Thứ tư 24/04/2024 08:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương

15:57 | 07/01/2021

(Xây dựng) - Ngày 7/01/2021, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã long trọng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội; doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương.

hoi nghi tong ket cong tac nam 2020 va trien khai nhiem vu nam 2021 cua nganh cong thuong
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc phát biểu tại Hội nghị.

Trước những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thống nhất quan điểm điều hành trong tình hình mới, đó là quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

hoi nghi tong ket cong tac nam 2020 va trien khai nhiem vu nam 2021 cua nganh cong thuong
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngành Công Thương đã cùng cả nước nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt, chính xác, kịp thời của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành Công Thương đã cùng cả nước nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Theo đó, Ngành Công Thương đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao trong Kế hoạch năm 2020, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước ở mức 2,91%, các nền tảng vĩ mô được bảo đảm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tái cơ cấu kinh tế đi vào chiều sâu. Trong đó, ngành Công Thương đã tiếp tục nỗ lực, kiên trì đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng tới doanh nghiệp và người dân để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân.

Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu với giá trị 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.

Các ngành Công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đo, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Hoạt động hội nhập quốc tế không những được duy trì trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu mà còn được thúc đẩy với nhiều phương thức mới với các sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA...

hoi nghi tong ket cong tac nam 2020 va trien khai nhiem vu nam 2021 cua nganh cong thuong
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới mạnh mẽ, thích ứng kịp thời dưới tác động của dịch Covid-19, đã hỗ trợ tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp trong cả nước tiếp tục khai thác tốt thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp và người nông dân. Quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế và triển khai Chính phủ điện tử được Bộ Công Thương kiên trì thực hiện, thúc đẩy triển khai và đi vào chiều sâu.

Bước sang năm 2021, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp; xu hướng bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục diễn ra gay gắt; đặc biệt là dịch Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường... Năm 2021, Bộ Công Thương xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đưa vào Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 02 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một cách đồng bộ, quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm, xây dựng kịch bản tăng trưởng để tổ chức điều hành. Tinh thần là quyết tâm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, trách nhiệm, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, trong đó đặc biệt chú trọng các vấn đề sau:

Thứ nhất, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu điện năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo để bổ sung nguồn điện, phù hợp với cơ chế, chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo hiện hành của Chính phủ.

Thứ ba, triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các Hiệp định thương mại tự do mang lại. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTAs, 2 FTAs đang trong quá trình đàm phán đi tới ký kết. Để khai thác tốt lợi ích mà các FTAs mang lại cần tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong toàn bộ hệ thống chính trị, các địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và ASEAN.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường. Thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước.

Thứ năm, thúc đẩy sự phát triển và phát huy hiệu quả vai trò thị trường trong nước, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

Biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của của ngành Công Thương trong năm vừa qua và thẳng thắn chỉ ra những bất cập còn tồn tại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Công Thương trong năm 2021 và những năm tiếp theo là rất nặng nề. Trong đó, trọng tâm xuyên suốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của cả năm 2021 là bám sát những nội dung Nghị quyết số 01,02 của Chính phủ; Tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành Công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành Công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo; Tập trung cao độ vào giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước trong thời gian tới theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước; Triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các Hiệp định thương mại tự do mang lại; Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản....

hoi nghi tong ket cong tac nam 2020 va trien khai nhiem vu nam 2021 cua nganh cong thuong
Toàn cảnh Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, gắn bó, sáng tạo, hăng say lao động và chuyên nghiệp, nhất định toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Công Thương sẽ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực phấn đấu sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương xác định năm 2021 sẽ là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử quốc hội khóa XV, bầu cử HĐND các cấp và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Đặc biệt, năm 2021 là năm ngành Công Thương hướng tới lập thành tích kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành. Với phương châm hành động “Đoàn kết, Kỷ cương, Đổi mới sáng tạo, Quyết liệt hành động, Khát vọng phát triển”, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.

Mộc Miên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load