Trong khi 4G, 5G dần trở nên phổ biến hơn thì trên toàn cầu vẫn có gần 50% dân số chưa được sử dụng Internet. Không phải quốc gia nào cũng dễ dàng chuyển đổi số bởi sự khác biệt trong tiếp cận với Internet và công nghệ.
Tiếp cận công nghệ với chi phí thấp là chủ đề phiên thảo luận của Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên diễn ra tối qua (12/10), trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2021) đang tổ chức tại Việt Nam.
Tại đây, các Bộ trưởng ITU cùng nhiều chuyên gia đã tập trung bàn thảo vấn đề xây dựng chi phí với giá phù hợp có thể giúp tăng tốc chuyển đổi số và vai trò của các Chính phủ trong phá vỡ rào cản về tiếp cận Internet và chuyển đổi số.
Cắt giảm chi phí là chìa khóa của chuyển đổi số
Theo dữ liệu của ITU, hơn 90% dân số thành thị và hơn 70% dân số nông thôn trên toàn cầu đã được phủ sóng 4G nhưng vẫn còn gần một nửa dân số toàn cầu chưa thể tiếp cận với Internet.
Ông Rashad Nabiyev, Bộ trưởng Giao thông, Truyền thông và Công nghệ cao Azerbaijan đánh giá: Những thành tựu phát triển công nghệ viễn thông và số hóa đã giúp con người có thể sử dụng Internet hàng ngày, học trực tuyến, sử dụng thông tin một cách đầy đủ, thông minh và có đủ dữ liệu để vượt qua đại dịch. Thực tế là tại Azerbaijan, gần 85% dân số đang sử dụng Internet, 85% hộ gia đình sống ở đô thị có thể tiếp cận băng thông rộng nhưng 70% nội dung có thể truy cập vẫn là DSL lạc hậu.
Hội nghị Bộ trưởng ITU bàn thảo vấn đề xây dựng chi phí với giá phù hợp có thể giúp tăng tốc chuyển đổi số ngày 12/10. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Điều tương tự cũng xảy ra ở nhiều quốc gia khác. Theo ông Ali Ibrahim Pantami, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Kinh tế số Nigeria, ở quốc gia này, Internet đóng một vai trò thiết yếu nhưng chỉ khoảng 50% dân số được tiếp cận băng thông rộng tại Nigeria.
Một vấn đề khác là sự bất bình đẳng giới trong tiếp cận Internet. Ông Jean Philbert Nsengimana, Chủ tịch Liên minh Internet chia sẻ một số liệu đáng chú ý: Các nước trên thế giới đã để lỡ khoảng 1.000 tỷ USD trong tổng GDP suốt thập kỷ qua vì phụ nữ chưa được tiếp cận chuyển đổi số đầy đủ.
Theo một nghiên cứu gần đây của Liên minh Internet, đàn ông truy cập Internet nhiều hơn phụ nữ 1%. Ông Jean Philbert Nsengimana cho biết, trong đại dịch, sự bất bình đẳng càng được hé lộ rõ hơn.
Chuyển đổi số đã được nhắc đến trong nhiều năm và càng trở nên nóng hơn trong bối cảnh đại dịch, khi nhiều hoạt động bị gián đoạn. Vì vậy, các quốc gia đều tập trung giải bài toán tăng tỷ lệ người dân tiếp cận Internet và công nghệ.
Theo ông Boviengkham Vongdara, Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông Lào, cung cấp kết nối Internet giá rẻ là một cách hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi số và hỗ trợ người dân xóa bỏ khoảng cách, kết nối trực tuyến với nhau cùng vượt qua đại dịch. Ông Boviengkham Vongdara cũng cho biết, Chính phủ Lào đã có chương trình trợ cấp đến cả những người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng để sẵn sàng cho chuyển đổi số.
Cùng quan điểm này, ông Admiral Tin Aung San, Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông, Myanmar nhấn mạnh, cắt giảm chi phí là chìa khóa thành công của chuyển đổi số và Chính phủ cần xây dựng chính sách đúng đắn thúc đẩy tích hợp ICT và công nghệ vào các khu vực của nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, dù nỗ lực nhưng tại Myanmar, vẫn còn khoảng cách lớn giữa nông thôn - thành thị và chi phí cho dữ liệu khá đắt đỏ với người dân. Do đó, Myanmar đang xây dựng một số chính sách giảm chi phí hạ tầng với các khu vực khác nhau. “Chúng tôi đang phát triển kỹ năng cho người trẻ, đồng thời tìm ra giải pháp cho nền kinh tế không còn phụ thuộc vào mạng xã hội”, ông Admiral Tin Aung San nói.
Vai trò của Chính phủ trong chuyển đổi số
Ông Rashad Nabiyev (Azerbaijan) tin rằng, các chính phủ có vai trò tích cực trong chuyển đổi số bằng sự hỗ trợ xương sống của hạ tầng Internet vì các công ty tư nhân thường không có đủ sức mạnh để tài trợ chuyển đổi số. "Các chính phủ có thể tạo ra động lực cần thiết để đầu tư, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thông qua các mô hình PTP ở bất cứ nơi nào có thể", ông nói.
Bà Paola Vega Castillo, Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Viễn thông, Costa Rica chia sẻ kinh nghiệm trợ cấp để giúp người dân tiếp cận Internet và có thêm các thiết bị. Việc tài trợ đã giúp nước này cung cấp khả năng truy cập Internet cho người dân có thu nhập thấp chống lại đại dịch. "Tuy nhiên, nhận thức rõ trợ cấp cơ sở hạ tầng cơ bản là không đủ. Costa Rica đang phát triển một kế hoạch quốc gia mới nhằm phát triển viễn thông 5 năm tới và trong quá trình này các chính quyền địa phương được cung cấp ngân sách, tạo điều kiện để mời gọi các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư chuyển đổi số và hưởng lợi từ đó. Sự hợp tác công - tư sẽ mang tới sự phát triển", bà Paola Vega Castillo nhấn mạnh.
Để người dân có thể hưởng lợi nhờ cước viễn thông giá rẻ gần nhất khu vực, ông Chea Vandeth, Bộ trưởng Bộ Bưu Chính Viễn thông Campuchia cho biết, chính phủ nước này đã tăng cường luật hóa viễn thông và làm việc chặt chẽ với các nhà mạng nhằm liên tục đầu tư hạ tầng và bao phủ kết nối giá rẻ đến người dân.
Chìa khóa giúp Campuchia chuyển đổi số đó là tập trung vào phát triển hợp tác khu vực tư và công để thúc đẩy kết nối; phát triển chất lượng dịch vụ viễn thông, dịch vụ khách hàng dựa trên khuôn khổ pháp lý mới ban hành; xây dựng nhiều chương trình linh hoạt phát triển nền kinh tế số và chuyển đổi số. Cuối cùng là thúc đẩy kỹ năng chuyển đổi số ở trường đại học.
Phó Tổng thư ký ITU Malcolm Johnson nhận định rằng, khó khăn nằm ở khả năng mang lại kết nối với giá cả phải chăng cho những người sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa - vốn bị sao lãng khi xét về lợi nhuận đầu tư thu được so với các đô thị. Chúng ta có thể giải quyết thông qua tài trợ, hợp tác công - tư, các chương trình hành động cũng như một khung chính sách linh hoạt để hỗ trợ và khuyến khích đầu tư ở những vùng nông thôn, nơi đang bị tụt lại phía sau.
Điểm cốt lõi là tất cả cùng bắt tay nhau hành động, bổ trợ cho nhau bằng thế mạnh riêng. “Chỉ khi đó, họ mới có thể giải quyết triệt để, hiệu quả các vấn đề, đạt được mục tiêu tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số và mang lại lợi ích cho người dân ở khắp mọi nơi”, ông Malcolm Johnson nói.
Theo Duy Vũ - Thanh Bình/Vietnamnet.vn