(Xây dựng) – Năm 2025 đánh dấu 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025), đây là một chặng đường dài đầy tự hào của ngành Y tế nước nhà. Trong suốt bảy thập kỷ qua, đội ngũ y, bác sỹ đã không ngừng nỗ lực, vượt qua muôn vàn khó khăn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đến thăm, trò chuyện với bệnh nhân ghép tim - gan đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: moh.gov.com) |
Ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc. Trong thư, Bác căn dặn “…Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu – câu nói ấy rất đúng…”.
Từ đó, ngày 27/02 đã trở thành Ngày Thầy thuốc Việt Nam, là dịp để cán bộ, nhân viên ngành Y tế ghi nhớ và thực hiện lời Bác dạy, để nhân dân ta thể hiện sự tôn trọng, tôn vinh và cảm ơn các thế hệ thầy thuốc.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, ngành Y tế nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ thời kháng chiến gian khổ đến giai đoạn xây dựng và đổi mới đất nước; đội ngũ thầy thuốc luôn tiên phong trên tuyến đầu, đối mặt với những dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai và chiến tranh. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, tinh thần “lương y như từ mẫu” càng được thể hiện rõ nét, khi hàng nghìn thầy thuốc sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, dồn sức bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Những năm gần đây, ngành Y tế đã có nhiều bước tiến vượt bậc với sự phát triển của y học hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giúp người dân được tiếp cận với những phương pháp điều trị tiên tiến.
Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, các vấn đề an ninh phi truyền thống tác động các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế. Trong bối cảnh đó, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành Y, nên nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực vào thành công chung của đất nước.
Ngành Y tế cả nước đã tập trung đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nhằm tháo gỡ các khó khăn trong quản lý Nhà nước. Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế; ban hành nhiều chính sách quan trọng về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế và thanh toán bảo hiểm y tế, góp phần giải quyết các điểm nghẽn trong hệ thống y tế.
Chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ khám, chữa bệnh không ngừng được cải thiện. Với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”, ngành Y tế đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật y học tiên tiến, nâng cao sự hài lòng của bệnh nhân. Đặc biệt, công tác chăm sóc sức khỏe cho các nhóm đối tượng ưu tiên như người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đã được chú trọng.
Đáng chú ý, ngành Y tế đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận: Vượt chỉ tiêu quan trọng như số bác sỹ trên 10.000 dân đạt 14 bác sỹ, vượt mức yêu cầu; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 34 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1%. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cơ bản được kiểm soát, bao gồm HIV/AIDS và các bệnh không lây nhiễm khác.
Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được cải thiện. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong y tế tiếp tục được đẩy mạnh, tạo nền tảng hiện đại hóa hệ thống y tế. Đặc biệt, ngành đã thực hiện vượt 8/9 chỉ tiêu do Chính phủ giao, khẳng định quyết tâm và năng lực của toàn ngành.
Đằng sau những thành công chung ấy, luôn có sự góp sức không nhỏ của đội ngũ thầy thuốc, người lao động ngành Y tế trên khắp cả nước. Những tấm gương hy sinh thầm lặng đó đã có sức lan tỏa, ảnh hưởng lớn trong xã hội, góp phần làm cho nhân dân không những tin yêu hơn vào những người làm nghề thầy thuốc mà còn tin vào những tấm lòng, những điều thiện của con người luôn hiện diện trong xã hội hiện nay.
![]() |
Theo bác sỹ Phạm Thị Hồng Lam, sự tin tưởng, lòng biết ơn từ người bệnh là minh chứng cho giá trị đích thực của nghề y. |
Là một bác sỹ đã cống hiến 30 năm trong nghề, bác sỹ Phạm Thị Hồng Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: Điều làm nên sự cao quý của nghề y không chỉ là khả năng chữa bệnh mà còn nằm ở lòng nhân ái, sự tận tâm và cống hiến hết mình vì sức khỏe và hạnh phúc của con người. Mỗi ngày làm việc, tôi không chỉ mang theo kiến thức chuyên môn mà còn là cả trái tim, luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với những nỗi đau, nỗi lo của bệnh nhân. Ngành Y không chỉ giúp bệnh nhân vượt qua đau đớn, bệnh tật mà còn mang lại hy vọng, niềm tin và sự an tâm cho cả gia đình họ.
“Đối với tôi, giá trị cốt lõi nhất có lẽ là niềm hạnh phúc khi cứu được một mạng người, giúp một bệnh nhân hồi phục hoặc đơn giản là làm giảm đau đớn và mang lại sự nhẹ nhõm cho mỗi người bệnh”, bác sỹ Phạm Thị Hồng Lam nhấn mạnh.
Có thể nói, trị bệnh cứu người là một hành trình không có điểm dừng, trong suốt chặng đường 70 năm qua, các thế hệ y, bác sỹ đã không ngừng nỗ lực, nghiên cứu và áp dụng những tiến bộ của y học vào công tác khám, chữa bệnh. Những thành quả của ngành Y tế hôm nay là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm cao cả, sự hy sinh thầm lặng, ngày đêm tận tâm, tận lực cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng của “các chiến sỹ áo trắng”.
Tiến Hào
Theo