Thứ năm 26/12/2024 18:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Hà Nội: Vẫn còn nhiều sai phạm kéo dài trong quản lý nhà đất công

20:18 | 18/11/2024

(Xây dựng) - Tại Kỳ họp thứ 11 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND Thành phố Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.

Hà Nội: Vẫn còn nhiều sai phạm kéo dài trong quản lý nhà đất công
Ảnh minh họa.

Đến nay, sau một năm thực hiện đề án, Hà Nội đã hoàn thành hoặc báo cáo UBND Thành phố 15/29 nhiệm vụ có thời hạn. Theo đó, thành phố ban hành kế hoạch phân công 9 nhóm giải pháp và 67 nhiệm vụ gồm 29/67 nhiệm vụ có thời hạn và 38/67 nhiệm vụ thường xuyên.

Đã thu hồi được 227,9 tỷ đồng nợ đọng nghĩa vụ tài chính

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Sở đã tham mưu UBND Thành phố Hà Nội ban hành văn bản chấp thuận chủ trương, quyết định thu hồi, cưỡng chế thu hồi 113 địa điểm sử dụng nhà đất không đúng quy định và đã thu hồi được 56 địa điểm.

Trong đó, có 6 địa điểm là nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước; 42 địa điểm là diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa nhà tái định cư. Hiện nay, UBND các quận, huyện đang tiếp tục cưỡng chế thu hồi các địa điểm vi phạm còn lại.

Trên cơ sở phân loại 3 nhóm nợ (nợ luân chuyển có khả năng thu hồi ngay, nợ khó thu và nợ xấu, khó đòi, khả năng thu hồi nợ thấp), Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo Thành phố chấp thuận chủ trương về phương án chi tiết thu hồi, xử lý các khoản nợ phải thu từ quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước.

Đến nay, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã đôn đốc, thu hồi được 227,9 tỷ đồng nợ đọng nghĩa vụ tài chính.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc đánh giá tổng quan thực trạng quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các giải pháp khắc phục nhằm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Sở Tài chính Hà Nội tổng hợp và tham mưu, đề xuất, báo cáo Thành phố xem xét, chỉ đạo kịp thời.

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, Giám đốc, Thủ trưởng các đơn vị, doanh nghiệp và Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã khẩn trương thành lập ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng; xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn và tiến độ hoàn thành, phân công rõ trách nhiệm.

Cần sắp xếp lại hơn 10.000 cơ sở nhà thuộc Thành phố

Theo báo cáo tổng hợp của Đoàn giám sát HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.711 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất 43.791.407m2, diện tích nhà 9.919.172m2 thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Thành phố.

Thông qua việc sắp xếp nhà, đất đã thống kê được các cơ sở nhà, đất dôi dư, sử dụng không đúng quy định để xử lý. Thành phố đã xử lý 653 cơ sở với 5.821.542m2 đất và 359.503m2 nhà (giai đoạn từ khi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ có hiệu lực đến nay, Hà Nội đã phê duyệt 427 cơ sở nhà, đất).

Tuy nhiên, qua thực tế giám sát, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ rõ thực trạng quản lý sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm trong thời gian dài, chưa được xử lý dứt điểm.

Hơn nữa, việc tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý sử dụng tài sản công là nhà, đất còn chậm; quản lý lưu trữ, hoàn thiện hồ sơ giấy tờ về nhà đất trong một thời gian dài chưa được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp quan tâm, gây khó khăn và ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng và tính khả thi của phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất.

Đặc biệt, để xảy ra nhiều sai phạm kéo dài chưa được xem xét, giải quyết triệt để; vẫn còn nợ đọng tiền cho thuê đất…

Nhấn mạnh lĩnh vực tài sản công là nhà, đất có phạm vi quản lý rộng, giá trị rất lớn, hình thành qua nhiều thời kỳ, nhiều chính sách, Đoàn giám sát HĐND Thành phố Hà Nội đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo, ban hành chính sách, quy định quản lý, sử dụng đảm bảo hiệu quả, khắc phục tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ, gây thất thu cho Nhà nước và khai thác chưa hiệu quả giá trị khối tài sản này.

Các đơn vị chức năng cần tăng cường kỷ cương, huy động sự tham gia phối hợp của chính quyền cấp cấp để kịp thời xem xét, chỉ đạo xử lý những tổ chức, cá nhân có vi phạm, cần thiết phải chuyển cơ quan Công an điều tra.

Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, giao trách nhiệm Sở, ngành cụ thể về xây dựng đơn giá thuê nhà; tiếp tục chỉ đạo Sở Nội vụ và UBND các quận, huyện, thị xã xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc tham mưu Thành phố rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực, cả về số lượng và chất lượng.

Để thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, UBND Thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; nâng cao hơn nữa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công.

Thành phố phải chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng quỹ nhà 30%, quỹ đất 20-25% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị bàn giao lại cho thành phố. Tăng cường thanh kiểm tra, phát hiện kịp thời những sai sót, vi phạm; rà soát nợ đọng để xử lý, thu hồi…

Theo Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025, Hà Nội xác định tài sản công đã có cơ sở dữ liệu tập trung được cập nhật đầy đủ và chính xác; 100% tài sản chuyên dùng được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiêu chuẩn, định mức.

Theo đó, Hà Nội đẩy nhanh tiến độ rà soát, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 90% đối với các cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt mới; xử lý, khắc phục dứt điểm các vi phạm, tồn tại; chấm dứt tình trạng sử dụng tài sản công để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng quy định.

100% tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án…

Cũng tại đề án này, thành phố chỉ đạo khẩn trương đôn đốc việc di dời cơ sở nhà, đất gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch. Quỹ đất sau khi di dời ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không được sử dụng để xây chung cư sai quy hoạch theo quy định của Luật Thủ đô.

Kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án sử dụng đất nhưng chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng, có nguyên nhân chủ quan. Trường hợp cố ý chây ỳ, tiếp tục vi phạm sẽ kiên quyết thu hồi; công khai, minh bạch thông tin các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật bị cưỡng chế, thu hồi, chấm dứt hoạt động để tạo sự đồng thuận, giám sát của người dân và doanh nghiệp.

UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu đẩy nhanh tiến độ rà soát, phân loại, xác định giá trị và giao tài sản kết cấu hạ tầng theo các Nghị định của Chính phủ; đẩy mạnh xã hội hóa khai thác nguồn lực tài chính tài sản kết cấu hạ tầng; rà soát, ban hành đầy đủ hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng; khuyến khích thực hiện khoán kinh phí sử dụng tài sản công…

Hiện, UBND Thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện Dự thảo Quy định đấu giá quyền thuê đối với tài sản công là diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư tái định cư, nhà ở xã hội, biệt thự cũ, nhà đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác và diện tích kinh doanh dịch vụ do các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bàn giao cho Thành phố Hà Nội.

Vũ Trung

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load