Chủ nhật 13/10/2024 01:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Hành trình từ “cò” đất đến chuyên nghiệp hóa môi giới bất động sản

17:58 | 27/06/2020

(Xây dựng) - Đại diện Công ty Cổ phần AVLAND chia sẻ: Có Giám đốc Sàn Giao dịch bất động sản mở sàn giao dịch “hoàng tráng”, đi ôtô sang nhưng tiền đó chủ yếu là tiền đi vay ngân hàng. Dịch Covid-19 như liều thuốc thử sức bền, doanh nghiệp không có nền tảng tài chính vững chắc là… chết! Đó cũng là lý do nhiều sàn giao dịch bất động sản yếu kém về tài chính, quản trị đã đóng cửa khi dịch Covid-19 xảy ra. “Hãy làm đúng sức mình, không nên quá tham. Hãy xác định nghề môi giới không thể làm giàu nhanh được”, là bức thông điệp đại diện AVLAND nhắn nhủ tới đồng nghiệp.

hanh trinh tu co dat den chuyen nghiep hoa moi gioi bat dong san
Ảnh minh họa (Nguồn: Inernet)

Môi giới dừng ở vai trò kết nối thông tin

Theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong những năm gần đây, nhiều Giám đốc sàn giao dịch bất động sản bị bắt, nhiều dự án “ma” bán nhà trên giấy khiến nhiều khách hàng bị lừa… đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng giao dịch bất động sản, cảnh tỉnh người mua và cũng là áp lực yêu cầu nghề môi giới bất động sản cần được chấn chỉnh và chuyên nghiệp hơn.

Đánh giá cao vai trò của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nói riêng và những người làm môi giới bất động sản nói chung, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: Luật Kinh doanh bất động sản và văn bản liên quan quy định rõ hoạt động môi giới. Ngày càng xuất hiện nhiều sàn giao dịch môi giới bất động sản chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam phát triển.

Cục trưởng Nguyễn Trọng Ninh dựng thừa nhận: Nghề môi giới phát triển đã làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân khi tham gia bất động sản. Trước mua bán bất động sản diễn ra tự phát, nay người dân tìm sự hỗ trợ của môi giới bất động sản ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản có ý thức chấp hành quy định của pháp luật; xây dựng đội ngũ môi giới chuyên nghiệp, đầy đủ kỹ năng, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp…

Tuy nhiên cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, hiện vẫn còn tồn tại những văn phòng môi giới bất động sản tự phát, chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ; phạm vi hoạt động chủ yếu ở các thành phố lớn. Môi giới bất động sản mới dừng ở vai trò kết nối cung cấp thông tin, chưa thể hiện vai trò tư vấn, định hướng thông tin bất động sản cho người mua, tính chuyên nghiệp còn thiếu; một số địa phương còn thiếu kiểm soát, cần hoàn thiện bổ sung, nâng cao vai trò môi giới bất động sản.

Thiếu đào tạo, thiếu môi giới chuyên nghiệp

Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, trong khoảng 300.000 cá nhân tham gia hoạt động môi giới bất động sản tại Việt Nam, mới có khoảng 30.000 – 35.000 người đủ điều kiện hành nghề, chiếm 10-12% người hành nghề thực tế.

Khảo sát của Bộ Xây dựng cho thấy có đến trên 80% nhân viên môi giới trả lời không tham gia hoặc chỉ tham gia 1 khóa đào tạo cho nhân viên; hình thức đào tạo chủ yếu là nhân viên trong Công ty truyền lại kinh nghiệm cho nhân viên mới.

Theo TS Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị (Bộ Xây dựng), nghề môi giới bất động sản đóng vai trò quan trọng trong lưu thông hàng hóa bất động sản, triển vọng nghề môi giới ở Việt Nam là rất lớn. bất động sản liên quan đến nhiều ngành nghề, nhiều quy định của pháp luật nên việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn chuyên sâu và bài bản cho nhà môi giới là hết sức cần thiết.

Ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản cho rằng: Gần 90% môi giới hoạt động mà không có chứng chỉ hành nghề, trình độ, năng lực, hiểu biết về pháp luật còn yếu kém. Phần lớn môi giới hoạt động như người dẫn mối; không ít môi giới bắt tay với nhà đầu cơ tạo nên những cơn sốt đất khắp nơi, gây láo loạn thị trường, đồn thổi giá để trục lợi. Họ là tác nhân khiến giá nhà đất cao vượt quá khả năng chi trả của người dân…

Vai trò của nhà môi giới mờ nhạt, địa vị pháp lý không rõ ràng: Nhà nước chưa có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho nhà môi giới tham gia sâu hơn vào các giao dịch bất động sản hoặc ràng buộc bằng các cơ chế pháp lý buộc giao dịch phải có sự tham gia của nhà môi giới. Đề nghị điều chỉnh thông qua thông tư, nâng cao giáo dục là nền tảng đầu tiên để môi giới phải học và có chứng chỉ để hành nghề chuyên nghiệp.

Cần chuyên nghiệp hóa môi giới bất động sản

Theo các chuyên gia, để dịch vụ thị trường bất động sản chuyên nghiệp, cần nâng cao vai trò, địa vị pháp lý của nhà môi giới trong giao dịch bất động sản; chấn chỉnh lại công tác đào tạo, sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới đúng Luật; cần có quy định cơ chế báo cáo đối với các đơn vị môi giới không phải là sàn giao dịch. Đặc biệt, cần có quy định giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua sàn.

Cần coi môi giới là một nghề chính thức, đáng được trân trọng và nghề môi giới bất động sản Việt Nam phải quản lý hệ thống và có tính ràng buộc trách nhiệm cao hơn trong quá trình hình thành nghề bằng mã số định danh.

Các chuyên gia đề nghị: Cần có app làm công cụ tra cứu thông tin nhà môi giới (gồm thông tin chi tiết về bằng cấp chuyên môn, lộ trình nghề nghiệp)… Công cụ tra cứu thông tin môi giới, có mã số định danh, xây dựng chân dung nhà môi giới chuyên nghiệp, giúp tạo niềm tin cho cộng đồng môi giới và minh bạch thông tin cho khách hàng.

Hiện Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị có 40 chương trình đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ ngành Xây dựng với khoảng 250 lớp và hơn 15.000 lượt học viên/năm. Riêng với lĩnh vực bất động sản, Học viện có nhiều chương trình đào tạo chất lượng như Bồi dưỡng kiến thức điều hành sàn giao dịch bất động sản; Chương trình đào tạo định giá bất động sản; Chương trình đào tạo bất động sản; Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư…

Nhi Thảo

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load