(Xây dựng) – Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có 1.579 nhà chung cư cũ, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 - năm 1990. Các chung cư này hầu như đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng việc cải tạo, xây dựng lại đến nay vẫn còn nhiều bế tắc. Khiến cho các hộ dân sinh sống trong những tòa nhà này đang đối mặt với nhiều nguy hiểm tiềm ẩn.
Khu nhà tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội được đưa vào sử dụng từ năm 1987, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng gần 300 hộ dân ở đây vẫn cố sức chịu đựng từng ngày. |
Thực trạng nhà tập thể xuống cấp nặng nề
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội, hiện Thành phố Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư độc lập được xây dựng từ khoảng 30 đến 60 năm về trước.
Trước tình hình đó, Sở Xây dựng Hà Nội vừa ký Công văn số 4724 gửi Công ty THHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội về việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm trên địa bàn thành phố. Theo đó, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, tài sản tại các nhà chung cư cũ nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận Ba Đình, Đống Đa khẩn trương hoàn thành di dời người dân, tài sản ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D (cấp nguy hiểm cao nhất) trên địa bàn. Tuy nhiên trên địa bàn thành phố vẫn có rất nhiều nhà tập thể xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Trần nhà trơ lõi sắt gây mất an toàn tại Khu nhà tập thể 3 tầng, đường Lê Hồng Phong (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông). |
Những bức tường nứt toác, hệ thống cột dầm bị sụt lún nghiêm trọng, phần lan can bong tróc... đó là tình trạng của Khu nhà tập thể 3 tầng đường Lê Hồng Phong (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông). Đã trải qua gần 5 thập kỷ, nên kết cấu hạ tầng đã ọp ẹp, mục dần theo thời gian, khu tập thể xuống cấp khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, luôn sống trong thấp thỏm vì lo sợ khu nhà có thể sập bất cứ lúc nào nhất là những lúc thời tiết mưa bão ập đến.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Trần Thị Lan đang sinh sống tại Khu nhà tập thể 3 tầng đường Lê Hồng Phong (Hà Đông) tâm sự: “Vào những ngày trời nóng đỉnh điểm, các hộ gia đình sử dụng điều hòa, nhưng do cơ sở hạ tầng thấp nên thường xuyên bị nhảy số điện, dẫn đến tình trạng mất điện, nhà có con nhỏ đang học tập bị ảnh hưởng. Ba thế hệ trong một gia đình chỉ ở trong ngôi nhà sập sệ 25m2. Mang tiếng sống giữa Thủ đô nhưng chúng tôi lại sống thiếu thốn đủ thứ”.
Hình ảnh tại Khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa. |
Thực trạng chung tại các Khu tập thể cũ hiện nay là hình ảnh các bức tường đã mọc rêu xanh và ẩm mốc. Do diện tích chật hẹp nên các hộ gia đình thường đua mái hiên để sử dụng trong sinh hoạt, như nấu cơm và phơi quần áo. Song, kéo theo là nguy hiểm mất an toàn vì sự xuất hiện của các bình ga khi không được che chắn chống nước dễ dẫn đến cháy nổ.
Hình ảnh hộ dân đua mái chỉ bằng các mảnh tôn gây mất an toàn, dễ sập đổ. |
Ông Lê Trường Nam đang sống tại tầng 2 Khu nhà tập thể Kim Liên chia sẻ: Gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác ở đây phải sống chung với điều kiện vật chất xuống cấp, các bức tường ngấm nước gây nên cảm giác khó chịu, rêu xanh bám góc chân tường. Và đáng lo hơn là phần trần nhà có hiện tượng nứt, nguy hiểm luôn rình rập.
Góc tường bong tróc, nền nhà bị đen ố do thời gian. |
Hình ảnh một góc của nhà tập thể xuống cấp nặng nề. Người dân gia cố lại bằng các phương thức thủ công, vì vậy các bức tường gây mất mĩ quan đô thị. Bên cạnh đó, cột điện được xây dựng sát với khu nhà ở khiến cho lưới điện chằng chịt gây nguy hiểm tới người dân.
Với những chia sẻ trên của người dân, chúng tôi đặt ra một vấn đề cấp thiết và đáng quan ngại về sự an toàn đối với những người sinh sống tại các nhà tập thể này. Liệu rằng mong ước sớm được chuyển đi của họ có được chính quyền địa phương lắng nghe?
Hình ảnh lan can vỡ hỏng, góc tường rêu xanh tại Khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình.
Các “lồng sắt” bịt kín dùng để cơi nới diện tích tại Khu tập thể Thành Công.
Khu nhà tập thể Thái Hà, quận Đống Đa.
Khu nhà tập thể tại phố Tôn Thất Tùng – địa chỉ “vàng” giữa lòng Hà Nội.
Vướng mắc cơ chế đền bù và hài hòa lợi ích giữa các bên
Hiện Hà Nội đã có 401 chung cư cũ được kiểm định; trong đó có 8 chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm cấp độ D (cấp độ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân). Thành phố đã bố trí đủ quỹ nhà tạm cư cho các hộ dân để thực hiện di dời khẩn cấp.
Những khu tập thể chưa thể di dời dù đã nằm trong diện được chuyển đi. Điển hình như nhà tập thể 3 tầng tại phường Nguyễn Trãi – quận Hà Đông. Từ năm 2017, UBND phường cũng đã có kế hoạch quy hoạch và lên phương án đền bù giải phóng mặt bằng, cải tạo lại khu tập thể cũ đường Lê Hồng Phong. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các phương án vẫn còn gặp nhiều vướng mắc vẫn chưa thống nhất được hết 100% các chủ sở hữu. Hay tại khu tập thể Thành Công mới chỉ có Nhà G6A đã được cấp có thẩm quyền xác định mức độ nguy hiểm cấp D tại đơn nguyên 1 và 2 thì mới được di dời.
Hình ảnh bà Nguyễn Thị Định 68 tuổi ( Khu tập thể 3 tầng, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) ngán ngẩm trước những kiến nghị của người dân với chủ đầu tư chưa được giải quyết, khiến cho cuộc sống của người dân vô cùng cực khổ. |
Với những người đã sống gần hết cuộc đời tại các nhà tập thể cũ, họ không mong mỏi gì hơn đó chính là một ngôi nhà đúng nghĩa. Để che nắng, che mưa, một ngôi nhà để an toàn cho sinh sống và làm việc.
Hơn hết, người dân mong mỏi các cấp có thẩm quyền sớm có chính sách toàn diện và những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Để các dự án cải tạo tập thể cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội được nhanh chóng triển khai, đảm bảo chỗ ăn ở, sinh hoạt, an toàn, đồng thời làm đẹp diện mạo của Thủ đô.
Thảo Phương
Theo