(Xây dựng) - Hiện nay, trên cả nước có 1.620 phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, trải dài từ Bắc vào Nam, riêng hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 40% số phòng thí nghiệm trên cả nước. Hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành đã và đang góp phần đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng trên cả nước. Để có cái nhìn khách quan hơn về hoạt động của các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng.
PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Xây dựng. |
PV: Thưa ông, hiện nay hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được quản lý theo hệ thống pháp luật nào?
PGS.TS Vũ Ngọc Anh: Hiện nay, hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hoạt động theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Xây dựng và các nghị định có liên quan như Nghị định 81/2017/NĐ-CP quy định chức năng quyền hạn cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, Nghị định 62/2016/NĐ-CP quy định Điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (Nghị định 62/2016). Tại Điều 3 trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nêu rõ: “Hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật là việc xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Trong đó, việc đánh giá sự phù hợp là việc xác định đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý quy định trong tiêu chuẩn tương ứng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đánh giá sự phù hợp bao gồm hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, công nhận năng lực của phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định. Như vậy, muốn đánh giá sự phù hợp trong mọi lĩnh vực thì phải có các phòng thử nghiệm. Tại Điều 60 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ phải xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.
Tại Điều 3 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng giao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước phải thực hiện việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tại Điều 2, Nghị định 81/2017/NĐ-CP thì Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn các hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, kiểm định, giám định chất lượng xây dựng, giám định tư pháp xây dựng, giám định nguyên nhân, giải quyết sự cố trong thi công xây dựng và trong quá trình khai thác, sử dụng công trình; Bộ Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động thí nghiệm, kiểm định, đánh giá, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Như vậy, hệ thống pháp luật về quản lý hoạt động phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng rất đầy đủ, rõ ràng.
PV: Vậy ông có thể nói rõ hơn, những năm vừa qua, các phóng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng có những đóng góp như thế nào cho ngành Xây dựng?
PGS.TS Vũ Ngọc Anh: Hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được chia làm các nhóm khác nhau, như nhóm: thí nghiệm về địa kỹ thuật, thí nghiệm về kết cấu xây dựng, thí nghiệm về vật liệu xây dựng… các phòng thí nghiệm phân bổ khắp các tỉnh thành, địa phương và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp (loại hình kinh doanh có điều kiện). Những năm vừa qua, các hoạt động xây dựng diễn ra sôi động trên khắp mọi miền của Tổ quốc, tăng trưởng ngành Xây dựng lĩnh vực xây lắp bình quân trong 5 năm qua (2017-2021) đạt khoảng 8%. Để có tăng trưởng đó thì hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng đóng góp một vai trò quan trọng trong việc khoan thăm dò địa chất phục vụ công tác lập quy hoạch xây dựng, xác định chỉ tiêu cơ lý của đất nền phục vụ tính toán nền móng công trình (kể cả công trình giao thông), quan trắc lún công trình trong quá trình thi công và theo dõi lún trong quá trình vận hành công trình, công tác thí nghiệm vật liệu xây dựng (cát, đá, xi măng, thép, bê tông…) để đưa vật liệu vào công trường xây dựng công trình, phục vụ công tác cho tư vấn giám sát, phục vụ công tác nghiệm thu, phục vụ công tác giám định… Công tác thí nghiệm cấu kiện đối với các cấu kiện lắp ghép, cấu kiện đúc sẵn (dầm cầu, tấm sàn, ống cống…). Nhìn chung, ở đâu có công trình sẽ và đang xây dựng là ở đó có hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng. Hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng là công việc không thể thiếu để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng.
Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế quy hoạch xây dựng COZY_LAS XD 1803. |
PV: Trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác quản lý, đánh giá phục vụ cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận được thực hiện như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Vũ Ngọc Anh: Nghị định 62/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định trước khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng thì cơ quan quản lý Nhà nước phải tiến hành đánh giá trực tiếp tại nơi đăng ký hoạt động của phòng thí nghiệm, công tác đánh giá gồm hai bước: Bước 1 sẽ kiểm tra hồ sơ gồm có: đăng ký kinh doanh, hồ sơ nhân sự, hồ sơ máy móc, trang thiết bị, hồ sơ quy trình thí nghiệm và quản lý theo ISO 17025… Bước 2 là kiểm tra thực tế bao gồm: kiểm tra địa chỉ đăng ký kinh doanh, kiểm tra địa điểm đặt phòng thí nghiệm, kiểm tra diện tích, sơ đồ bố trí thiết bị máy móc, kiểm tra các máy, thiết bị thí nghiệm, tình trạng máy móc thiết bị (đã được kiểm định hay chưa), kiểm tra các phép thử có phù hợp với năng lực của chuyên viên thí nghiệm và máy móc…
Trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị đình trệ trong đó có công tác đánh giá đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm. Thực tế năm 2020, 2021 cho thấy số hồ sơ đăng ký cấp mới, cấp lại, cấp bổ sung về hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng giảm lần lượt là 60%, 53% và 41%. Trong đó, 90% số hồ sơ được gửi qua cổng dịch vụ công của Bộ. Các hồ sơ hợp lệ, đầy đủ theo quy định của pháp luật được đánh giá, kiểm tra kết hợp bằng nhiều hình thức và phụ thuộc vào mức độ giãn cách xã hội như 100% online qua camera; kết hợp online và cơ quan quản lý chuyên môn ở địa phương; kết hợp hậu kiểm. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và giải pháp linh hoạt nên công tác quản lý phòng thí nghiệm không bị gián đoạn hoặc gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Kiểm định công trình xây dựng Sài Gòn – SaiGon Test Las – XD- 643 |
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Nghị định để bổ sung, thay thế các điều mà trong đó điều tiết các nội dung quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng để tháo giỡ các vướng mắc, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh, trong đó có Nghị định 62/2016. Dự thảo Nghị định đã bổ sung, cập nhật, làm rõ các trường hợp được đánh giá trực tuyến thay cho trực tiếp khi phải giãn cách xã hội, thành phần hồ sơ lưu sau khi đánh giá… và một số nội dung khác liên quan đến việc nâng cao công tác quản lý phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng cũng được bổ sung.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Mỹ Hà
Theo