(Xây dựng) – UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Quyết định số 1245/QĐ-UBND phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu tái định cư thành phố Ngã Bảy giai đoạn 2.
Một góc thành phố Ngã Bảy. |
Theo đó, Khu tái định cư thành phố Ngã Bảy giai đoạn 2, tại xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang có diện tích khoảng 4,2ha, dự kiến bố trí khoảng 252 nền tái định cư. Chủ dự án là UBND thành phố Ngã Bảy.
Dự án xây dựng hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt để bố trí nền tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng khi giải phóng mặt bằng dự án Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang và các dự án trên địa bàn thành phố Ngã Bảy. Phạm vi báo cáo đánh giá tác động môi trường không bao gồm xây dựng trường mầm non và khu thương mại dịch vụ.
Các hạng mục công trình trong phạm vi dự án gồm: San lấp mặt bằng, hệ thống đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải, hệ thống cấp nước – phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp điện, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cây xanh, công viên với diện tích 1.590,2m2 và một số hạng mục phụ trợ khác. Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đất đai: Diện tích đất trồng lúa phải chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 0,77ha.
Hạng mục công trình và hoạt động của dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường: Hoạt động đền bù, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, phát quang thảm thực vật, dọn dẹp thực phủ, phá dỡ công trình hiện hữu, nạo vét bùn mương nền đường và diện tích đất trồng lúa cần chuyển đổi mục đích sử dụng, đắp bờ đê bao xung quanh ranh dự án, san nền. Hoạt động của các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu; quá trình thi công các hạng mục công trình trong giai đoạn xây dựng và các phương tiện tham gia giao thông giai đoạn vận hành phát sinh bụi, khí thải…
Nước thải phát sinh từ hoạt động sinh hoạt của công nhân, hoạt động xây dựng trong giai đoạn thi công xây dựng và của người dân sinh sống trong khu tái định cư giai đoạn vận hành dự án. Chất thải rắn và chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sinh hoạt công nhân trong quá trình xây dựng và từ người dân sinh sống trong giai đoạn vận hành dự án.
Các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường của dự án đầu tư:
Giai đoạn thi công xây dựng: Nước thải từ quá trình san lấp phải đắp bờ bao để ngăn nước và giữ cát tránh chảy tràn ra xung quanh. Quá trình bơm cát san lấp cho khu vực thực hiện dự án sẽ được san lấp cho từng khu, đê bao sẽ được đắp từng khu vực san lấp. Thực hiện phân từng khu vực nhỏ để bơm cát; Bơm cát từ từ, không bơm ồ ạt, bơm thành nhiều giai đoạn nhỏ để có biện pháp kiểm soát nước chảy tràn; Không bơm cát vào những ngày có mưa để hạn chế thấp nhất lượng nước chảy tràn phát sinh trong quá trình bơm cát.
Phương án bơm cát được tiến hành theo hình thức cuốn chiếu, bơm cát san lấp từ khu vực nhỏ, xong khu vực này mới bơm tiếp khu vực khác. Chủ dự án sẽ tận dụng ao mương và kênh rạch bên trong dự án để tiến hành thoát nước thải từ quá trình bơm cát dẫn ra nguồn tiếp nhận là kênh Mái Dầm.
Nước thải thi công xây dựng: Xây dựng một hố lắng tạm thời kích thước (DxRxC) = 3m x 2m x 1,5m = 9m3 có lót bạt chống thấm, tái sử dụng nhiều lần, nước trong sẽ được sử dụng lại cho quá trình làm mát hoặc tưới ẩm phun giảm bụi, cặn lắng được sử dụng làm vật liệu san lấp.
Nước thải sinh hoạt: Bố trí 02 nhà vệ sinh di động (kích thước D x R x H = 1,2m x 0,8m x 2,1m) để phục vụ cho sinh hoạt của công nhân phục vụ trong quá trình san lấp mặt bằng và thi công công trình. Khi đầy sẽ hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom xử lý (tuần suất hút nước thải xử lý khoảng 01 tuần/lần). Sau thời gian thi công xây dựng kết thúc, nhà vệ sinh di động được trả lại cho đơn vị cho thuê.
Yêu cầu về bảo vệ môi trường: Thu gom toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt và nước thải bơm cát phát sinh trong giai đoạn chuẩn bị, thi công xây dựng của dự án đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về an toàn và vệ sinh môi trường theo quy định tại Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Giai đoạn vận hành nước thải sinh hoạt: Nước thải từ các hộ dân được thu gom, xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại 03 ngăn. Sau đó, theo tuyến ống thu gom nước thải (được xây dựng riêng biệt với hệ thống thu gom và thoát nước mưa của dự án) dẫn về hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu tái định cư thành phố Ngã Bảy giai đoạn 2 có công suất 170 m3/ngày đêm để xử lý trước khi thoát ra nguồn tiếp nhận là kênh Mái Dầm (X = 1086732; Y = 590472 hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục 1050, múi chiếu 30).
Hệ thống xử lý nước thải được dùng chung cho 02 dự án: Khu tái định cư thành phố Ngã Bảy giai đoạn 2 và Khu tái định cư thành phố Ngã Bảy (diện tích 1,2ha). Quy trình xử lý nước thải công suất 170 m3/ngày đêm như sau: Nước thải đầu vào (gồm 02 dự án) → Bể thu gom → Bể tách mỡ → Bể điều hòa → Bể anoxic → Bể aerotank → Bể lắng sinh học → Bể chứa nước lọc → Bồn lọc áp lực → Bể chứa nước sau lọc → Bể khử trùng → Thoát ra kênh Mái Dầm.
Điểm chờ đấu nối nước thải của dự án Khu tái định cư thành phố Ngã Bảy (diện tích 1,2ha) dẫn về hệ thống xử lý nước thải công suất 170 m3/ngày đêm của Khu tái định cư thành phố Ngã Bảy giai đoạn 2 nằm tại vị trí hố ga thu nước thải trên đường số Đ2 thông qua đường ống Ø300.
Yêu cầu về bảo vệ môi trường: Hệ thống xử lý nước thải của Khu tái định cư thành phố Ngã Bảy giai đoạn 2 đáp ứng theo QCVN 14:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt, cột A với hệ số K=1,0…
UBND tỉnh Hậu Giang giao chủ dự án có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường và Điều 27 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Huỳnh Biển
Theo