Ngày 19/8 tới, Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia chính thức khai trương. Đây được coi là điểm nhấn quan trọng mang tính đổi mới, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trước thời điểm Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được khai trương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã có chia sẻ về quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) và quá trình xây dựng Hệ thống trong thời gian qua.
Thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, ông có thể cho biết rõ hơn về quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo trong lĩnh vực cải cách hành chính là tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng CPĐT.
Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”. Chính vì vậy, trong xây dựng, triển khai CPĐT thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động và đã đạt được một số kết quả bước đầu rất tích cực, trên nhiều phương diện, góp phần hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.
Điểm nổi bật là chúng ta đã thiết lập được cơ chế chỉ đạo tập trung, tháo gỡ điểm nghẽn trong tổ chức, triển khai và hoàn thiện hệ thống thể chế nền tảng cho phát triển CPĐT.
Cụ thể, đã thành lập Ủy ban Quốc gia về CPĐT, do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch và tại các bộ, ngành, địa phương là các Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử để bảo đảm thực hiện thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương.
Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 cũng được ban hành. Bên cạnh đó là các Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, về chế độ báo cáo trong các cơ quan nhà nước, về thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử, về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu... Khung kiến trúc về CPĐT 2.0 cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu trình Chính phủ ban hành.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định quy định về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, về mã định danh điện tử của các cơ quan phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương... và phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Sau quá trình triển khai, một số hệ thống nền tảng của CPĐT đã được vận hành. Ông có thể chia sẻ thêm về các hệ thống nền tảng này?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Từ năm 2019 đến nay, việc đưa vào vận hành một số nền tảng, hệ thống thông tin có ý quan trọng, mang tính đổi mới. Đây cũng là những sản phẩm chứng minh cho hiệu quả của sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ góp phần thay đổi tư duy của các cơ quan nhà nước hành chính nhà nước khi chuyển xử lý văn bản giấy sang văn bản điện tử.
Trong đó, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối với 100% các bộ, ngành, địa phương và nhiều cơ quan, tổ chức khác. Đây là hệ thống quan trọng để thúc đẩy việc gửi, nhận thông tin, dữ liệu về văn bản điện tử, chế độ báo cáo, dịch vụ công… và xử lý công việc trên môi trường mạng. Đến nay đã có trên 2,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Theo tính toán sơ bộ, Trục liên thông tiết kiệm cho ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng/năm.
Hệ thống thông tin phục vụ các cuộc họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) có mục tiêu đổi mới phương thức làm việc, hướng tới Chính phủ không giấy tờ. Hệ thống đã phục vụ 20 Hội nghị, phiên họp của Chính phủ và xử lý trên 470 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, theo đó thay thế việc in ấn, phát hành hơn 200.000 hồ sơ, tài liệu giấy. Tổng chi phí tiết kiệm một năm khoảng 169 tỷ đồng.
Cổng Dịch vụ công quốc gia từ thời điểm khai trương (tháng 12/2019) đến nay góp phần công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tiếp cận, thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến “phi” thời gian, địa giới hành chính; tăng cường giám sát, đánh giá; kỷ luật, kỷ cương; hạn chế, phòng chống tiêu cực.
Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn 8 tháng vận hành đã kết nối với 18 bộ, cơ quan, 63/63 địa phương và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử; chuẩn bị tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000; có gần 56,4 triệu lượt truy cập; hơn 220.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 260.000 hồ sơ được thực hiện. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13.000 tỷ đồng/năm, trong đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp trên 6.700 tỷ đồng/năm.
Và ngày 19/8 tới đây, Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia được khai trương sẽ giúp nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong công tác tổng hợp, báo cáo và chuyển đổi phương thức chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, cụ thể là kết nối, chia sẻ, tổng hợp, phân tích theo thời gian thực, hiển thị trực quan.
Để có được những kết quả nổi bật nêu trên, yếu tố quyết định chính là quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm chỉ đạo và bám sát mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo lực kéo, bộ ngành, địa phương tham gia tạo lực đẩy; sự vào cuộc tích cực của bộ, ngành, địa phương; sự tham gia của các doanh nghiệp CNTT; sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia sẽ khai trương ngày 19/8/2020. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tiết kiệm ngân sách Nhà nước 460 tỷ đồng/năm
Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia sẽ mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Tôi tin tưởng rằng tiếp nối các sự kiện tiêu biểu trong xây dựng CPĐT thời gian qua, khi Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được khai trương sẽ là điểm nhấn quan trọng trong chặng đường xây dựng, phát triển CPĐT. Thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, loại bỏ dần việc xử lý công việc bằng hệ thống văn bản giấy, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ.
Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia được hình thành từ Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ kết nối với Hệ thống Thông tin báo cáo của bộ, địa phương, phục vụ thu thập, tích hợp, chia sẻ dữ liệu báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước; tổng hợp, phân tích dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước các cấp và hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định nhờ biểu đồ trực quan, tính năng phân tích, dự báo số liệu chuyên sâu; đồng thời, cho phép theo dõi, giám sát các mục tiêu về kinh tế - xã hội Quốc hội giao Chính phủ; các chỉ tiêu Chính phủ giao bộ, ngành, địa phương.
Đến nay đã có 16 bộ, cơ quan kết nối với Hệ thống; 20 chế độ báo cáo và 61/200 chỉ tiêu kinh tế-xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai trên Hệ thống. Khi điện tử hóa các báo cáo, quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối qua Hệ thống, ước tính tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước 460 tỷ đồng/năm.
Để làm được điều này, các bộ, cơ quan, các địa phương đã có quyết tâm rất lớn trong quá trình phối hợp, rà soát lại báo cáo, thực hiện chuẩn hóa chế độ báo cáo.
Lợi ích của Hệ thống và Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành là thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số thông qua các hệ thống thông tin báo cáo, bảo đảm cập nhật, tổng hợp, phân tích thông tin, dữ liệu kịp thời, chính xác, an toàn và hiệu quả; thực hiện dễ dàng, nhanh chóng giúp tiết kiệm thời gian, tăng sự kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu báo cáo…
Thay vì gửi, nhận báo cáo tháng, quý, 6 tháng, báo cáo năm hay các báo cáo đột xuất khác bằng giấy thì các bộ, cơ quan cập nhật lên Hệ thống theo chế độ báo cáo và có hiển thị thời gian thực. Người đứng đầu Chính phủ, các bộ, cơ quan qua Hệ thống có thể thấy diễn biến tình hình kinh tế-xã hội hoặc các vấn đề quan tâm khác trong các lĩnh vực.
Điều này giúp Chính phủ có dự báo, nhận định tình hình, đưa ra các giải pháp căn cơ, xử lý chính xác tình hình các vấn đề, nội dung được người dân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế quan tâm…
Mặc dù vậy, việc khai trương Hệ thống và Trung tâm mới chỉ là bước đầu của quá trình đổi mới phương thức làm việc, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước. Rất nhiều nhiệm vụ đặt ra trước mắt và lâu dài cần phải thực hiện, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc cập nhật, kết nối, chia sẻ để hình thành và làm giàu kho dữ liệu tổng hợp về kinh tế-xã hội phục vụ hoạt động quản lý, điều hành.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP!
Theo Gia Huy/Baochinhphu.vn