(Xây dựng) – Thời gian qua, hàng loạt sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng và khai thác đất công tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được kiểm tra, xử lý. Nhiều dự án được chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá, “hô biến” từ trụ sở, văn phòng thành dự án nhà ở thương mại…
Không tổ chức Hội nghị nhà chung cư, không bàn giao quỹ bảo trì, không cấp sổ hồng, quảng cáo sai sự thật khiến khách hàng “khốn đốn” khi xin học cho con… Quá bức xúc, hàng trăm cư dân chung cư Dreamland Bonanza đã căng băng rông kín tòa nhà, phản đối chủ đầu tư (Ảnh ghi nhận tháng 3/2021). |
Điểm qua một số dự án bất động sản trên địa bàn thành phố Hà Nội, điển hình là dự án tòa nhà hỗ hợp dịch vụ văn phòng Dreamland Bonaza (23 phố Duy Tân) từng gây “lùm xùm” do nằm trên địa giới 2 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy và Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Dự án có tiền thân là trụ sở Công ty cổ phần Xây lắp giao thông công chính và văn phòng cho thuê.
Theo cấp phép của Sở Xây dựng Hà Nội (lần đầu tiên vào tháng 8/2009), trụ sở này có tổng diện tích đất 4.331m2, cao 19 tầng, 2 tầng hầm, 1 tầng tum; diện tích xây dựng 1.414m2, chiều cao công trình 78,8m. Cơ sở pháp lý cấp phép là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB 082607, cấp ngày 11/7/2005.
Tuy nhiên, đến năm 2017, theo chủ trương đầu tư số 289 của UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận điều chỉnh từ trụ sở Công ty cổ phần Xây lắp giao thông công chính sang dự án tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ (thương mại, khách sạn, căn hộ) nhà ở… Dreamland Bonaza. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xây lắp giao thông công chính và Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Vinaland (đại diện liên danh).
Không dừng lại ở đó, sau 8 tháng có quyết định chủ trương đầu tư, ông Nguyễn Đức Chung - khi đó là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký quyết định cho phép Công ty cổ phần Xây lắp giao thông công chính chuyển đổi mục đích sử dụng toàn bộ 4.331m2 để liên danh với Công ty Vinaland để thực hiện dự án.
Tương tự, dự án xây dựng trụ sở văn phòng và trung tâm giới thiệu sản phẩm (216 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) có quyết định từ năm 2003. Sau hơn 10 năm, dự án này lại “lột xác” trở thành dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại – Summit Building.
Ngày 27/1/2003, UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long (Hoa Phượng Thăng Long) thuê 4.741m2 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Mục đích là xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm. Thời gian thuê đất là 45 năm kể từ ngày ký quyết định trên (tức là đến năm 2048).
Quyết định cũng nêu rõ, đối với khu đất 4.741m2 trên trong đó có 2.438m2 đất do UBND quận Cầu Giấy quản lý; 38m2 đất là diện tích làm đường nội bộ thuộc khu di dân Tràng Hào do Ban quản lý dự án Thăng Long quản lý; 2.2265m2 đất do UBND phường Trung Hòa đang quản lý và một số hộ dân đang sử dụng.
Đến tháng 9/2014, dự án này bắt đầu được “xé” đôi, Công ty Hoa Phượng Thăng Long chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội. Mục đích sử dụng là tiếp tục thực hiện một phần Dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm. Thời hạn sử sụng đất đến ngày 27/01/2048. Hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.
Có thể thấy, dự án đã kéo dài 10 năm và thửa đất “vàng” gần 5000m2 đã bị chia hai xẻ nửa nhưng mục tiêu của dự án vẫn không thay đổi. Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội được Hà Nội cho thuê đất là để tiếp tục thực hiện một phần dự án xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm chứ không phải làm dự án mới.
Ngày 3/1/2017, UBND thành phố có quyết định 01/QĐ-UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án “Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại – Summit Building” tại thửa B (diện tích 2373m2) khu đất 216 Trần Duy Hưng.
Nhưng chủ đầu tư dự án là liên danh Công ty Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội (với sự xuất hiện của người đại diện pháp luật công ty là ông Phạm Hoành Sơn, thay cho ông Nguyễn Đại Dương từ ngày 21/10/2015) và Công ty TNHH Thương mại Đầu tư bất động sản 216 (đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Hồng Nga).
Như vậy, sau gần 3 năm được cho thuê đất, nhưng không đầu tư xây dựng theo mục tiêu là thực hiện một phần Dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm, Công ty Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội lại được chấp thuận hợp tác cùng một nhà đầu tư tư nhân khác, để đầu tư xây dựng chung cư thương mại.
Đến 15/2/2017, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành quyết định về việc, cho phép Công ty Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội chuyển đổi mục đích sử dụng 2.373m2 đất để dựng dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại – Summit Building.
Tiếp đó, tháng 2/2019, dù công trình đã xây xong phần hầm và phần thô, liên danh nhà đầu tư tòa nhà Summit Building đã đề nghị thành phố cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Cổ phần Veracity. Từ đây, Công ty Cổ phần Veracity chính thức “thâu tóm” khu đất vàng rộng 2.373m2, cùng tòa nhà thương mại để bán cao 35 tầng đã xây thô.
Cũng được “làm ảo thuật” biến đất trụ sở văn phòng thành dự án nhà ở như 2 dự án trên là dự án Greenpark Phương Đông (số 1 Trần Thủ Độ, quận Hoàng Mai). Tiền thân của dự án là tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại do Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Công ty TNHH MTV (100% vốn Nhà nước) làm chủ đầu tư, được thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2011.
Ngày 08/08/2017, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 5282/QĐ-UBND thu hồi 14.346,6m2 đất tại đường Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai do Tổng Công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam – Công ty cổ phần đang quản lý, sử dụng để cho Công ty Phương Đông thuê để làm trụ sở, văn phòng làm việc.
Năm 2018, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 5724/QĐ-UBND và Quyết định số 4040/QĐ-UBND ngày 29/07/2019, cho phép Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông chuyển mục đích sử dụng 14.346,6m2 đất tại đường Pháp Vân, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai để thực hiện dự án tổ hợp nhà ở, văn phòng và dịch vụ thương mại (tên thương mại là Phương Đông Green Park).
Đây chỉ là 3 trong số nhiều dự án sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn thành phố. Có thể thấy, sau nhiều năm, mục tiêu sử dụng đất ban đầu của các dự án đã hoàn toàn thay đổi. Chưa nói đến các quy định về đầu tư, tiến độ triển khai dự án, việc chuyển mục đích giao đất không qua đấu giá trong trường hợp này khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Bên cạnh đó, theo quy định của Điều 118 Luật Đất đai 2013, dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua thì nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Cũng theo Điều 22, Luật Nhà ở 2014, dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải được lập, thẩm định, phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Việc lựa chọn chủ đầu tư được thực hiện thông qua các hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc chỉ định chủ đầu tư khi dự án sẵn là đất ở theo quy định (khoản 1 và 4 Điều 23 Luật Nhà ở).
Như vậy, các dự án trên có thể gây thất thoát ngân sách Nhà nước, lãng phí tài nguyên đất… Vì vậy, việc tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai và phát huy vai trò giám sát của người dân trong việc phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh, đẩy lùi tiêu cực trong lĩnh vực này.
Ánh Dương (T/H)
Theo