Thứ ba 05/11/2024 01:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Hà Nội: Người dân ủng hộ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

16:46 | 16/03/2021

(Xây dựng) –Trước thông tin 1.500 hộ dân có thể phải di dời để phục vụ đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, nhiều người dân vô cùng nhất trí với chủ trương của Nhà nước và sẵn sàng di dời để đảm bảo an toàn phòng chống lũ theo quy định.

ha noi nguoi dan ung ho quy hoach phan khu do thi song hong
Hầu hết người dân đều sẵn sàng di dời theo đúng chủ trương quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Tìm hiểu được biết, vào năm 2012, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Tuy nhiên, dù có đến hơn 20 đề án, dự án liên quan nhưng đến nay, Hà Nội vẫn chưa xây dựng đề án quy hoạch phân khu sông Hồng phù hợp bởi tính chất phức tạp, nhiều yếu tố đan xen…

Với tinh thần quyết tâm và nghiên cứu cẩn trọng, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 và thống nhất trình các bộ, ngành liên quan, để tiến tới phê duyệt, sớm ban hành quy hoạch này vào tháng 6 tới.

Đây được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.

Bên cạnh việc bố trí dịch vụ giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, đồ án còn nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Đồ án quy hoạch cũng đề cập đến việc xây dựng cầu, hầm kết nối đô thị hai bên sông, kết nối giao thông đô thị và đường thủy; phát triển hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp…

Các tuyến đê đoạn qua nội đô được giữ nguyên trạng, đoạn còn lại nâng cấp thành đường chính khu vực với bốn làn xe; quy hoạch hai tuyến đường sáu làn xe chạy dọc hai bên sông.

Đồ án đề xuất 5 bãi sông được nghiên cứu xây dựng với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc; Hoàng Mai - Thanh Trì; Chu Phan - Tráng Việt; Đông Dư - Bát Tràng và Kim Lan - Văn Đức. Bãi sông được xây dựng với tỷ lệ 15% là Tàm Xá - Xuân Canh.

Các bãi sông này định hướng phát triển thành khu đô thị mới hiện đại, nhà ở sinh thái chất lượng cao. Các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng để giảm thiểu thiệt hại khi có lũ. Ngoài ra, còn được định hướng không gian mở với các loại hình không gian công viên, quảng trường đô thị, công viên ngập lũ...

Theo dự thảo, quy hoạch sông Hồng trải dài 40 km, từ cầu Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (Thường Tín). Phân khu đô thị sau quy hoạch sẽ bao phủ diện tích 11.000ha thuộc địa giới 13 quận huyện (55 phường xã) gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm. Dân số theo quy hoạch khoảng 280.000 - 320.000 người (hiện trạng khoảng 235.000 người).

Các chuyên gia nhận định, việc di dời dân phải tuân thủ theo Quyết định 257 của Thủ tướng năm 2016 phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Ở khu vực nào nguy hiểm thì phải thực hiện theo. Nếu chỗ nào đánh giá mức độ nguy hiểm chưa cao mà người dân sống ổn định lâu thì nên tạo điều kiện để giữ lại. Đối với khu dân cư tập trung được tồn tại có diện tích khoảng 1.165ha sẽ được cải tạo chỉnh trang, tái thiết và được mở rộng 5% diện tích dân cư hiện có khoảng 60ha để bổ sung hạ tầng xã hội và xây dựng các khu nhà ở phục vụ, giãn dân, tái định cư tại chỗ… Đáng chú ý, có thể có đến 1.500 hộ dân phải di dời để đảm bảo an toàn phòng chống lũ.

Trước những thông tin này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã ghi nhận ý kiến của người dân tại các địa phương như phường Ngọc Thụy (Long Biên), Phúc Tân (Hoàn Kiếm), Phúc Xá (Ba Đình)… Hầu hết người dân đều ủng hộ các chủ trương của Nhà nước và quy hoạch phân khu sông Hồng của Thành phố Hà Nội.

Anh V.Minh nêu quan điểm: Tôi nghĩ hai bên sông Hồng chỉ xây khu biệt thự, nhà liền kề, nhà thấp tầng hay công viên cho nhân dân Thủ đô, nếu xây nhà chung cư thì không nên xây quá 9 tầng, cần phải có không gian xanh, không nên “nhồi nhét” nhà cao tầng làm mất mỹ quan đô thị.

Bác V.M.Phương sống tại ngõ 57 Phúc Tân chia sẻ: Gia đình tôi hoàn toàn đồng ý với việc quy hoạch khu vực này. Vừa đảm bảo vệ sinh môi trường xanh – sạch – đẹp vừa phát triển không gian khu vực này hiện đại và văn minh. Nếu có nằm trong diện phải di dời thì gia đình tôi cũng sẵn sàng đi, Nhà nước và chính quyền xây dựng khu tái định cư ở đâu thì chúng tôi sẽ về đấy.

Chú T.Q.Vinh sống tại ngõ 76 Hồng Hà cho biết: Tôi đã sống tại đây cũng hơn 40 năm rồi, đã nhiều lần thấy rục rịch các dự án, nghiên cứu này kia nhưng mãi không thấy triển khai. Lần này, Thành phố Hà Nội đã quyết liệt hơn, tôi mong quy hoạch phân khu sông Hồng này sớm được duyệt để người dân chúng tôi ổn định cuộc sống. Ở đây, nhiều hộ gia đình chưa có sổ đỏ, biết đâu nếu quy hoạch được duyệt, chính quyền và cơ quan chức năng có đủ cơ sở để quản lý thì người dân chúng tôi sẽ được cấp sổ đỏ.

Chị V.N.Hà – một người trẻ sống tại phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng) hứng khởi: Thực sự tôi rất mong chờ bản quy hoạch như thế này của Hà nội, bởi địa thế sông Hồng rất đẹp nhưng lâu nay chúng ta chưa khai thác được hết, rất lãng phí nguồn lực. Trên thế giới đã rất nhiều quốc gia phát triển thành phố 2 bên bờ sông, điển hình như Seoul – từng bị ô nhiễm nhưng giờ là niềm tự hào của Hàn Quốc. Chúng ta nên tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường xanh sạch đẹp. Vì thế, việc di dời các hộ dân, theo tôi là cần thiết để đảm bảo hành lang thoát lũ sông Hồng.

Cô N.T.Châm nhận định: Người dân chúng tôi chỉ muốn có thêm vườn cây, công viên cây xanh, không muốn mảng xanh hiếm hoi của thành phố bị biến thành bê tông cốt thép. Rất mong chính quyền lắng nghe ý kiến của người dân, phát huy tiềm lực và lợi thế của sông Hồng, đồng thời hài hòa với lợi ích của người dân. Chúng tôi rất ủng hộ hai mục tiêu lớn của đồ án quy hoạch là phòng, chống lũ và chỉnh trị sông hồng. Hai bên bờ sông Hồng sẽ là lá phổi xanh cho thành phố hiện đại, văn minh, đáng sống. Hà Nội đã khẳng định không chất tải chồng đống chung cư cao tầng và người dân tin tưởng quyết tâm của lãnh đạo thành phố.

Sau khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương triển khai các quy hoạch chi tiết, các dự án cụ thể và là cơ sở để cấp phép xây dựng giúp cho người dân ổn định cuộc sống.

Diệu Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load