng thông thường.

Sản xuất vật liệu xây không nung: Dây chuyền sản xuất tấm lớn (tấm tường bê tông rỗng, tấm tường bê tông khí chưng áp và các loại tấm nhẹ khác), sản xuất với năng suất cao, chất lượng ổn định phù hợp với công nghệ thi công nhanh tại công trình; công nghệ cho phép tận dụng tối đa tro, xỉ nhiệt điện và các chất thải rắn thông thường khác trong thành phần sản phẩm.

Sản xuất cát nhân tạo: Các dây chuyền sử dụng thiết bị nghiền sàng công suất lớn, hiệu quả, có khả năng thay đổi nguyên liệu với mức độ biến đổi về độ cứng rộng, có hệ thống tuần hoàn nước, chi phí sử dụng năng lượng thấp, phát thải bụi thấp.

Thi công bê tông và sản xuất cấu kiện bê tông: Đối với bê tông thi công tại chỗ, việc lựa chọn công nghệ bê tông phù hợp với công trình cụ thể: Đối với các kết cấu hình ống theo phương đứng (silo, ống khói, tháp cầu, vách thang máy), sử công nghệ cốp pha trượt. Đối với xây dựng đập trọng lực, sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn. Với các kết cấu sàn vượt nhịp lớn sử dụng công nghệ sàn bê tông rỗng 3D. Đối với công tác sửa chữa, gia cường kết cấu, sử dụng các công nghệ bê tông đặc biệt như bê tông tự chảy (SCC), bê tông cốt sợi phân tán, bê tông tính năng cao (HPC) và siêu cao (UHPC). Công tác sản xuất bê tông có xu hướng chuyển dịch sản xuất từ công trường về nhà máy – nơi có điều kiện lao động tốt hơn để nâng cao năng suất, chất lượng cho cấu kiện đồng thời rút ngắn thời gian thi công tại hiện trường.

Ông Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam: Hướng tới sản xuất sạch và sản phẩm thân thiện

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
Ông Lê Văn Tới - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam

Giai đoạn từ 2010 đến nay, về lĩnh vực vật liệu xây dựng, Nhà nước có định hướng phát triển theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hướng đến sản xuất sạch và vật liệu xây dựng thân thiện. Tuy đã có nhiều thành tựu trong lĩnh vực sản xuất này nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Các văn bản pháp luật hiện hành quy định vật liệu xây dựng thân thiện là đối tượng được chú ý cả tới quá trình sản xuất ra nó, có các thuộc tính mà vật liệu xây dựng truyền thống không có. Đó là, mang lại hiệu quả cao hơn cho ngôi nhà, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng sống cho người sử dụng. Trong quá trình sản xuất giảm thiểu sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên khoáng sản. Trong quá trình sản xuất giảm thiểu chất thải, giảm thiểu ô nhiễm và những tác động hủy hoại môi trường.Trong quá trình sản xuất tham gia tích cực vào việc xử lý chất thải của ngành sản xuất khác. Tuy nhiên để thực hiện được những quy định trên là một quá trình khó khăn và không kém phần cam go.

Một số thống kê cho thấy, kết quả trong đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện như: Dây chuyền sản xuất kính phủ Low-e của Viglacera đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 7 năm 2016 với công suất 2.300.000m2/năm. Chưa có dự án sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng rác thải sinh hoạt làm nhiên liệu.

Về chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020, mục tiêu đề ra là “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20-25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020”. Nhưng, thực tế tới năm 2015 cả nước đã đầu tư trên 2 ngàn dây chuyền sản xuất gạch block bê tông (gạch xi măng cốt liệu), trong đó gần 150 dây chuyền khoảng trên 10 triệu viên/năm và 13 dây chuyền gạch bê tông khí chưng áp. Chỉ tích 3 loại VLXKN cơ bản là block bê tông, AAC và bê tông bọt, cả nước đa có tổng công suất là 6,5 tỷ viên QTC; công suất đó có thể nói đã vượt chỉ tiêu của năm 2020…

Từ đầu năm 2020 cả nước bị ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, các ngành sản xuất bị đình trệ, trong đó có ngành xây dựng và lĩnh vực vật liệu xây dựng. Các cơ sở sản xuất không được khai thác hết công suất do việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn, vì vậy việc đầu tư mới các cơ sở sản xuất VLXKN cũng chững lại.

Hiện nay, ngày càng có nhiều khối nhà cao tầng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên vẫn chưa phải tất cả các chủ đầu tư, hay tại các dự án nhà cao tầng đều sử dụng, trong khi Quy chuẩn Việt Nam số 09/2013/BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, đã quy định việc hạn chế bức xạ mặt trời.

Về tiêu thụ VLXKN, theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng, nếu tính bình quân cả nước và các loại VLXKN nói chung thì con số sử dụng năm 2015 là 4,98 tỷ viên QTC trên tổng số 23 tỷ viên VLX được sử dụng, đạt 21%. Như vậy chỉ tiêu thứ nhất của Chương trình 567 là tỷ lệ sử dụng bình quân trong cả nước đã đạt (Chương trình đề ra là trên 20%);

Tỷ lệ gạch nhẹ đang ở tỷ lệ thấp, chỉ mới khoảng gần 10% trên tổng số VLXKN, mà mục tiêu đề ra là trên 20%. Đây là chỉ tiêu quan trọng thứ hai trong Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng là tiêu chí quan trọng, nhằm khuyến khích tạo ra công trình xanh.

Ngoài tính năng vượt trội khác như nhẹ, dễ xây, tạo tính công nghiệp hóa cao trong sản xuất và sử dụng…VLXKN loại nhẹ có độ cách âm lớn, độ truyền nhiệt rất thấp. Hai tiêu chí này khiến cho người sống trong tòa nhà được khỏe khoắn và thoải mái hơn. Đặc biệt độ truyền nhiệt thấp của gạch bê tông khí chưng áp giúp tòa nhà có thể tiết kiệm tới 40% năng lượng để sưởi nóng vào mùa đông và làm mát vào mùa hè. Những người đã sống trong căn hộ được xây bởi gạch bê tông khí chưng áp thì cảm nhận rất rõ điều này.

Giải pháp nào để việc sản xuất và sử dụng VLXD thân thiện được như định hướng? Đó là, Nhà nước cần phải có những biện pháp hành chính cần thiết để thúc đẩy sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện. Những biện pháp này cần được quy định trong văn bản pháp luật, ít nhất là trong Nghị định. Bên cạnh đó, phải thay đổi trong công tác chỉ đạo thực hiện: Cần nhất quán, quyết liệt hơn; gắn trách nhiệm cho các địa phương, có kiểm tra, có khen thưởng các địa phương làm tốt, có phê bình đối với những địa phương thực hiện chưa tốt. Công tác tuyên truyền cần được coi trọng và mạnh mẽ hơn. Các giải pháp mang tính kỹ thuật, chuyên sâu về khung kỹ thuật. Các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiên. Đặc biệt đối với công trình “xanh” cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể.

Về đào tạo: Phải có chương trình giảng dạy tại các trường chuyên ngành xây dựng về thiết kế, thi công sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện; Cần có sự cập nhật, cải tiến trong biên soạn giáo trình. Khuyến khích, hỗ trợ các trường, các trung tâm dạy nghề mở các khóa đào tạo ngắn hạn kỹ thuật cho công nhân sử dụng VLXKN.

Về công nghệ thi công, cần bổ sung chính sách để khuyến khích sử dụng công nghệ thi công tiên tiến, nhằm tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động trong sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện.

PGS.TS Lương Đức Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam: Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp

Sản xuất vật liệu xây dựng là một ngành công nghiệp, đối với đa số sản phẩm vật liệu xây dựng, quá trình sản xuất bao gồm các công đoạn từ: Khai thác nguyên liệu, gia công và đồng nhất nguyên liệu, chế tạo sản phẩm…Ngoài sản xuất, doanh nghiệp cần mua vật tư, phụ tùng phục vụ sản xuất, bảo trì, sửa chữa thiết bị, thực hiện việc vận chuyển (logistic), bán hàng….Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần tập trung chuyển đổi số và áp dụng thành tựu công nghệ trong các doanh nghiệp vật liệu xây dựng để tối ưu hoá sản xuất và các công đoạn liên quan nhằm phục vụ tốt nhất đến khách hàng.

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
PGS.TS Lương Đức Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 6,5 – 7% vào GDP của Việt Nam. Do quá trình phát triển kết cấu hạ tầng của nước ta vẫn tiếp tục trong vài chục năm nữa nên xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn tới.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần áp dụng các thành cựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Một trong những việc không thể thiếu khi áp dụng I4 là chuyển đổi số. Nếu không chuyển đổi số, không thể thực hiện được bất kỳ nội dung nào trong I4.

Chuyển đổi số là việc chuyển toàn bộ các thông tin, dữ liệu liên quan đến doanh nghiệp, từ khai thác mỏ, cung ứng vật tư, phụ tùng, sản xuất, logistic, bán hàng, quản lý, điều hành, công tác lập kế hoạch, tổ chức, nhân sự…thành các tín hiệu số để máy tính có thể đọc được, lưu trữ, quản lý, xử lý, chuyển từ nơi này đến nơi khác thông qua kết nối internet (IoT). Chuyển đổi số là nền tảng, tạo ra “nguyên liệu” cho tất cả các công việc tiếp theo của I4. Nếu không có chuyển đổi số, sẽ không có cách mạng công nghiệp 4.0.

Nội dung chuyển đổi số của doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bao gồm việc chuyển đổi số của 5 khâu. Trong mỗi khâu này lại bao gồm rất nhiều nội dung khác nhau. Các dữ liệu đã được số hóa sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Có thể tóm tắt một số nội dung cơ bản như sau:

Mỏ nguyên liệu, cần số hóa các dữ liệu: Trữ lượng mỏ, chất lượng mỏ theo lưới khoan địa chất, tình hình khai thác (biến đổi trữ lượng, chất lượng theo thời gian), điều kiện khai thác…Các dữ liệu này được sử dụng để mô hình hóa mỏ nguyên liệu phục vụ công tác khai thác, sử dụng tối ưu nguyên liệu, dự báo nguyên liệu và lập kế hoạch nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Dây chuyền công nghệ sản xuất, cần số hóa các dữ liệu: Danh mục thiết bị kèm theo quy cách, sơ đồ công nghệ, các thông số vận hành, năng suất, chất lượng sản phẩm và bán sản phẩm của từng công đoạn sản xuất, tình trạng chất lượng thiết bị, dây chuyền sản xuất, thời gian dừng kỹ thuật, sự cố…Các dữ liệu này được sử dụng để tối ưu hóa các thông số vận hành, dự báo bảo trì, tiết kiệm năng lượng, chi phí nhân công, lập kế hoạch cung cấp phụ tùng thay thế.

Ông Vasudevan Murugesu - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Sika Việt Nam: Cung cấp giải pháp đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam

Với tầm nhìn và mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện sức khỏe người dùng, Sika Việt Nam đặt ra chỉ tiêu giảm 12% lượng khí thải CO2 trên mỗi tấn bán ra với cam kết “tăng giá trị - giảm tác động”. Sika sẽ tối đa hóa thị phần điện tái tạo, giảm 15% năng lượng tiêu thụ trên mỗi tấn bán ra và hạn chế tối đa lượng nước tiêu thụ để bảo vệ nguồn nước tự nhiên, đồng thời giảm lượng chất thải phát sinh để bảo vệ sự bền vững. Để thực hiện kế hoạch phát triển theo xu hướng bền vững, Sika tập trung giải pháp xanh vào ba lĩnh vực: gia tăng độ bền, giảm lượng clinker và sàn mái xanh.

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
Ông Vasudevan Murugesu - Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Sika Việt Nam.

Các giải pháp của Sika sẽ góp phần giảm lượng khí thải carbon bằng cách tăng tuổi thọ cho các công trình. Hơn thế nữa, các giải pháp của Sika cũng cho phép giảm hàm lượng clinker cao trong xi măng và bê tông, ngay cả khi sử dụng vật liệu kết dính bổ sung, vừa đảm bảo hiệu suất cao, vừa ít ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe cho thầu thợ, gia chủ và những người sử dụng. Đặc biệt, Sika còn có một loạt các giải pháp sàn mái xanh không những giúp công trình bền vững lâu dài mà còn góp phần giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, phủ xanh cho các thành phố.

Hiện tại, Sika đang sở hữu nhiều giải pháp, lợi thế sáng tạo và cải tiến cho phép chuyển đổi cần thiết. Trong đó có các giải pháp sàn mái tiết kiệm năng lượng, bền bỉ hướng đến sự bền vững. Cụ thể, các giải pháp cho mái xanh tiết kiệm năng lượng, giảm hiệu ứng đảo nhiệt và sàn mái mát hơn giúp giảm tiêu thụ năng lượng lên đến 15%. Đặc biệt, công nghệ Sika ViscoCrete cho phép giảm đến 40% hàm lượng nước trong bê tông giúp công trình tiết kiệm nước và bê tông cũng như xi măng mà vẫn đảm bảo được chất lượng công trình tuyệt hảo. Bên cạnh đó, để bảo vệ và tiết kiệm nước tối đa, Sika có hệ thống chống thấm giúp ngăn ngừa rò rỉ và ô nhiễm cho các hồ chứa, nhà máy xử lý nước.

Sika Việt Nam cho biết, để kéo dài tuổi thọ, tăng tính an toàn và hiệu quả năng lượng của kết cấu, Sika bổ sung thêm các giải pháp giúp gia cố, chống thấm, cách nhiệt, bảo vệ và sửa chữa các tòa nhà, công trình. Đặc biệt, keo trám Sika Power có thể giảm 50% trọng lượng bằng cách sử dụng vật liệu nhẹ dùng cho việc xây dựng các loại phương tiện giao thông nhẹ và xe điện.

Không chỉ vậy, nhằm hướng đến sự bền vững trong xây dựng, Sika Việt Nam còn có các chương trình tái chế giúp giảm gánh nặng cho các bãi chôn lấp như chương trình tái chế mái nhà bảo tồn tài nguyên thiên nhiên với 36.000 tấn vật liệu tái chế đã qua xử lý được chuyển từ các bãi chôn lấp.

Bằng việc cơ cấu tập trung theo các thị trường mục tiêu và vận hành theo hướng phân quyền tới địa phương, Sika sẵn sàng cung cấp đủ giải pháp đa dạng đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường Việt Nam, từ cơ sở hạ tầng như đường bê tông, cầu, cảng, sân bay, đường hầm đến các nhà máy công nghiệp, nhiệt điện, thủy điện, các dự án nhà máy thủy lợi, cấp nước và xử lý nước thải, xây dựng dân dụng hoặc các tòa nhà cao tầng.

Ông Vasudevan Murugesu cũng kiến nghị Bộ Xây dựng cùng các cơ quan và doanh nghiệp trong ngành Xây dựng tham gia vào việc nâng cao chất lượng xây dựng và tiêu chuẩn xây dựng tại Việt Nam. Việc này giúp cải thiện sức khỏe cư dân trong không gian sống và thầu thợ trong quá trình thi công. Ngoài ra, ông Vasudevan Murugesu đề xuất việc xác lập tiêu chuẩn có thể dựa trên các tiêu chuẩn xây dựng xanh có sẵn trên thị trường và phát triển, triển khai tiêu thuẩn TCVN dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất, phù hợp với thị trường nội địa…

TS.Trịnh Minh Đạt - Viện Vật liệu xây dựng: Vai trò của vật liệu hữu cơ trong xây dựng công trình hiện đại

Những vật liệu hữu cơ sử dụng trong công trình hiện đại: Vật liệu hữu cơ – hydrocarbon engineering là những vật liệu có nguồn gốc từ hợp chất hữu cơ tự nhiên hoặc tổng hợp. Từ đó, vật liệu hữu cơ được chia 2 nhóm gồm vật liệu tự nhiên và vật liệu tổng hợp.

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
TS. Trịnh Minh Đạt - Viện Vật liệu xây dựng.

Từ thời xa xưa, khi con người xây dựng Tháp Chàm, hay thành cổ nhà Hồ (từ thế kỷ XIII – XV) cho đến những công trình như chùa Dâu Bắc Ninh (xây dựng năm 226), Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh (năm 1891) đều sử dụng chất kết dính hữu cơ nối gạch, lớp đá, sơn phủ bảo vệ kết cấu cột bằng gỗ…

Ngày nay, tại các thành phố lớn, hầu hết công trình xây dựng đều có sử dụng những sản phẩm vật liệu hữu cơ như sơn bảo vệ bê tông cốt thép, sản phẩm ván sàn công nghiệp, gỗ công nghiệp…

Các chủng loại vật liệu hữu cơ được chia thành 5 nhóm: Bê tông và vữa; Công trình ngầm; Hoàn thiện công trình thô; Vật liệu hoàn thiện; Vật liệu có tính năng đặc biệt (xanh/tiết kiệm năng lượng).

Cụ thể, vật liệu hữu cơ sử dụng trong bê tông và vữa có sử dụng phụ gia hóa học (7 loại), phụ gia polyme (dạng bột, dạng lỏng), sợi PP, sợi PVA, hoặc một số phụ gia đặc biệt như bê tông ít co ngót, bê tông cốt thép biển, bê tông bơm, bê tông bọt…

Các phụ gia trên tồn tại trong vật liệu hữu cơ bê tông, vữa và sử dụng trong hầu hết các công trình thủy điện, công trình cầu cạn, cấu kiện bê tông kè hồ, làm đê chắn sóng công trình xây dựng dân dụng…

Căn cứ tiêu chuẩn quốc gia để kiểm soát quá trình sản xuất các vật liệu này gồm: TCVN 8826:2011; TCVN 10655:2015; TCVN 10654:2015; TCVN 12300:2018; TCVN 12392-2:2018; TCVN 13558:2022 (ASTM C1438-13); TCVN 13559:2022.

Vật liệu hữu cơ sử dụng trong xây dựng ngầm có thể kể đến: tấm HDPE, băng chặn nước PVC, dung dịch khoan polyme, sơn nhũ trương bitum, tấm trải chống thấm gốc bitum, chất kết nối bê tông cũ và bê tông mới, keo gắn thép – thép…

Tiêu chuẩn quốc gia áp dụng cho các chủng loại vật liệu hữu cơ sử dụng trong công trình xây dựng ngầm là: TCVN 9384:2012; TCVN 9480:2014; TCVN 6557:2000; TCVN 9065:2012; TCVN 9066:2012; TCVN 9066-(1-4):2012; TCVN 7951:2008; TCVN 7952-1(1-11):2008.

Đối với những vật liệu hữu cơ sử dụng trong hoàn thiện công trình thô, cũng rất đa dạng về chủng loại sản phẩm như: màng chống thấm FPO, chất chèn khe thi công lót và đổ nguội, chống thấm 2 thành phần, vữa dán gạch, keo chít mạch, vữa bảo vệ thép sử dụng để chống thấm kết cấu ngầm, chống thấm hầm chui, cầu đường, bể nước hay đập chứa nước…

Tiêu chuẩn quốc gia bao gồm: TCVN 9974:2013; TCVN 7305; TCVN 8491-(1-5):2011; TCVN 10097-(1-2):2013; TCVN 7899-2:2008 (ISO 13007-2:2005; TCVN 9204:2012; TCVN 9562:2017.

Một số các chủng loại vật liệu hữu cơ sử dụng để hoàn thiện công trình: bột bả tường, sơn lót, sơn phủ, giấy dán tường, ván sàn gỗ công nghiệp, cửa nhựa APS – PVC – composite, ván MDF, xốp PS.

Tiêu chuẩn quốc gia quy định: TCVN 7239:2014; TCVN 8652:2020; TCVN 11895:2017 (EN 235:2002); TCVN 11896:2017; TCVN 7960:2008; TCVN 11943:2018; TCVN 11352:2016; TCVN 7451:2004; TCVN 8266:2009; TCVN 13111:2020; TCVN 13181:2020.

Cuối cùng, xu thế hiện nay là các quốc gia sản xuất vật liệu hữu cơ tính năng đặc biệt (xanh/tiết kiệm năng lượng). Ngày nay, cũng như trong tương lai, hầu hết các ngôi nhà sẽ được sử dụng: công nghệ in 3D, phủ bề mặt hầu hết sử dụng sơn kị nước, sơn kháng khuẩn, hoặc các hợp chất mới, sơn chống nóng, sơn cách nhiệt và cản tia UV, xốp polystyren chống cháy…

Ông Đào Ngọc Long – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Greenpan: Định hướng phát triển tăng trưởng xanh, bền vững trong xây dựng

Việc phát triển chuỗi công trình hiệu quả bền vững, tiết kiệm năng lượng là mô hình lý tưởng được các quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam. Đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tiếp tục theo đuổi giải pháp công trình xanh trở thành yếu tố sống còn của hầu hết doanh nghiệp, nên Greenpan Pir Panel đã và đang định hướng phát triển tăng trưởng xanh, bền vững trong xây dựng.

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
Ông Đào Ngọc Long – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Greenpan.

Greenpan là doanh nghiệp vật liệu xây dựng chuyên sản xuất các tấm cách nhiệt Pir dùng trong xây dựng dân dụng, công nghiệp và lạnh công nghiệp, với các đặc tính ưu việt: Khả năng chống cháy, cách nhiệt, cách âm vượt trội. Công nghệ không sử dụng hợp chất HCFC, thân thiện với môi trường. Vật liệu nhẹ giúp giảm chi phí kết cấu xây dựng 20-25%. Tiết kiệm năng lượng sử dụng cho công trình 30%. Kiểu module giúp giảm thời gian thi công đến 50% so với thông thường.

Công nghệ kỹ thuật của Greenpan với dây chuyền sản xuất nhập khẩu 100% của châu Âu, trong đó các khâu sản xuất được tự động hóa, quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, từ việc thẩm định nguyên vật liệu đầu vào đến kiểm soát chặt chẽ thành phẩm đầu ra để đảm bảo mỗi m2 Panel đều đồng nhất về tính thẩm mỹ và đạt 100% theo tiêu chuẩn châu Âu. Bình quân công suất lên đến 20,000 m2/ngày, đáp ứng hoàn toàn yêu cầu khắt khe của khách hàng về tiến độ.

Hiện tại, dòng sản phẩm Panel Pir phù hợp cho nhiều loại công trình, từ thương mại dân dụng cho đến nhà máy công nghiệp như: Nhà xưởng, nhà máy dược, kho lạnh, phòng sạch, nông trại, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học…

Kiến nghị, hiện tại tiêu chuẩn của Greenpan chưa có ở Việt Nam nên Công ty rất mong muốn được các cơ quan chức năng hỗ trợ để tiêu chuẩn được phổ cập ở Việt Nam. Tạo hành lang pháp lý, đưa ra những quy định cụ thể về hợp chuẩn hợp quy tiêu chuẩn vật liệu xây dựng nhẹ/ vật liệu xanh không nung và thân thiện với môi trường như Pir để áp dụng trong các công trình xây dựng; Ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung, loại nhẹ.

TS.Trần Bá Việt – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bê tông Việt Nam: UHPC - Vật liệu lai giữa bê tông và thép cho xây dựng hạ tầng thế kỷ 21

Bê tông hiệu năng siêu cao (UHPC) sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các loại bê tông truyền thống về cường độ cũng như độ bền, đã được sử dụng ở nhiều nước. Tại Việt nam đã được ứng dụng trong nhiều công trình giao thông, thủy lợi, quân sự.

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
TS.Trần Bá Việt – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bê tông Việt Nam.

Bê tông hiệu năng siêu cao (UHPC) hay Ultra-High Performance Concrete là loại bê tông mới nên ít người biết tới, nhưng vật liệu sở hữu nhiều điểm vượt trội hơn so với các loại bê tông truyền thống về cường độ cũng như độ bền. UHPC là vật liệu tiềm năng mang lại nhiều kết cấu mới sáng tạo cho ngành công nghiệp xây dựng, độ bền vững cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tác động hiệu ứng khí thải. Tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng thành công UHPC đã tạo ra một bước tiến lớn đối với ngành Xây dựng nói chung và công nghệ bê tông của Việt Nam nói riêng từ cuối năm 2016.

Hiện nay, công nghệ và vật liệu bê tông UHPC ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn bắt đầu, điển hình là việc sửa chữa bề mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) năm 2020, đạt kết quả cao sau hơn 2 năm đi vào sử dụng. UHPC là công nghệ của thế giới nhưng đã được Việt Nam hóa, phù hợp với điều kiện của Việt Nam...Dự kiến trong năm 2022, Việt Nam sẽ ra bộ tiêu chuẩn cho bê tông UHPC để rộng đường cho ứng dụng vật liệu ưu việt này trong ngành Xây dựng.

Sản phẩm UHPC có tính ưu việt như độ bền cao hơn, nhẹ hơn, chi phí đầu tư thấp hơn bê tông thường. Đặc biệt, UHPC thích ứng với công trình biển, ven biển, khu vực có xâm nhập mặn... Vật liệu sử dụng cho UHPC đều sử dụng vật liệu trong nước, nên rất chủ động. Với tính năng ưu việt nên sản phẩm UHPC sẽ mở ra triển vọng cho thị trường bê tông, nâng cao hiệu suất sử dụng công trình.

Ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà: Sử dụng bể ngầm thu gom nước mưa chống ngập lụt đô thị bằng vật liệu polimer

Tình trạng ngập lụt ở các thành phố lớn trên cả nước diễn ra khá phổ biến. Cụ thể, tại Thủ đô Hà Nội là đô thị bị ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng ngập lụt cục bộ mỗi khi có mưa lớn, bão, gây tắc đường nghiêm trọng, phá hủy tài sản, ngập nước ôtô, xe máy và ảnh hưởng cuộc sống người dân. Tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng thường xuyên xảy ra ngập lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt đời sống.

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
Ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà.

Không chỉ có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà hầu hết các thành phố lớn của nước ta đều đã trải qua ngập lụt như: Đà Nẵng, Lai Châu, Phú Quốc, Nha Trang… gây nguy hiểm tính mạng người dân; nhiều cơ sở sản xuất dịch vụ ngừng hoạt động, du lịch bị ngừng trệ, hàng hóa không thể lưu thông, ô nhiễm môi trường và gây ra nhiều hậu quả về kinh tế, đời sống, sản xuất và dịch vụ.

Trên thế giới, hầu hết các thành phố lớn đều có những giải pháp chống ngập lụt đô thị tối ưu. Ở Thủ đô Kuala Lumpur – Malaysia sử dụng mô hình chống ngập là hầm đường bộ thoát nước dưới những con đường. Singapore thì chống ngập bằng cách xây dựng hệ thống hồ điều hòa vệ tinh, hồ điều hòa tập trung lớn.

Còn ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản các giải pháp được sử dụng là: Xây dựng hệ thống dẫn nước ngầm, dẫn nước từ sông nhỏ ra sông chính Endo và xây dựng hệ thống giếng chứa nước ngầm.

Hà Lan cũng có những giải pháp tối ưu để hạn chế tình trạng ngập lụt cho thành phố: Xây dựng hệ thống sông nhỏ, kênh dẫn nước dày đặc trong nội đô; hệ thống đê biển bao quanh thành phố; hệ thống kè biển thông minh, các cửa sông; hệ thống bơm thoát nước.

Nguyên nhân chính gây ngập lụt đô thị tại Việt Nam là do lượng nước mưa đổ xuống nhanh, nhiều, trên diện rộng. Hệ thống thoát nước không đáp ứng công suất tiêu thoát nước. Bên cạnh đó, quy hoạch thoát nước đô thị không đáp ứng: nước đổ dồn từ khu vựng cao về khu vực thấp gây ngập úng cục bộ.

Nói về giải pháp, ông Hoàng Mạnh Tân – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà đưa ra các giải pháp thông minh giải quyết 3 vấn đề: Thu gom, chứa nước mưa, tái sử dụng cho các hoạt động con người; giảm áp lực cho hệ thống thoát nước đô thị đầu cơn mưa; giảm ngập lụt đô thị do nước mưa đổ dồn từ khu vực cao sang khu vực trũng của thành phố.

Giải pháp số 1: Bể ngầm chứa nước mưa có tác dụng thu gom, trữ nước mưa từ mái nhà. Dung tích của bể từ 2, 3, 4 – 10m3 lắp đặt cho công trình nhà riêng. Ước tính hiệu quả của bể: Thành phố Hà nội lắp 100.000 công trình nhà dân, mỗi công trình lắp 1 bể chứa ngầm 4m3 thì tổng lượng nước mưa giữ lại trong mỗi trận mưa là: 100.000 x 4m3 = 400.000m3.

Giải pháp số 2: Bể nước ngầm chứa nước mưa các công trình có dung tích từ 50 – 1.000m3. Đây là giải pháp thu gom nước mưa tập trung, tái sử dụng lượng nước tích trữ.

Những giải pháp của Sơn Hà được nghiên cứu phù hợp với khí hậu cũng như địa hình đô thị Việt Nam. Tuy nhiên, để áp dụng thành công cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ban hành quy định bắt buộc các công trình xây dựng (nhà dân, công trình công cộng, nhà chung cư, văn phòng, nhà hàng, trường học, bệnh viện…) bù đắp diện tích bê tông hóa bằng thể tích bể ngầm chứa nước mưa tương đương, quy đổi m2 bê tông hóa diện tích đất: lớn hơn hoặc bằng lưu lượng nước mưa thấm xuống đất khi mưa đổ xuống. Các công trình ở mọi khu vực đô thị phải có bể chứa nước mưa ngầm, để đảm bảo khu vực cao giữ lại nước mưa, hạn chế lượng lớn nước mưa chảy về vùng trũng. Cấm một số dịch vụ kinh doanh sử dụng nước máy: Rửa xe, tưới cây, rửa đường, rửa nền, bắt buộc dùng nước mưa tái sử dụng thay thế.

Ông Nguyễn Minh Thành - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dây và cáp điện Thượng Đình (Cadisun): Chất lượng và sự an toàn luôn đặt trên hết

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
Ông Nguyễn Minh Thành - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dây và cáp điện Thượng Đình.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu cáp điện được sử dụng cho các công trình điện, công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, để chọn ra những nhãn hiệu dây cáp điện có công nghệ sản xuất ưu việt, chất lượng sản phẩm tốt bền, an toàn, tiết kiệm điện năng cho công trình không phải là điều dễ dàng. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đua nhau cạnh tranh về giá cả, về thị trường… và đôi khi chất lượng sản phẩm bị xem nhẹ. Nhiều vụ hỏa hoạn,… xảy ra mà nguyên nhân một phần do dây cáp điện kém chất lượng.

Cadisun là doanh nghiệp lâu năm đã đầu tư cho các dây chuyền thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu. Với sự có mặt trong lĩnh vực xây dựng, điện bằng các sản phẩm chất lượng cao. Sản phẩm của Cadisun sẽ tiếp tục đồng hành với tiêu chí “Tốt, bền, an toàn, tiết kiệm điện”.

Ông Trần Việt Dung - CEO Lavastone: Công nghệ kết dính trong bảo vệ và trang trí bề mặt công trình

Sự xuất hiện các sản phẩm ứng dụng công nghệ mineral silicate chuyên dụng trong công tác phủ, trang trí, bảo vệ bề mặt cho sàn và tường đã thể hiện ưu thế vượt trội hơn so với các công nghệ khác hiện có trên thị trường. Đó là những vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường, được nhiều khách hàng lựa chọn nhằm đảm bảo cho công trình có tuổi thọ bền vững hơn, đồng thời, đảm bảo sức khoẻ cho người sử dụng.

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
Ông Trần Việt Dung - CEO Lavastone.

Sản phẩm ứng dụng công nghệ mineral silicate được phân tích với nhiều ưu điểm vượt trội. Thứ nhất, đó là công nghệ kết dính duy nhất trên thị trường có được các đặc tính như: Tổng hợp được hầu hết các ưu điểm của các công nghệ kết dính khác. Khắc phục được rất nhiều những nhược điểm của các công nghệ kết dính đang hiện hữu. Có những ưu điểm mà các chất kết dính khác không có hoặc không thể đạt được. Trung tính, dễ dàng trong thiết kế sản phẩm, kết dính tốt với nhiều loại vật liệu. Công nghệ độc quyền, được cấp bằng sáng chế và bảo hộ toàn cầu. Công thức chế tạo rất phức tạp nên hầu như không thể sao chép. Nguồn nguyên vật liệu dồi dào, dễ dàng tìm kiếm và thay thế. Dễ dàng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn cũng như nhiều loại chứng chỉ.

Công nghệ kết dính mineral silicate là công nghệ xuất phát từ việc tái kích hoạt tro núi lửa hoặc/và các loại vật liệu tương tự có chứa hàm lượng silic cao để tạo thành vật liệu kết dính đặc biệt có được những ưu điểm vượt trội.

Công nghệ vật liệu kết dính mineral silicate với những đặc tính ưu việt như độ bám dính cao, chịu mài mòn cao, đơn giản trong ứng dụng và thi công... đã giúp dần thay thế các sản phẩm sử dụng chất kết dính như vôi, xi măng và nhựa trong nhiều ứng dụng. Công nghệ trộn vữa khô tiên tiến với dây chuyền sản xuất vữa khô siêu gọn đạt chuẩn công nghệ 4.0. Công nghệ bột màu tự phân tán, chống vón cục và chống lão hóa.

Công nghệ kết dính mineral silicate được đánh giá là xanh và thân thiện, an toàn với con người; tác động tối thiểu, có lợi tới môi trường.

Hiện nay, Lavastone cung cấp ra thị trường bao gồm các sản phẩm như: Nguyên vật liệu chính, hóa chất trộn sẵn dưới dạng black box. Là các sản phẩm đã được thử nghiệm, lập công thức và trộn sẵn để các khách hàng là các nhà sản xuất vữa khô thành phẩm có thể trộn cùng nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương của họ để sản xuất ra các thành phẩm vữa khô trộn sẵn theo yêu cầu. Các loại sản phẩm này có thể là sản phẩm sử dụng vật liệu kết dính mineral silicate, xi măng, vôi...Hiện tại, chúng tôi có thể cung cấp hơn 300 loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu phục vụ sản xuất thành phẩm vữa khô trộn sẵn cho hầu hết các ứng dụng từ đơn giản tới phức tạp.

Ngoài ra, thương hiệu Lavastone còn có bột màu cao cấp được xử lý để có được khả năng tự phân tán trong bột và trong nước, kèm theo các khả năng như chống lão hóa, chống vón cục. Ngoài việc cung cấp các sản phẩm, Lavastone cùng các chuyên gia tới từ châu Âu cũng cung cấp tới khách hàng các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và đào tạo chuyên sâu cho công tác thiết kế nhà máy, phát triển sản phẩm, quản lý chất lượng, kiểm tra đánh giá nguyên vật liệu đầu vào, thí nghiệm thành phẩm, đăng ký các loại chứng chỉ, đào tạo thi công.

Hiện nay, vấn đề giá thành của các thành phẩm ứng dụng công nghệ mineral silicate kèm theo các lợi ích nêu trên là rất hợp lý so với các loại vật liệu khác. Do đó, khi khách hàng mua các sản phẩm này là họ trả tiền cho các lợi ích, các tính năng có được từ các công nghệ do doanh nghiệp cung cấp. Qua đó, giúp họ thoát khỏi rất nhiều vướng mắc, rủi ro do các công nghệ hiện có trên thị trường mang lại. Đồng thời cũng giúp họ nâng cao giá trị thương hiệu, lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận và nhiều lợi ích khác nữa.

Ông Phùng Đức Khai – Giám đốc Công ty TopAsia Hà Nội: Đưa công nghệ cao vào ứng dụng thực tiễn

Tấm nhựa Polycarbonate hay còn gọi là tấm nhựa kính cường lực ASIA LITE được sản xuất trên dây chuyền tiên tiến nhất hiện nay cam kết phủ Nano chống tia UV, tia cực tím. Sản phẩm được làm từ Hạt nhựa Polycarbonate nguyên sinh của các hãng nổi tiểng trên thế giới như Lotte của Hàn Quốc, Markolon của Đức, Sabic của Ả rập.

hoi thao xu huong cong nghe vat lieu trong cong trinh xay dung
Ông Phùng Đức Khai – Giám đốc Công ty TopAsia Hà Nội.

Tấm nhựa kính cường lực ASIA LITE được nhiều chủ đầu tư các dự án lớn tin dùng bởi những ưu điểm vượt trội như: Sản phẩm được phủ Nano chống tia UV, chống tia cực tím; Độ dày, kích thước, màu sắc đa dạng. Khả năng chống va đập cao hơn đến 200 lần so với kính. Khả năng truyền ánh sáng lên đến 90% so với kính. Dễ dàng thi công, uốn cong, trọng lượng nhẹ giúp giảm chi phí khung xương, chi phí vận chuyển. Khả năng chống cháy đạt chuẩn. Do đó, sản phẩm có thể sử dụng ở những vị trí có nhiệt độ cao. Chịu nhiệt độ từ -20 độ C đến 90 độ C, nên sản phẩm được sử dụng trong những môi trường khắc nghiệt.

Với nhiều ưu điểm vượt trội kể trên, tấm nhựa kính cường ASIA LITE sẽ là lựa chọn hoàn hảo bởi các nước phát triển trên thế giới, các nhà đầu tư của các dự án lớn đã tin tưởng sử dụng ở các hạng mục công trình như: Mái che nhà thi đấu, mái che nhà ga đón khách, mái che cầu vượt đi bộ, mái che bể bơi, vách ngăn trên đường cao tốc...Tuy nhiên, sản phẩm cũng có nhược điểm, đó chính là khả năng dễ bị xước hơn kính. Vì vậy, để tránh bị trầy xước thì khi thi công, chủ đầu tư nên lựa chọn lắp đặt ở những khu vực ít bị tiếp xúc, ít va chạm để tránh bị trầy xước.

Kết thúc Hội thảo, thay mặt Ban tổ chức, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc đã cảm ơn các đại biểu, các chuyên gia đã tham gia Hội thảo và có những đóng góp cho Hội thảo thành công. Những ý kiến đóng góp với Hội thảo sẽ tiếp tục được Báo điện tử Xây dựng truyền tải trên các ấn phẩm trong thời gian tới.

Nhóm phóng viên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load