(Xây dựng) – Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai một thời gian dài, tuy nhiên việc thu hồi còn gặp nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó, không loại trừ việc các chủ đầu tư lợi dụng “kẽ hở” trong các quy định của pháp luật, đặc biệt việc xin điều chỉnh quy hoạch để tiếp tục chây ì, kéo dài thời gian.
Nhiều dự án “ôm đất” bỏ hoang đến cả thập kỷ. |
Lợi dụng kẽ hở để trục lợi?
Trong văn bản trả lời ý kiến của cử tri mới đây, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội cho biết, trong quá trình triển khai các Đoàn Thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, các tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.
Đại diện cử tri đề nghị làm rõ, có hay không việc nhà đầu tư cố tình chây ì, chậm trễ trong việc lập và hoàn thiện quy hoạch điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần để kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, chậm trễ trong triển khai dự án? Thành phố có biện pháp xử lý gì đối với các dự án loại này?
Trả lời về hiện tượng trên, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội khẳng định: “Có hiện tượng chủ đầu tư chậm trễ trong việc lập, hoàn thiện dự án để điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh mục đích sử dụng đất theo quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt hoặc đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần để kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án”.
Đối với các trường hợp này, liên ngành thành phố triển khai các Đoàn Thanh tra, kiểm tra để làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan để đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với chủ đầu tư cố tình chây ì, cố tình chậm trễ thì UBND thành phố chỉ đạo chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc xử lý thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Cần mạnh tay xử lý
Theo một lãnh đạo trong ngành Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Trong một thời gian dài chúng ta chỉ biết có chuyện là giao đất cho nhà đầu tư được chỉ định. Chúng ta chỉ quan tâm đến việc giao đất để có những dự án đầu tư phát triển thậm chí có nhiều trường hợp gắn với tham nhũng. Khi giao rồi chúng ta cũng không quan tâm tới việc dự án đó triển khai như thế nào. Vì vậy, nhiều dự án “treo” đã không kịp thời xử lý, điều này đã gây lãng phí rất lớn. Chính vì vậy, Hà Nội hiện nay tổng kết lại có tới vài trăm dự án bỏ hoang, có những dự án kéo dài 10 năm thậm chí 20 năm. Tôi cho rằng, đó là những con số mà Hà Nội cần phải suy ngẫm để có thể đưa ra những quyết định kịp thời, không tiếp tục làm lãng phí quỹ đất nữa”.
Cũng theo vị này, việc thu hồi các dự án chậm tiến độ còn vướng mắc là do, khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó, đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất nên gặp rất nhiều khó khăn. Một giải pháp để tránh tình trạng này đó là, Nhà nước cũng nên xem xét việc đánh thuế với mức thuế suất cao nhất có thể đối với các dự án chậm đưa vào sử dụng. Làm như vậy, nhà nước vừa không phải lo việc dự án bị bỏ hoang mà cũng không phải bận tâm tính toán hiệu quả trong việc sử dụng khu đất vừa thu hồi từ doanh nghiệp.
Bàn về nguyên nhân xảy ra tình trạng chủ đầu tư “ôm” đất bỏ hoang, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Dự án chậm triển khai có rất nhiều nguyên nhân. Về nguyên nhân khách quan là do doanh nghiệp không hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, do chồng chéo về pháp luật. Nguyên nhân chủ quan có thể do doanh nghiệp yếu kém về năng lực, ôm quỹ đất để đầu cơ, như tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng có ô đất bỏ hoang hơn chục năm ngay trung tâm quận 1. Tuy nhiên, theo tôi năng lực của chủ đầu tư không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, mà phần lớn các doanh nghiệp đang thực hiện tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc đầu cơ về đất đai.
Để khắc phục việc này, Nhà nước đã tính toán nhiều phương án, được quy định rõ tại Điều 64 Luật Đất đai, cũng như các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai…tuy nhiên thực sự mình lại chưa nghiêm trong việc xử phạt. Bây giờ, chúng ta cần thực hiện quyết liệt hơn. Có thể thực hiện thông qua: Thời hạn đưa đất vào sử dụng theo đăng ký của chủ đầu tư đối với thời hạn thực hiện dự án được quy định của Luật Đất đai; cần sớm ban hành việc thu thuế đối với các doanh nghiệp chậm đưa đất vào sử dụng; xử lý nghiêm các doanh nghiệp chậm triển khai ảnh hưởng đến quy hoạch của địa phương.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của HĐND-UBND thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố và UBND cấp huyện tiến hành kiểm tra, rà soát và triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với 379 dự án và có kết luận và kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý đối với từng dự án theo quy định.
Trong đó, đã kiến nghị thu hồi đất; bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư đối với 28 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha đất; kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất đối với 25 dự án với tổng diện tích 39 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hậu kiểm các dự án và tiếp tục đề xuất UBND thành phố gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 18 dự án.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang đôn đốc và triển khai công tác hậu kiểm việc thực hiện Kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra và kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý đối với từng dự án theo quy định. Trường hợp các vi phạm đã làm rõ nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan và có các đề xuất, kiến nghị xử lý phù hợp, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; một số trường hợp có khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ đơn vị có phương án khắc phục khả thi. Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề xuất, kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo yêu cầu chủ đầu tư có văn bản cam kết việc thực hiện, có kế hoạch, lộ trình thực hiện và thời gian khắc phục các vi phạm; đồng thời giao các Sở, ban, ngành thành phố, UBND cấp huyện hướng dẫn và giám sát chủ đầu tư thực hiện.
Thành Luân
Theo