Thứ hai 29/04/2024 14:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hà Nam: Tập trung tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

20:44 | 24/10/2023

(Xây dựng) – Xác định việc đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là chỗ ở cho người lao động, người có thu nhập thấp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thời gian qua, UBND tỉnh Hà Nam đã có nhiều chỉ đạo, ban hành các văn bản để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án cũng đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.

Hà Nam: Tập trung tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân
Khu dịch vụ nhà công nhân KCN Đồng Văn IV huyện Kim Bảng.

Nhiều cơ chế ưu đãi về nhà ở xã hội

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành nhiều quy định, cơ chế chính sách nhằm quản lý và phát triển nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho người lao động tại các khu, cụm công nghiệp nói riêng.

Bên cạnh việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, UBND Tỉnh Hà Nam còn có nhiều cơ chế hỗ trợ theo quy định của pháp luật như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...

UBND tỉnh Hà Nam cũng đã ban hành một số cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, như: Hỗ trợ 100% kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Hỗ trợ 50% chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi của dự án. Trường hợp chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.

Tỉnh Hà Nam có 2 dự án nhà ở xã hội (cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị) đã và đang triển khai xây dựng với khoảng 936 căn, bao gồm: Nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị Đồng Văn Xanh, Khu nhà ở xã hội tại phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư.

Đối với nhà ở xã hội cho công nhân Khu công nghiệp, hiện này trên địa bàn tỉnh có 3 dự án nhà ở xã hội cho công nhân Khu công nghiệp với khoảng 3.407 căn, gồm: Dự án Khu thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn II (giai đoạn I) do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam làm chủ đầu tư. Khu dịch vụ nhà công nhân KCN Đồng Văn IV huyện Kim Bảng do Tổng công ty Viglacera – CTCP làm chủ đầu tư, dự án đang triển khai thi công với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 141.897 m2, 2.235 căn hộ. Khu nhà ở xã hội thuộc quy hoạch tổng mặt bằng Khu thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn II do Công ty Cổ phần Arita làm chủ đầu tư, đang triển khai thi công, có tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 63.571m2, 928 căn hộ.

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được nghiên cứu bố trí quỹ đất nhà ở công nhân, đáp ứng nhu cầu của công nhân làm việc tại từng KCN với tổng diện tích đất đã bố trí là trên 60 ha. Ngoài ra, tỉnh đã chủ động bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tập trung trong quy hoạch đô thị (thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên, huyện Kim Bảng) với tổng diện tích khoảng 65 ha; rà soát đảm bảo bố trí quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội trong quy hoạch và dự án nhà ở thương mại theo quy định.

Vừa qua, UBND tỉnh Hà Nam đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội và nhà ở công nhân tại xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng, hiện dự án đang lựa chọn nhà đầu tư. Dự án có quy mô sử dụng đất khoảng 12,03ha, đáp ứng khoảng 600 căn nhà ở xã hội thấp tầng, 500 căn hộ chung cư xã hội.

Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ

Hà Nam: Tập trung tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân
Khu nhà ở xã hội thuộc quy hoạch tổng mặt bằng Khu thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn II.

Thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã có nhiều ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, đưa các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nên tiến độ thực hiện các dự án cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, thực tế tồn tại không ít những khó khăn vướng mắc, cụ thể: khi quy hoạch phân khu, đã bố trí đất dành cho nhà ở xã hội, đến khi thực hiện dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, lại phải dành diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định (20% tổng diện tích đất ở), từ đó dẫn đến việc trùng quỹ đất nhà ở xã hội, tạo ra quỹ đất rất manh mún, nhỏ lẻ, khó thu hút đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật, các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện (chưa có nhà ở, phải cư trú trên địa bàn tỉnh có nhà ở xã hội, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân và phải được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận, thẩm định về đối tượng, điều kiện...) Quy định nêu trên khiến người dân và chính quyền địa phương phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, khó khăn trong việc xác nhận các điều kiện. Mặt khác, những người thu nhập thấp, để thuê nhà ở xã hội cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ để chứng minh 03 điều kiện nêu trên.

Không chỉ vậy, người thu nhập thấp ngoài khu vực đô thị không được mua nhà ở xã hội, trong khi khu vực Hà Nam nói riêng và các tỉnh lân cân nói chung, người thu nhập thấp ngoài đô thị đông và có nhu cầu lớn về chỗ ở.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn nhà nước, tổng mức đầu tư do chủ đầu tư quyết định. Khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, cơ quan chuyên môn về xây dựng không thẩm định tổng mức đầu tư hoặc dự toán. Giá bán, thuê, thuê mua của dự án xây dựng nhà ở xã hội phải được UBND tỉnh thẩm định (thường thẩm định tại thời điểm chủ đầu tư dự kiến mở bán căn hộ), đảm bảo lợi nhuận nhà đầu tư không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư. Do đó, dẫn đến việc khó kiểm soát tổng mức đầu tư ngay từ đầu, việc thẩm định giá bán rất khó khăn.

Xem xét mở rộng đối tượng thuê, mua nhà ở công nhân

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Dự án Khu nhà ở xã hội thuộc quy hoạch tổng mặt bằng Khu thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn II (Công ty Cổ phần Arita làm chủ đầu tư) cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến các dự án nhà ở xã hội chưa thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Đơn cử, dự án xây dựng nhà ở cho công nhân chỉ dành cho các đối tượng làm việc trong khu công nghiệp. Như vậy thì đối tượng mua nhà ở xã hội sẽ bị hạn chế vì những đối tượng này thường có thu nhập không cao, không cố định làm việc tại một công ty trong thời gian dài, khiến các dự án này gặp khó khăn trong việc thanh khoản.

Để đẩy nhanh tiến độ, phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, ông Vinh cũng kiến nghị Nhà nước nới các quy định, mở rộng đối tượng thuê, mua mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; xem dự án nhà ở cho công nhân như một dự án nhà ở xã hội thông thường để có nhiều đối tượng có thể tiếp cận dự án. Từ đó sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, góp phần phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, đáp ứng được các yêu cầu về an sinh xã hội.

Ông Đinh Quốc Toàn – Phó Giám đốc Dự án Khu dịch vụ nhà ở công nhân KCN Đồng Văn IV cũng chia sẻ, Khu dịch vụ nhà ở công nhân KCN Đồng Văn IV chỉ phục vụ duy nhất một đối tượng đó là công nhân lao động trong KCN Đồng Văn IV. Chính vì vậy, đối tượng mua NOXH đã hẹp, thì đối tượng mua nhà ở công nhân trong KCN Đồng Văn IV lại càng hẹp hơn. Chúng tôi mong muốn Chính phủ và các sở, ngành quan tâm, cho phép được mở rộng đối tượng được thuê, mua nhà ở cho công nhân ra các khu công nghiệp khác, chứ nếu chỉ quy định bị bó hẹp thì nhà ở công nhân xây xong, không có người đến thuê, mua để ở.

Kim Thoa – Tiến Hào

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load