Thứ ba 05/11/2024 07:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Hà Nội: Kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi và tôn tạo di tích tại Thanh Trì

09:25 | 14/02/2024

(Xây dựng) - Sáng 13/2, Huyện ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì (Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi, mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) và lễ động thổ, tu bổ, tôn tạo di tích địa điểm Chiến thắng Ngọc Hồi. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong dự buổi lễ.

Hà Nội: Kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi và tôn tạo di tích tại Thanh Trì
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ tu bổ, tôn tạo di tích địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết: Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ, đã lập lên một kỳ tích vẻ vang, phá tan tuyến phòng thủ của quân Thanh và cùng cánh quân phía Tây Nam mở toang cửa tiến vào kinh thành Thăng Long, xóa bỏ ách đô hộ của quân xâm lược nhà Thanh và chế độ phong kiến cuối thế kỷ 18, thống nhất giang sơn, giành nền độc lập, đem lại cuộc sống yên bình cho dân tộc.

Nổi bật trong chiến công chung đó là trận hành quân thần tốc đại phá đồn Ngọc Hồi, cứ điểm phòng ngự quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng thủ của Tôn Sĩ Nghị và quân Thanh.

Đồn Ngọc Hồi của quân Thanh (nay là xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) được xây dựng khoảng tháng Chạp năm Mậu Thân (1788) trên cánh đồng phía Nam, cách kinh thành Thăng Long 14km, có vị trí trọng yếu: Khống chế con đường Thiên lý, ngăn chặn cuộc tiến công của quân Tây Sơn từ Tam Điệp ra, bảo vệ cửa ngõ phía Nam thành Thăng Long. Tại đồn Ngọc Hồi, quân địch cho đắp lũy đất cao, phía ngoài bố trí một bãi chướng ngại vật khá phức tạp và nguy hiểm, chúng cắm chông sắt, làm cạm bẫy và đặc biệt là đặt hệ thống địa lôi. Sức phòng thủ mạnh và kiên cố của đồn lũy này là kết hợp chặt chẽ giữa chướng ngại vật, chiến lũy với lực lượng rất mạnh và hỏa lực lớn. Đồn có trên dưới 3 vạn quân tinh nhuệ (lấy từ đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị) thành phần bao gồm kỵ binh và tượng binh, quân lính được huấn luyện và trang bị tốt.

Với khí thế tấn công thần tốc, đánh tiêu diệt nhanh bằng sức mạnh áp đảo, đêm mùng 4, rạng sáng ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu, đội quân Tây Sơn tấn công đồn Ngọc Hồi dưới sự đốc chiến trực tiếp của vua Quang Trung. Bộ binh, kỵ binh và tượng binh của ta ào ạt xông vào đồn địch. Thế xung trận của quân Tây Sơn mạnh như triều dâng bão cuốn, chính quân địch đã phải thừa nhận: “Quân giặc (tức quân Tây Sơn) hợp lại đông như kiến cỏ, thế lên ào ạt như nước thủy triều dâng lên”.

Trước sự tấn công vũ bão của quân Tây Sơn, quân Thanh không chống cự nổi phải bỏ chạy tán loạn, số tàn quân sống sót bị dồn về đầm Mực, cánh đồng thuộc xã Vĩnh Quỳnh, gần Ngọc Hồi ngày nay. Mô tả trận đánh này, tác phẩm Hoàng Lê Nhất thống chí chép: “Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết… Thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại”.

Chiến thắng Ngọc Hồi đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Thanh xâm lược, mở toang cửa ngõ phía Nam Thăng Long cùng các cánh quân khác… ào ạt tiến vào Thăng Long khiến Tôn Sĩ Nghị phải chui vào ống đồng tháo chạy về nước. Tướng Sầm Nghi Đống phải tự tử. Quang Trung dẫn đầu đoàn quân chiến thắng tiến vào Thăng Long trong niềm hân hoan vui sướng của toàn thể nhân dân. Chiến thắng Ngọc Hồi có ý nghĩa quyết định trong việc giải phóng Thăng Long.

“Trong 235 năm qua, chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa mùa Xuân năm Kỷ Dậu mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt và của mỗi người dân Thủ đô văn hiến. Bởi đó là sự kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là chiến thắng của đạo lý chính nghĩa thắng phi nghĩa, là chiến thắng của trí tuệ dân tộc, của nghĩa quân Tây Sơn, đứng đầu là anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường nhấn mạnh.

Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần đồng hành, quyết tâm chính trị cao, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì đã chủ động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả nổi bật: Huyện đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra theo tiến độ và kế hoạch: 18/18 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, trong đó, có 9/18 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đồng thời, hoàn thành đạt và vượt mức 20/20 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2023 Thành phố giao.

Huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao 15/15 xã, về đích trước 2 năm và vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đề ra và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025; đồng thời, đến nay, có 15/15 xã đã được Đoàn kiểm tra thẩm định đủ điều kiện báo cáo Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023; là huyện đầu tiên có 2 xã: Yên Mỹ, Đại Áng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, vượt chỉ tiêu Thành phố giao giao giai đoạn 2021-2025. Thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận, đến nay, Thanh Trì đã đạt 30/34 tiêu chuẩn thành lập quận.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã thực hiện nghi thức động thổ tu bổ, tôn tạo di tích địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi. Di tích địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi, mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì được xây dựng năm 1989, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Thành phố năm 2019.

Với tổng mức đầu tư 48.436 triệu đồng, dự án có quy mô đầu tư xây dựng đồng bộ, tổng thể di tích, gồm: Tu bổ, tôn tạo cổng phụ, đài tưởng niệm; Nhà lục giác, nhà khách. Cải tạo, sửa chữa, nâng cấp: Khu vực khán đài và xây mới: Nhà trưng bày, nhà tưởng niệm bằng đá; cổng chính, nhà bảo vệ; Tôn tạo, nâng cấp sân vườn tổng thể, hạ tầng kỹ thuật đảm bảo khớp nối công trình mới và cũ đồng bộ theo tiêu chuẩn và một số hạng mục khác… trong khuôn viên khoảng 7.000m2. Thời gian hoàn thành công trình vào năm 2025.

Tuệ Minh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Khám phá 8 di sản thế giới trên vùng đất Cố đô Huế

    (Xây dựng) - Cố đô Huế với bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, là tỉnh duy nhất của Việt Nam sở hữu 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và Di sản khu vực. Trong đó, có 6 di sản của riêng Huế và 2 di sản chung với các địa phương khác.

  • Vĩnh Long: Di sản làng nghề trăm tuổi bên dòng Cổ Chiên

    (Xây dựng) - Nhằm bảo tồn và phát triển “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt Ðề án “Di sản đương đại Mang Thít” với diện tích 3.060ha, thuộc 4 xã: Mỹ Phước, Mỹ An, Nhơn Phú và Hòa Tịnh, với sản phẩm du lịch trọng điểm là “Vương quốc lò gạch”.

  • Thái Nguyên: Khánh thành công trình di tích đền thờ Lý Nam Đế

    (Xây dựng) - UBND thành phố Phổ Yên vừa tổ chức cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), tại phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

  • Mê Linh (Hà Nội): Lấy ý kiến về dự án Khu công viên thể dục, thể thao rộng hơn 60ha

    (Xây dựng) - Dự án Khu công viên thể dục, thể thao huyện Mê Linh được kỳ vọng sẽ trở thành tổ hợp thể thao hiện đại tầm cỡ khu vực, sẵn sàng trở thành một địa điểm cho thi đấu Olympic trong tương lai.

  • Lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích

    Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ vừa có công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

  • Hội chợ Ấn Độ 2024 - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ

    (Xây dựng) – Ngày 2/11, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã tổ chức "Hội chợ Ấn Độ - Lễ hội tôn vinh sự đa dạng của Ấn Độ" tại khuôn viên Đại sứ quán. Lễ hội nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ văn hóa trong cộng đồng người Ấn Độ, quảng bá về Ấn Độ đến cộng đồng người Việt Nam và tôn vinh tình hữu nghị truyền thống sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load