(Xây dựng) – UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch 74/KH-UBND về việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số năm 2022.
Thành phố Hải Phòng triển khai chuyển đổi số. |
UBND thành phố Hải Phòng đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, các Sở, ngành và địa phương tăng cường công tác tuyên tuyền về chuyển đổi số, ứng dụng số và kỹ năng số cho người dân trên các nền tảng truyền thông của thành phố; rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông, doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, xây dựng các giải pháp chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông trên địa bàn thành phố…
UBND các quận, huyện xây dựng, phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn; triển khai nền tảng số hóa đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương phục vụ lưu trữ, quản lý, sử dụng khai thác hiệu quả trên môi trường số làm cơ sở thiết lập kho dữ liệu dùng chung kết nối với kho dữ liệu dùng chung của thành phố, cho phép doanh nghiệp, người dân tham gia số hóa dữ liệu.
Nâng cấp thiết bị công nghệ thông tin, cơ sở vật chất tại các cơ quan, đơn vị để phát triển chính quyền số, kế hoạch của UBND thành phố Hải Phòng tập trung phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng LAN, WAN, mạng internet của các cơ quan, kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, bảo đảm vận hành ổn định, hiệu quả, có tính dự phòng và sẵn sàng cao không bị gián đoạn kết nối. Chuyển đổi Ipv6 trong cơ quan nhà nước thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2021-2025, tập trung chuyển đổi mạng lõi của Trung tâm tích hợp dữ liệu thành phố và hệ thống Chính quyền điện tử. Nâng cấp thiết bị công nghệ thông tin, cơ sở vật chất tại các cơ quan, đơn vị từ cấp thành phố đến cấp xã và đảm bảo các trang thiết bị đầu cuối (máy tính, máy in…) đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Duy trì, nâng cấp hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến trên cơ sở bảo đảm cho phép sử dụng trên môi trường web, có khả năng kết nối với hệ thống họp không giấy tờ. Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị toàn thành phố; phát triển hệ thống thư điện tử, quản lý văn bản điều hành và tác nghiệp của các cơ quan khối Đảng, chính quyền đảm bảo chuẩn hóa, điện tử hóa các quy trình xử lý hồ sơ trên môi trường mạng…
UBND thành phố Hải Phòng định hướng chuyển đổi số một số ngành kinh tế chính của thành phố, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp số hỗ trợ, thúc đẩy sử dụng ứng dụng công nghệ số trong ngành điện; thu hút đầu tư các dự án năng lượng sử dụng công nghệ 4.0, công nghệ sạch, công nghệ cao tập trung vào công nghiệp điện khí; hỗ trợ và thúc đẩy các cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất và các kỹ thuật canh tác nông nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin quản lý về cảng biển, hậu cần cảng biển, kinh tế biển và dịch vụ logistic… Phát triển xã hội số, thông qua chuyển đổi số trong y tế, chăm sóc sức khỏe, phát triển mô hình bệnh viện thông minh, triển khai bệnh án điện tử, sổ theo dõi sức khỏe điện tử…
UBND thành phố Hải Phòng đặt ra mục tiêu trong năm 2022, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; 70% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; kinh tế số sẽ chiếm 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 9%; hạ tầng băng rộng cáp quang phủ 80% hộ gia định; triển khai dịch vụ 5G tại khu đô thị trung tâm, khu công nghiệp….
Đăng Hùng
Theo